Đồ Sơn là khu du lịch nổi tiếng được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX. Sau năm 1975, nhiều bộ, ngành được cấp đất tại đây để xây dựng nhà nghỉ, nhà khách, trung tâm điều dưỡng phục vụ CB-CNVC trong ngành. Các cơ sở có đủ điều kiện sau đó được chuyển đổi sang kinh doanh khách sạn du lịch theo cơ chế doanh nghiệp nhà nước.
Nhiều bộ, ngành "nhận chỗ"
Không khó để nhận thấy vào thời kỳ bao cấp, Đồ Sơn là "chiếc bánh" mà nhiều bộ, ngành đều nhận phần để xây dựng nhà khách, trung tâm an dưỡng. Cũng chính vì thế, các nhà khách (nay nhiều cơ sở trở thành khách sạn) lớn tại đây đều thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành. Đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú tại Đồ Sơn đã xuống cấp trầm trọng, phòng ốc cũ kỹ, phong cách phục vụ của đội ngũ nhân viên cũng mang đậm dấu ấn bao cấp, không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
Tòa nhà Vina For Hotel (màu trắng, 5 tầng) của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam nằm sát đường ven biển khu I - Đồ Sơn có tổng diện tích hơn 10.000 m2. Công trình được xây dựng từ thời bao cấp nay vẫn hoạt động nhưng bỏ hoang một phần diện tích do không bảo đảm tiêu chuẩn nghỉ dưỡng, phục vụ khách du lịch
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết có một thực trạng là hiện nay, các bộ, ngành trung ương vẫn đang sử dụng đất kết hợp với kinh doanh dịch vụ (cho các hộ gia đình, cá nhân, đơn vị thuê lại để kinh doanh). Tuy nhiên, do việc đầu tư các công trình từ nhiều năm trước nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số khu đất bỏ hoang, cỏ dại mọc cao hơn đầu người đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan của khu du lịch, không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách. Một số cơ quan, tổ chức còn để hoang hóa, không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất, một số dự án còn chậm tiến độ.
"Những công trình được xây dựng từ thời bao cấp đến nay vẫn hoạt động, tuy nhiên một phần diện tích lại bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm do không bảo đảm tiêu chuẩn nghỉ dưỡng, phục vụ khách du lịch. Trong khi đó, các cơ sở lưu trú du lịch tư nhân hiện nay đã phát triển nên hệ thống nhà nghỉ, nhà khách của bộ, ngành dần vắng khách, chuyển đổi kinh doanh kém hiệu quả" - ông Phạm Hoàng Tuấn cho hay.
Theo thống kê của UBND quận Đồ Sơn, hiện khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong số đó, chủ yếu là các cơ sở lưu trú thuộc sự quản lý của 11 cơ quan, đơn vị của các bộ, ngành sử dụng đất vào mục đích làm nhà điều dưỡng, có kết hợp khai thác kinh doanh, dịch vụ cơ sở hạ tầng, tổng diện tích là 134.524 m2.
Cũng tại khu du lịch Đồ Sơn, có 15 đơn vị an ninh, quốc phòng sử dụng đất làm nhà điều dưỡng, phục vụ cán bộ ngành và liên kết đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ với tổng diện tích 489.067 m2. Tất cả khu đất của các đơn vị, bộ, ngành trên đều được đánh giá là "đất vàng", án ngữ ở các vị trí đắc địa tại khu I, II, III ngay sát bờ biển.
Điển hình, khu đất của Bộ Xây dựng (khu I, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn) với 8.555 m2. Trên khu đất có 1 khối nhà - gồm 1 dãy nhà 3 tầng và 1 dãy nhà 4 tầng liền nhau, được xây dựng từ năm 1977 - hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và bị bỏ hoang nhiều năm.
Tại khu đất của Văn phòng Thành ủy Hải Phòng tồn tại một công trình mang tên khách sạn Hoa Biển, nhà hàng Vạn Phong, Vạn Vân, Vạn Hoa… nhưng đều trong tình trạng xập xệ, xuống cấp. Thậm chí, nhà hàng Vạn Vân còn được căng dây xung quanh để cảnh báo nguy hiểm. Ở khu du lịch Bến Nghiêng (phường Vạn Hương) của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng, trong khoảng diện tích chưa đầy 2.000 m2 có tới 10 nhà nghỉ, khách sạn nhưng gần như tất cả đều đã dừng hoạt động và bị bỏ hoang.
Đề nghị chuyển giao cho Hải Phòng quản lý
Theo đánh giá của UBND quận Đồ Sơn, trong số những cơ sở trên có 19 cơ sở kinh doanh không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất và các dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm thuộc thẩm quyền của TP Hải Phòng quản lý, tổng diện tích 866.437 m2. Trong đó có 7 khu đất do các bộ, ngành quản lý sau khi thoái vốn nhà nước với diện tích 122.505 m2; 8 dự án, công trình được giao đất, thuê đất thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục với diện tích 16.111 m2; 4 dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định có diện tích 727.829 m2.
Thực tế cho thấy quỹ đất để phát triển du lịch ở Đồ Sơn là rất ít, trong khi đó, các bộ, ngành lại "ôm" quá nhiều khu "đất vàng" nên Hải Phòng không thể lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồ Sơn. Chính vì vậy, khu du lịch này cũng không thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, dù suốt nhiều năm qua, TP Hải Phòng đã nỗ lực "trải thảm đỏ" mời gọi.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết để tránh lãng phí tài nguyên đất cũng như thúc đẩy ngành du lịch của Đồ Sơn phát triển, trở thành điểm đến lý tưởng về du lịch nghỉ dưỡng xứng tầm như đã kỳ vọng, UBND quận Đồ Sơn vào cuối tháng 4-2023 đã có văn bản báo cáo và đề xuất TP Hải Phòng hướng tháo gỡ, xử lý.
Theo đó, UBND quận Đồ Sơn đề xuất UBND TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chuyển giao tài sản về thành phố quản lý, phát triển hạ tầng du lịch. Quận cũng đề nghị thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm, thu hồi để đấu giá, tăng thu cho ngân sách đối với các trường hợp chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí tài nguyên.
Ngày 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc khảo sát đột xuất hiện trạng công trình của một số bộ, ngành, cơ quan tại Đồ Sơn. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống nhà khách, nhà nghỉ của bộ, ngành tại điểm du lịch và đưa ra giải pháp phù hợp.