Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp sáng 11/8, đại diện của các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch, trong đó sức ép về tài chính và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là vấn đề được đề cập nhiều nhất.
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đề xuất nới "room" tín dụng
Là một trong những đại diện doanh nghiệp phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết sau đại dịch, ngành du lịch nói chung và Vietravel nói riêng đã đưa ra 3 chiến dịch là rã đông, phục hồi, phát triển. Sau rã đông là phục hồi.
"Trong giai đoạn phục hồi này, sức ép về tài chính rất lớn", ông nói và cho biết Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn. Như vậy vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách.
Theo Chủ tịch Vietravel, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp không tiếp cận được, nhiều rào cản.
"Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong hai năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được", ông Kỳ cho biết.
Cùng đề cập đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, việc tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.
"Điều này đồng nghĩa với việc tồn kho sẽ tăng, sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng trong một tuần qua đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam nói và mong muốn Thủ tướng cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong một tuần qua.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam |
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn (khoảng 90%) là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ. |
"Tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ. Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ", ông Hiệp phản ánh.
Cũng theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng đại đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn hạn hẹp, khi thực hiện các hợp đồng xây dựng phần lớn chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công.
"Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng không được nới "room" tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao", ông Hiệp nói và đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng.
Về phía doanh nghiệp bất động sản (BĐS), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu thực tế thị trường BĐS có một số dấu hiệu đáng lo ngại, đó là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động trong khi nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ lớn. Nguồn nhà ở liên tục giảm từ năm 2018 đến nay. Năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017.
Ông Châu cho biết, đối với TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực BĐS là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Ảnh: VGP |
Theo Chủ tịch HoREA, tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua, tính từ năm 2017. Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường BĐS hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý 1/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu nào. |
Bên cạnh đó, nguồn kiều hối cũng sụt giảm, như TP.HCM chỉ đạt được 3,1 tỷ USD, giảm 13%. Như vậy sẽ tương ứng với giảm đầu tư vào BĐS, vì trung bình có khoảng 20% kiều hối đầu tư vào BĐS.
Trên cơ sở những khó khăn, ông Châu đề xuất cần thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến của UBND TP.HCM về việc áp dụng phương pháp sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả những dự án trên 30 tỷ đồng theo bảng giá đất...
Chủ tịch HoREA cũng đề nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, làm thế nào để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn. Cùng với đó, ông đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.
Nguồn vốn của BĐS giải quyết được từ rất nhiều "kênh", không riêng tín dụng
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo đó, toàn ngành ngân hàng đã có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp và người dân. Nguồn này chính là nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng. Tính toán của các đơn vị chức năng cho đến nay là tổng khoảng 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, NHNN đã ban hành các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ. Bằng cách này có thể giúp doanh nghiệp vay vốn của hệ thống ngân hàng khi gặp khó khăn và chưa trả nợ được.
"Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, NHNN cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Ví dụ đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp", Thống đốc NHNN nói.
Thống đốc cho biết thêm, trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu bị nhỡ. Trên thực tế, có thời điểm trước khi giảm giá đồng Việt Nam 9,2%, có nhiều doanh nghiệp phải phân bổ điều chỉnh tỉ giá trong nhiều năm.
Về tín dụng, theo Thống đốc, tháo gỡ tín dụng cho thị trường BĐS nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bà khẳng định đây là áp lực lớn đối với NHNN và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Từ góc độ như vậy, Thống đốc nhấn mạnh NHNN điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
"Chúng ta đã trải qua giai đoạn lạm phát tăng cao, tỉ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Theo người đứng đầu NHNN, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cố gắng điều hành cơ bản ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới vẫn phải triển khai những công việc còn tồn đọng, khó khăn trước như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…
Riêng về tín dụng, Thống đốc khẳng định tăng trưởng tín dụng phải đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Đối với tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Đối với thị trường bất động sản, Thống đốc NHNN cho rằng nguồn vốn của BĐS giải quyết được rất nhiều "kênh" từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là 1 kênh.
Với ý kiến của Hiệp hội BĐS về việc kiều hối cũng là nguồn đầu tư BĐS nhưng trong bối cảnh tỉ giá USD mạnh lên, lãi suất quốc tế tăng dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra, Thống đốc cho rằng điều này sẽ đặt áp lực cho NHNN về điều hành tỉ giá. Đây là bài toán tổng thể và chính sách tiền tệ cũng là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô nên cần hài hòa với những mục tiêu tổng thể.