Kỹ năng sống

Nhân 3 thu nhập trong những tháng cuối năm, phải từ chối việc hay lương tốt dù ham kiếm tiền

“Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” có lẽ là câu nói đúng với phần lớn dân công sở lúc này. Có người ban ngày vẫn đi làm 8-9 tiếng ở công ty, tối về nhà lại tiếp tục cày thêm 2-3 công việc khác. Có người tìm mỏi mắt, chỉ mong kiếm thêm được 1 công việc tự do để có thêm nguồn thu nhập, mà mòn mỏi từ đầu năm tới giờ, vẫn chẳng trúng được “job hời”.

Thị trường tuyển dụng freelancer càng về cuối năm, càng sôi động, vì gần Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán, khối lượng công việc nhiều, các doanh nghiệp cũng cần thuê nhân sự outsource.

Nhân 3 thu nhập trong 4 tháng cuối năm, việc đến tới tấp nhưng không dám nhận

Đây chính là tình trạng chung của Chí Công (sinh năm 1996) và Thu Hà (sinh năm 1995). Hiện tại, công việc chính của Chí Công là trợ lý đạo diễn (AD - Assistant Director), còn Thu Hà làm việc trong lĩnh vực Brand Marketing.

Khoảng 4 tháng trở lại đây, 2 bạn trẻ này cho biết bản thân lúc nào cũng trong trạng thái “bơi trong deadline”, mà vẫn tới tấp người hỏi “có nhận thêm được việc nữa không, có job này ngon lắm?”.

Nhân 3 thu nhập trong những tháng cuối năm, phải từ chối việc hay lương tốt dù ham kiếm tiền- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Mình làm 1st AD, hiểu nôm na là trợ lý chính, làm việc với cả đạo diễn và giám đốc sản xuất trong 1 đoàn phim. Công ty mình chuyên quay TVC quảng cáo, đặc thù công việc và vị trí của mình là bắt buộc phải có mặt ở set quay, nên nói đúng ra là mình không thể nhận job ngoài với vai trò 1st AD được, vì việc của công ty đã kín lịch từ tháng 8 đến tận tháng 1 năm sau rồi.

Nhưng mình vẽ được storyboard, nên cũng nhiều bên thuê, vì mình cũng quen việc và hiểu việc rồi. Đặc biệt là càng gần Noel với Tết, các nhãn hàng cần quay TVC nhiều nên mình cũng lắm việc. Việc đến tay rồi mà còn phải từ chối dù họ gửi brief trước cả tháng trời” - Chí Công chia sẻ.

Còn với đặc thù công việc của Thu Hà, có thể nhận việc và làm việc ở bất cứ đâu, miễn sao đảm bảo đúng deadline là được, nên cô cũng không quá bị bó buộc trong việc tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, cũng giống như Chí Công, rào cản lớn nhất của Thu Hà chính là không có đủ thời gian, dù đam mê kiếm tiền thì vẫn luôn cháy bỏng. Hiện tại, Thu Hà đang làm 3 công việc 1 lúc, trong đó, có 1 công việc full-time và 2 công việc freelance.

“Mình làm full-time cho 1 công ty quản lý các KOC, ngoài ra, mình còn làm quản lý vận hành phòng Marketing của 1 phòng khám, và quản lý nội dung cho 2 doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực F&B. Thế nên ngày nào cũng bơi trong hằng hà sa số các group chat bàn công việc. Riêng chuyện check tin nhắn để nắm được hết các thông tin cần thiết đã rất tốn thời gian và công sức rồi.

Đặc thù của vai trò quản lý vận hành là mình không phải trực tiếp thực hiện các task chi tiết, nhưng phải theo sát các bạn nhân viên để đảm bảo tiến độ, KPI. Nếu làm việc trực tiếp với nhau thì dễ hơn, nhưng vì làm online hết nên cũng khá nhiều rào cản, đặc biệt là trong giai đoạn mới bắt đầu dự án. Đến lúc mọi người quen việc và quy trình trơn tru rồi thì dễ thở hơn, mình cũng có thể nhận thêm job khác nữa” - Thu Hà chia sẻ.

Nhân 3 thu nhập trong những tháng cuối năm, phải từ chối việc hay lương tốt dù ham kiếm tiền- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể hàng tháng, nhưng cả Thu Hà cho biết lương của công việc full-time chỉ chiếm khoảng 1/2 thu nhập của cô. Còn với Chí Công, tỷ lệ đó là 1/3 - thu nhập từ các công việc bên ngoài chiếm 2/3 thu nhập cả tháng, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.

