Doanh nghiệp

Nhà Vingroup đứng trên các ngân hàng về vốn chủ sở hữu, Hòa Phát bám sát phía sau

Một dự án bất động sản của Vingroup tại Phú Quốc. (Ảnh: Song Ngọc).

Tính đến ngày cuối quý II năm nay, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) có vốn chủ sở hữu hơn 132.000 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán. Công ty con của Vingroup là Vinhomes (Mã: VHM) xếp ngay phía sau với hơn 129.300 tỷ.

Hai doanh nghiệp này tích lũy được khối vốn chủ khổng lồ nhờ có lợi nhuận lớn trong nhiều năm liền.

Từ năm 2017 trở về trước, lãi sau thuế của Vingroup lớn hơn Vinhomes. Tuy nhiên từ khi Vinhomes niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào năm 2018 đến nay, lợi nhuận của công ty con này đã vượt trội hơn hẳn so với kết quả kinh doanh hợp nhất của Vingroup.

Năm gần đây nhất, Vinhomes lãi kỷ lục gần 39.000 tỷ nhưng Vingroup vẫn lỗ sau thuế gần 7.600 tỷ. Sở dĩ có hiện tượng này là vì hiệu quả hoạt động của các thành viên tập đoàn không đồng đều, có công ty con lãi đậm như Vinhomes nhưng cũng có công ty con thua lỗ như VinFast.

Lợi nhuận của Vinhomes lớn hơn Vingroup trong những năm gần đây.

Ba vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng vốn chủ sở hữu đều là các ngân hàng, bao gồm Vietcombank (Mã: VCB), Techcombank (Mã: TCB) VietinBank (Mã: CTG).

Thời điểm cuối quý II vừa qua là lần đầu tiên vốn chủ của Techcombank và VietinBank vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Techcombank ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 11.494 tỷ đồng, giúp cho vốn chủ sở hữu cũng đi lên tương ứng.

Tương tự, VietinBank báo cáo lãi nửa năm 9.379 tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ 2021.

Vietcombank đã vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng vốn chủ từ cuối quý I năm ngoái.

Trong số 12 tên tuổi có vốn hóa trên 50.000 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022, có 5 doanh nghiệp phi tài chính và 7 ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đứng thứ 6 toàn thị trường và mấp mé ngưỡng 100.000 tỷ. Một phần do tình hình khó khăn chung của ngành thép, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long báo cáo lợi nhuận quý II năm nay giảm 59% so với cùng kỳ, còn 4.023 tỷ đồng.

 

Ông Long cảnh báo môi trường kinh doanh các quý cuối năm 2022 sẽ rất khó khăn với doanh nghiệp thép. Tuy nhiên nếu Hòa Phát vẫn có lãi trong quý III thì vốn chủ sở hữu cũng sẽ dễ dàng vượt mốc 100.000 tỷ.

Lợi nhuận của Hòa Phát giảm sâu trong quý II/2022.

Trong số 12 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu trên 50.000 tỷ đồng còn 4 ngân hàng nữa là VPBank (Mã: VPB), BIDV (Mã: BID), Ngân hàng Quân đội (Mã: MBB) và Ngân hàng Á Châu (Mã: ACB).

6 vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng vốn chủ sở hữu cuối quý II/2022 không khác biệt so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, hai vị trí số 7 và 8 chứng kiến sự hoán đổi giữa VPBank và BIDV.

Nửa đầu năm nay, VPBank ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 12.241 tỷ đồng, cao hơn khoảng 3.300 tỷ so với BIDV. Nhờ vậy, ngân hàng của Chủ tịch Ngô Chí Dũng đã vượt lên trên đại gia ngân hàng quốc doanh về vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên khi xét về vốn điều lệ, BIDV vẫn đang dẫn đầu toàn ngành ngân hàng và xếp thứ 2 thị trường, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát.

Trong top 12 vốn chủ sở hữu còn có hai doanh nghiệp phi tài chính là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS – Mã: GAS) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm