Cuối tháng 7 vừa qua, TP HCM công bố dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, dự kiến áp dụng từ ngày 1/8. Theo đó, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh từ 15 - 50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Tuy nhiên, thành phố đã hoãn, chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh này do cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố.
Hiện nay, dự thảo điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn TP đang được UBND TP phối hợp với HĐND TP tổ chức buổi thảo luận chuyên đề để lấy ý kiến trực tiếp các đại biểu; đồng thời đối thoại, lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng đất và tổ chức Hội nghị phản biện xã hội do Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM.
Tại Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh mới đây đã trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Sở Tài chính thẩm định dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến trước ngày 1/1/2026.
Theo dự thảo, tại TP Đà Lạt, giá đất nông nghiệp cao nhất 1,2 triệu đồng/m2, giá đất ở nông thôn cao nhất 4,83 triệu đồng/m2. Giá đất ở cao nhất tại TP Đà Lạt là 72,8 triệu đồng/m2, thuộc về Khu Hòa Bình (tất cả đường, kể cả khu vực bến xe nội thành) và tất cả đường Nguyễn Thị Minh Khai.
So với bảng giá trước khi điều chỉnh, xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Đà Lạt dự kiến tăng 6 lần, giá đất ở nông thôn tăng 2,3 lần, giá đất ở đô thị tăng 1,3 lần.
Tại TP Bảo Lộc, giá đất nông nghiệp dự kiến điều chỉnh cao nhất 546 nghìn đồng/m2, giá đất ở nông thôn cao nhất 9,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất 35,1 triệu đồng/m2 thuộc về đường Lê Hồng Phong, đoạn từ sau đường Kim Đồng đến hết đường Trần Phú. So với bảng giá đất trước điều chỉnh, nếu xét theo giá cao nhất và chưa nhân với hệ số K, giá đất nông nghiệp tại TP Bảo Lộc dự kiến tăng 4,3 lần, giá đất ở nông thôn tăng hơn 2 lần và giá đất ở đô thị tăng 1,8 lần.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa qua đã ban hành Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2021/QĐ-UBND Quy định Bảng giá đất giai đoạn 2022 – 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn hồi tháng 4 cũng đã chủ trì buổi làm việc thẩm định Bảng giá đất điều chỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số địa phương cơ bản thống nhất tăng giá các vị trí trong bảng giá cũ, với mức tăng trung bình từ 1,2 đến 1,5 lần.
Trên quan điểm đa phần giữ nguyên mức giá theo Quyết định 72, lãnh đạo thị xã Việt Yên và lãnh đạo huyện Yên Dũng đề xuất một số vị trí tăng giá cho phù hợp giữa các đoạn đường, điều chỉnh từ xã thành phường, thôn thành tổ dân phố, bổ sung một số tuyến đường, khu dân cư mới. Riêng TP Bắc Giang đề xuất điều chỉnh tăng toàn bộ mức giá so với Quyết định 72, mức giá tăng phổ biến từ 2 đến 2,5 lần để phù hợp với khung giá đất chung.
Cùng với các thành phố lớn khác, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị dự thảo và điều chỉnh bảng giá đất mới, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong thời gian chờ hoàn thiện chính sách về đất đai theo hướng dẫn của Luật, từ nay cho đến khi thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh và bảng giá đất mới, chính sách về tài chính đất sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu điều chỉnh bảng giá đất.
Bảng giá đất mới có thể đẩy giá nhà tăng cao
Thời gian qua, một số địa phương đã ban hành bảng giá đất mới. Trong đó, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa ban hành bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 17/9, tăng khoảng 20 – 30% so với các quyết đinh cũ.
Theo đó, đất ở đô thị sau khi áp dụng hệ số K sẽ có giá từ 913.000 đồng/m2 đến 78 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí, tuyến đường và khu vực đô thị. Đối với đất ở nông thôn, mức giá được quy định từ 513.000 đồng/m2 đến hơn 4 triệu đồng/m2 tùy theo tuyến đường, vị trí và địa phương...
Bảng giá đất vừa được HĐND tỉnh Hải Dương thông qua cũng tăng khá nhiều so với bảng giá đất cũ. Theo đó, đất ở đô thị, đất ở nông thôn tăng khoảng 2,5 lần.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ. Thay vào đó, bảng giá đất được cập nhật hàng năm, xác định giá sát với thị trường căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng...
Với bảng giá đất mới sát giá thị trường, Bộ Xây dựng đánh giá, sẽ làm tăng chi phí liên quan đất đai như chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất đều tăng.
Tính toán của Bộ Xây dựng cho thấy, chi phí đất đai trong tổng chi phí của dự án nhà ở dao động 7-20% với dự án chung cư cao tầng và 25-50% với dự án biệt thự, liền kề. Trong đó, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng chi phí của dự án nhà ở. Mức này giữa các dự án có sự khác nhau do phụ thuộc vị trí, điều kiện thuận lợi của hạ tầng kỹ thuật.
Khi áp dụng bảng giá đất năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, chi phí tiền sử dụng đất của các dự án đã tăng lên nhiều so với trước. Ví dụ như tại Khu nhà ở của GP Invest, chi phí tiền sử dụng đất tính trên giá bán 1m2 căn hộ sau khi áp dụng bảng giá đất mới sẽ tăng lên 22 triệu đồng/36 triệu đồng (chiếm khoảng 60%). Hiện tỷ lệ này là khoảng 42%, tương đương 15 triệu đồng/36 triệu đồng.
Tương tự, tại Khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9, TP.HCM), tỷ trọng chi phí sử dụng đất trên giá bán 1m2 căn hộ cũng dự kiến tăng từ 27% (2,3 triệu đồng/8,8 triệu đồng) lên 60-65%.
Tỷ trọng này cũng tăng tại dự án biệt thự Khu đô thị Chánh Mỹ (Bình Dương), từ 16,3% lên khoảng 50%. Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) cũng tăng tiền sử dụng đất từ 15% lên 33% giá bán.
Bảng giá đất tăng có thể sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng lên 15 - 20% so với trước, theo tính toán của Bộ Xây dựng.