![]() |
Vận hành không hiệu quả, TP Hải Phòng phải chấm dứt dự án nhạc nước ở hồ Tam Bạc, tháo dỡ toàn bộ công trình, mất trắng 88,5 tỷ đồng ngân sách |
Tốn kém vô ích
Năm 2015, Hải Phòng từng rầm rộ khánh thành dự án nhạc nước tại hồ Tam Bạc, với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Chỉ sau vài tháng hoạt động, công trình này lộ rõ hàng loạt bất cập: Vị trí không phù hợp, gây ảnh hưởng giao thông, tiếng ồn làm phiền cư dân hai bên đường. Hiệu quả khai thác gần như bằng không, chưa kể mỗi năm lại ngốn thêm hơn 2 tỷ đồng để duy trì, bảo dưỡng. Dân địa phương thậm chí còn mỉa mai gọi hệ thống nhạc nước đó là “những cái máng lợn” nằm giữa lòng thành phố.
Cuối cùng, sau khi dư luận phản đối và kiểm tra sai phạm, TP Hải Phòng phải chấm dứt dự án, tháo dỡ toàn bộ công trình, chấp nhận thiệt hại kinh tế và mất trắng 88,5 tỷ đồng ngân sách đã tạm ứng. Thành phố và nhà thầu đi đến thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, với việc nhà thầu không thu hồi hơn 100 tỷ đồng chưa thanh toán.
Liên quan dự án, về sau, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật các ông Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố; ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng vì “có nhiều khuyết điểm, vi phạm dẫn đến công trình dở dang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và tạo dư luận xấu”.
Cuối năm 2023, một công trình nhạc nước khác cũng gặp phải phản ứng trái chiều của dư luận: Dự án cải tạo vườn hoa Hàng Đậu (còn gọi là vườn hoa Vạn Xuân) tại quận Ba Đình, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Phương Thanh (phố Phan Đình Phùng, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày đầu, nhạc được mở ầm ĩ, đèn nháy loang loáng, khiến người dân xung quanh nhiều lần phản ứng vì tiếng ồn và sự xáo trộn không cần thiết. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống nhạc nước rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, vòi nước lúc có lúc không, nhạc tắt ngúm. Vườn hoa nhanh chóng trở thành khoảng sân trống, bê tông phẳng lì, thưa vắng người qua lại”.
Nhiều người dân nhận xét nơi đây giờ giống một “phim trường bỏ hoang” hơn là không gian công cộng đúng nghĩa. Sự lãng phí và bất cập của công trình này từng gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội: Nhạc nước có thực sự cần thiết, hay chỉ là món trang trí ngắn hạn và lạc lõng giữa lòng phố cổ?
Giờ đây, quận Hoàn Kiếm dường như đang đi lại đúng vết xe đổ đó khi đề xuất di dời cây xanh ở vườn hoa Lý Thái Tổ để xây dựng hệ thống nhạc nước. Nhiều lý do có thể được đưa ra để bảo vệ dự án như: “tạo điểm nhấn”, “cải thiện cảnh quan”, “mang lại trải nghiệm mới cho người dân”. Nhưng ngay giữa trung tâm Hà Nội, nơi từng gắn bó với bóng cây và ký ức, nhiều người lại quan tâm đến một câu hỏi khác: Có cần thiết phải đánh đổi những giá trị sẵn có để lắp vào đó một công trình mà chính cộng đồng chưa chắc đã mong đợi?
Từ góc nhìn chuyên môn, kiến trúc sư cảnh quan Nguyễn Hoàng Sơn nhận định: “Hai dự án nhạc nước ở Tam Bạc và Hàng Đậu phản ánh rất rõ một tư duy sai lầm: Coi việc bơm nước và bật đèn là cách để làm đẹp không gian. Nhưng cảnh quan đô thị không thể chỉ đo bằng ánh sáng và tiếng nhạc. Những công trình như vậy tiêu tốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhưng không mang lại giá trị sử dụng lâu dài cho cư dân, thậm chí phá vỡ cấu trúc không gian vốn có”. Theo ông Sơn, thay vì đầu tư vào những dự án dễ gây tranh cãi và hao tốn nguồn lực, các đô thị cần tập trung giữ gìn cây xanh, không gian công cộng tự nhiên, thứ mà người dân thực sự cần và gắn bó.
![]() |
Vườn hoa Hàng Đậu bị bê tông hóa để phục vụ công trình nhạc nước gần như không hoạt động chỉ sau chưa đầy 2 năm |
Đồng quan điểm với kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Sơn, ông Lê Minh Tuấn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhận định rằng việc chạy theo các công trình nhạc nước trong thiết kế không gian công cộng là một lựa chọn sai hướng, thiếu tính bền vững. “Điều đáng nói là sau mỗi công trình lãng phí đó, người dân chỉ còn lại một khoảng trống bê tông lạnh lẽo và ký ức về những tán cây đã biến mất”, ông Tuấn nói.
Theo ông, khi không gian công cộng bị biến thành “sân khấu thị giác” mà quên đi yếu tố sinh thái và nhu cầu gắn kết cộng đồng, đô thị sẽ mất đi bản sắc. “Với những khu vực mang tính lịch sử, tâm linh như Hồ Gươm, càng không thể áp đặt các công trình mang tính trình diễn ngắn hạn. Những thứ đó có thể gây chú ý một thời gian, nhưng sẽ làm tổn thương cảnh quan và ký ức đô thị lâu dài”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thế giới cũng trả giá đắt vì nhạc nước
Kiến trúc sư cảnh quan Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, những dự án nhạc nước thất bại đã để lại nhiều bài học đắt giá về tư duy quy hoạch ngắn hạn và lãng phí tài nguyên. Theo ông Sơn, Barcelona từng chi hơn 5 triệu euro để dựng hệ thống nhạc nước tại quảng trường chính, nhưng công trình nhanh chóng bị dừng hoạt động sau ba năm vì vận hành kém hiệu quả, không thu hút được khách du lịch, lại tốn kém bảo trì. Ở Seoul, Hàn Quốc, thành phố cũng từng đầu tư 10 triệu USD để lắp đặt hệ thống nhạc nước trên sông Hàn với kỳ vọng tạo biểu tượng mới, nhưng cuối cùng phải tháo dỡ sau hai năm vì chi phí duy trì quá cao và không có giá trị cộng đồng thực chất.
“Ngay cả những đô thị giàu có như Las Vegas hay Dubai cũng từng phải đóng cửa hàng loạt công trình nhạc nước nhỏ vì không thu hút được khách, trở thành gánh nặng tài chính. Rõ ràng, nhạc nước là mô hình dễ gây chú ý lúc đầu, nhưng rất khó duy trì bền vững. Quan trọng nhất, nó không tạo ra giá trị sử dụng lâu dài cho cư dân đô thị”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông cho rằng, Hà Nội cần nhìn thẳng vào những thất bại này để tránh đi vào con đường mà người ta đã thử và thất bại: Chạy theo công trình trình diễn, bỏ quên giá trị sinh thái và nhu cầu thực tế của cộng đồng.
Hà Nội có thiếu nhạc nước?
Trên một số diễn đàn về quy hoạch đô thị, trước dự án xây công trình nhạc nước ở vườn hoa Lý Thái Tổ, hàng trăm ý kiến phản đối đã xuất hiện, phần lớn đều chung một quan điểm: Người dân không chống lại đổi mới, nhưng phản đối sự đánh đổi vô nghĩa và phản cảm.
Ông Nguyễn Văn Quý (phố Tràng Tiền) bức xúc: “Chúng tôi không cần nhạc nước, chúng tôi cần bóng cây. Mỗi sáng đi bộ quanh hồ, điều quý nhất là không khí mát lành và tán cây che nắng. Nhạc nước thì để làm gì? Ngắm 5 phút rồi về, trong khi cây phải mất cả đời người mới mọc lên”.
Chị Lê Thảo (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Chúng tôi biết tin dự án khi báo chí đăng tải, không ai hỏi ý kiến người dân. Vườn hoa Lý Thái Tổ không phải công viên giải trí, nó là ký ức của Hà Nội, là nơi để người ta tìm về yên tĩnh, chứ không phải nơi trưng bày ánh sáng và tiếng ồn”.
![]() |
Nhiều người dân và chuyên gia phản đối việc xây dựng công trình nhạc nước ở vườn hoa Lý Thái Tổ |
Không chỉ cộng đồng cư dân, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn cảnh báo. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho rằng: “Hệ thống nhạc nước ở những không gian công cộng đặc biệt như vườn hoa Lý Thái Tổ cần được cân nhắc rất kỹ. Không thể lấy tiêu chí giải trí ngắn hạn để hy sinh yếu tố sinh thái và giá trị lịch sử”.
Cùng quan điểm, TS. Phạm Văn Phúc (Đại học Lâm nghiệp) khẳng định: “Tư duy chặt cây để làm công trình là tư duy lạc hậu. Cây xanh là vốn tự nhiên của đô thị, là giải pháp hạ tầng mềm hiệu quả nhất về kinh tế, sinh thái và xã hội. Mỗi cây cổ thụ mất đi là mất cả một hệ sinh thái thu nhỏ, mất đi bóng mát và ký ức cộng đồng”.
PGS.TS Bùi Xuân Đính, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đi thẳng vào trọng tâm: “Không thể biến nơi trang nghiêm, tĩnh lặng như Hồ Gươm thành chỗ phun nước, nhảy múa ánh sáng. Đó là sự thô bạo với văn hóa Hà Nội”. Ông Đính khẳng định, việc đặt nhạc nước ở khu vực này là “hoàn toàn phi lý về cả văn hóa lẫn không gian”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, người dành nhiều năm nghiên cứu lịch sử Thăng Long, Hà Nội, cũng bày tỏ quan điểm dứt khoát: “Hồ Gươm không phải công viên giải trí mà ai muốn làm gì thì làm. Đó là di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt, là trái tim của Thủ đô, nơi hội tụ linh khí và ký ức dân tộc”. Theo ông, việc đặt hệ thống nhạc nước vào đây không chỉ lệch chuẩn quy hoạch mà còn cho thấy sự thiếu hiểu biết về Hà Nội.