Tỷ giá quay đầu giảm
Tiền đồng đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, tăng 3,2% so với đầu năm và đạt mức 24.630 VND/USD vào cuối quý III. Bên cạnh sự yếu đi của đồng USD, kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND.
Trên thị trường trong nước, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng và tỷ giá chợ đen tiếp tục giảm giá và thu hẹp mức tăng trước đó sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) đưa lãi suất về4,75 - 5%.
Trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất ngân liên ngân hàng đồng loạt giảm tại trong nửa đầu tháng 9. Trong nước, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm tại xuống mức 24.134 vào phiên giao dịch sáng 25/9.
Ngoài tác động từ lãi suất của Fed, tỷ giá trong nước còn được hỗ trợ từ nhiều yếu tố như cán cân thương mại, giải ngân FDI vẫn đang giữ xu hướng khá tích cực. Tính đến hiện tại, nguồn cung ngoại tệ đang ổn định với cán cân thương mại ước tính thặng dư 18 tỷ USD trong 8 tháng hay giải ngân FDI đạt 14 tỷ USD.
NHNN không nên hạ lãi suất?
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, NHNN được kỳ vọng sẽ thực hiện các biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Tháng 8 ghi nhận một loạt các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo nhà điều hành sẽ không giảm lãi suất điều hành khiNHNN đang phải đảm nhiệm rất nhiều trách nhiệm như kiểm soát lạm phát, tỷ giá và cả duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngân hàng UOB mới đây đưa ra nhận định cho rằng rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
Do đó, UOB dự đoán NHNN sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với NHNN trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự.
Trong báo cáo gần đây của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng lạm phát vẫn ở dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, cộng với áp lực tăng giá từ giờ đến cuối năm thấp là động lực để NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, hay nói rộng hơn là tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.
TheoPGS TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân, lãi suất hiện nay phù hợp với tình hình chung, NHNN không nên hạ lãi suất trong thời gian tới.
"Lãi suất trong nước không chỉ phụ thuộc vào mỗi lãi suất của Fed, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tỷ lệ lạm phát quốc gia. [...] Về mặt định tính, Việt Nam không nôn nóng hạ lãi suất thì tỷ giá sẽ ổn định hơn", vị chuyên gia này nhận định.
Dự báo về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Thế Anh cho rằng đồng tiền VND có thể tiếp tục lên giá một chút nếu Fed tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất trong thời gian tới. Ông dự đoán nếu như không có gì thay đổi Fed chắc sẽ hạ thêm lãi suất và đưa lãi suất của Mỹ dao động ở mức khoảng 3,5%.
Đồng quan điểm,bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng: “Tỷ giá giảm rất tích cực, giúp NHNN có thể mạnh tay hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng nhà điều hành sẽ giảm lãi suất chính sách, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn thấp”.
Bà Liên phân tích NHNN sẽ phải cân nhắc trong bối cảnh quy mô hạ lãi suất của Fed năm nay sẽ không lớn, chưa đủ để khiến lãi suất tại VND hấp dẫn hơn so với USD trong khi hạ lãi suất có nguy cơ gây áp lực lên tỷ giá.
"Trong điều kiện phù hợp, NHNN có thể quay lại mua ngoại tệ, nhưng tỷ giá cần giảm đủ sâu. Nhìn chung, tỷ giá giảm và khả năng NHNN mua lại ngoại tệ là cú hích rất tích cực, giúp tăng thanh khoản cho thị trường”, bà Liên dự báo.