3 yếu tố quan trọng nhất để tìm được “job ngoài” chất lượng

Bản thân đã đang “overload”, mà công việc vẫn đến tới tấp, Chí Công cho biết hiện tại, anh thậm chí còn bén duyên với nghề HR. Nghĩa là người ta thuê anh làm, nhưng anh không làm nổi do quá bận, nên họ nhờ anh “tìm mặt gửi vàng” giúp họ, rồi họ sẽ gửi anh chút tiền hoa hồng.

Còn với Thu Hà, dù chưa bén duyên được với nghề HR như Chí Công, nhưng cô cũng cho biết chỉ trong tháng 11 vừa qua, cô đã phải từ chối 2 job rồi.

Đều là những người làm không hết việc, đến mức phải từ chối nhận việc dù “lương thưởng cũng thơm”, Chí Công và Thu Hà đều có những quy tắc “bất di bất dịch” khi làm việc. Cũng nhờ đó mà họ tạo dựng được uy tín trong nghề.

1 - Phải biết lượng sức mình, đừng tham lam để làm lỡ dở việc của người khác

“Mình thấy có một vài bạn trẻ, cứ có việc là họ nhận ngay, nhưng rồi lại không đảm bảo được chất lượng hoặc deadline, ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. Các lĩnh vực khác thì mình không rõ, chứ riêng trong đoàn phim hay trong việc quay TVC nói chung đi, 1 người chậm trễ là người khác phải làm thay để không ảnh hưởng đến thời gian on set, mà không có ai làm thay được thì thành ra trễ lịch, phải rời ngày on set, hệ lụy là phải hủy lịch với phim trường hoặc studio, đôi khi mất cả tiền cọc.

Nếu đó là lỗi của bên mình chứ không phải do bên nhãn hàng, thì bên mình phải chịu mất khoản tiền cọc ấy, mà thế là vẫn còn may, chứ không có khi còn bị hủy hợp đồng.

Thế nên là nhận việc bên ngoài thì phải biết lượng sức mình, nhắm làm được, làm tốt và đúng deadline thì hẵng nhận, chứ không thì vừa mất uy tín của bản thân, vừa ảnh hưởng người khác” - Chí Công chia sẻ.

2 - Phải học về cách quản trị con người

Dù lĩnh vực chính là Thu Hà đang theo đuổi là Brand Marketing, nhưng cô lại khẳng định việc biết cách quản trị con người mới là yếu tố giúp cô nhân đôi, nhân 3 thu nhập.

Nhân 3 thu nhập trong những tháng cuối năm, phải từ chối việc hay lương tốt dù ham kiếm tiền- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

“Cả 2 công việc tay trái của mình đều là quản lý, vận hành. Trước đây mình cũng nghĩ chỉ cần giỏi kỹ năng, kiến thức chuyên môn là được rồi, nhưng sau này khi va vấp, có nhiều trải nghiệm hơn, mình mới thấy giỏi chuyên môn chỉ là điều cơ bản, phải biết cách quản trị con người thì bản thân mới thăng tiến được.

Chứ làm vận hành như mình, lại còn là vận hành, quản lý từ xa, tất cả mọi người chỉ giao tiếp và tương tác online, mà không khéo léo thì đôi khi hỏng hết việc” - Thu Hà chia sẻ.

3 - Không tìm việc trong các hội nhóm

Dù làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, nhưng cả Thu Hà và Chí Công đều khẳng định từ xưa đến nay, họ chưa bao giờ tìm việc làm ngoài giờ trong các hội nhóm hay trên MXH nói chung.

“Trước đây khi chưa có kinh nghiệm, mình may mắn được 1 chị đồng nghiệp giới thiệu job ngoài. Bây giờ, khi đã làm quản lý vận hành rồi, mình cũng không bao giờ lên các hội nhóm Facebook hay lên mạng tìm nhân sự, mà ưu tiên tìm qua người quen, như thế là mình đã có cơ sở là người được giới thiệu sẽ làm được việc, đỡ tốn thời gian hơn nhiều” - Thu Hà chia sẻ.

Chí Công cũng đồng tình với quan điểm của Thu Hà và cho rằng: “Thường những job freelance mà bạn thấy họ đăng tuyển trên Facebook hoặc các MXH khác, là những job cũng không lâu dài và lương cũng không ổn lắm. Tốt nhất là tìm qua người quen hoặc LinkedIn, vừa để tránh va phải lừa đảo, vừa tiết kiệm thời gian cho mình”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm