Có người nói rằng bạn chỉ cần nói tốt về sếp cũ là được, có cái gì khó đâu. Trả lời như vậy tựa như chẳng vấn đề gì, nhưng bạn đã bỏ sót một điểm, đó là nhà tuyển dụng sẽ trở thành sếp tương lai của bạn, nếu bạn nói về sếp cũ tốt như vậy thì họ sẽ nghĩ, tốt như vậy thì bạn từ chức để làm gì? Việc này chứng minh điều gì? Chứng tỏ bạn đang nói dối.
Vậy có phải chúng ta nên nói xấu sếp cũ thì sẽ tốt hơn hay không? Tất nhiên là không, nếu bạn coi thường sếp cũ của mình, ai biết sau khi bạn rời khỏi công ty mới này, liệu bạn có coi thường sếp hiện tại y như vậy hay không? Nhà tuyển dụng sẽ không mấy hảo cảm khi nghe câu trả lời như vậy.
Chê cũng không được, khen cũng không xong, vậy chúng ta nên làm gì bây giờ?
Đầu tiên chúng ta phải hiểu, mục đích của nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này là gì? Có phải họ thật sự muốn biết sếp cũ của bạn là người như thế nào hay không? Tất nhiên là không, thứ họ muốn tìm hiểu chính là mối quan hệ giữa bạn và sếp cũ như thế nào mà thôi.
1. Nói tích cực, không nói tiêu cực
Có thể lý do bạn từ chức là vì sếp cũ đối xử tệ với bạn, có thể sếp cũ thực sự là một kẻ đểu cáng, nhưng khi trả lời câu hỏi này, bạn vẫn phải cố gắng làm nổi bật ưu điểm của họ. Bởi vì nhà tuyển dụng không quen biết sếp cũ của bạn, nên nếu bạn nói rằng sếp cũ là người tồi tệ, từ góc độ một nhà lãnh đạo, họ sẽ nghĩ đó là vấn đề của bạn chứ không phải là của người sếp cũ đó.
Ví dụ, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ là do bạn khó quản lý, quá khó ở hoặc khả năng thích ứng của bạn kém. Từ những suy nghĩ đó, bạn nghĩ xem, liệu nhà tuyển dụng có còn muốn tuyển bạn nữa không?
Câu hỏi này không phải là câu hỏi mà bạn có thể trả lời tùy tiện, bạn phải nhớ rằng đây là một cuộc phỏng vấn, không phải là chuyên mục tâm sự tuổi hồng. Sếp cũ tốt hay không không quan trọng, quan trọng là nhà tuyển dụng muốn nghe câu trả lời như thế nào.
Nếu sếp cũ thực sự giỏi thì hãy nói thật, chẳng hạn bạn có thể nói: "Sếp cũ của tôi là người có năng lực chuyên môn vững vàng. Ông ấy giải quyết vấn đề rất giỏi. Tôi học được khả năng tập trung từ ông ấy." Khi kể cần ngắn gọn, súc tích, không nên quá rườm rà hay cường điệu, như thế sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy không chân thật.
Nếu sếp cũ không tốt lắm thì bạn cũng không cần phải nói dối, nhưng một người sếp dù có tệ đến đâu thì cũng phải có ít nhất một điểm sáng. Bạn nên tìm ra điểm sáng của họ để pha trộn vào phần bình luận, chẳng hạn như bạn có thể nói: "Sếp của tôi là một người rất nghiêm khắc với nhân viên, tỉ mỉ trong mọi việc và đặc biệt chú ý đến tiểu tiết." Khi kể không nên đặt nhiều cảm xúc, chỉ cần khách quan tường thuật lại là được.
Tôi từng gặp một ứng viên kể về sếp cũ với một sự tức giận tột độ, đến nỗi suýt nữa nước bọt cũng văng vào người của nhà tuyển dụng. Mặc dù những gì anh ấy nói có thể là đúng, nhưng loại cảm xúc này chỉ khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy rằng anh ấy là một người mang trong mình nguồn năng lượng tiêu cực, dễ xúc động, khó hòa hợp với lãnh đạo.
Ai cũng biết rằng cảm xúc chính là sự phản ánh thế giới nội tâm của một người. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mối quan hệ của ứng viên với sếp thông qua sự thay đổi cảm xúc khi trả lời các câu hỏi. Cho dù bạn không hề nói xấu về sếp cũ, nhưng nhà tuyển cũng vẫn sẽ biết được bạn và sếp cũ không hòa hợp, cái này gọi là "ánh mắt phản bội chính mình".
Vì vậy, khi trả lời, đừng mang theo bất kỳ cảm xúc nào, cũng đừng dùng những từ ngữ xúc phạm, hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ khách quan và tích cực nhất để nhà tuyển dụng cảm thấy rằng đánh giá của bạn là đúng.
2. Sườn bài câu trả lời
Để đánh giá về sếp của mình, có lẽ bạn muốn nói rất nhiều nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, kiểu rối loạn này thường khiến rất nhiều người gặp khó khăn và mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Sau đây là sườn bài mà bạn có thể áp dụng khi "làm văn" về sếp của mình.
Mở bài: Trình bày một cách khách quan những ưu điểm của sếp. Ví dụ, "sếp của tôi là một người rất nghiêm túc trong công việc",… Hãy nhớ rằng, có thể sếp cũ có nhiều ưu điểm, nhưng bạn không cần phải nói chi tiết về từng ưu điểm mà chỉ cần chọn 1-2 ưu điểm nổi bật và nói về chúng là được.
Thân bài: Ảnh hưởng của sếp đối với bạn. Ví dụ, "dưới ảnh hưởng của sếp cũ, chất lượng công việc của tôi đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là sự chú ý đến các chi tiết, điều này đã giúp tôi tránh được nhiều vấn đề". Đoạn này rõ ràng là đang khen ngợi sếp cũ, nhưng thực chất lại thầm khen bản thân có năng lực làm việc cao.
Kết bài: Cảm ơn sự giúp đỡ của sếp cũ, thể hiện sự hòa đồng với lãnh đạo, họ đã giúp đỡ bạn ít nhiều ra sao. Hãy tìm một điểm mà bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình với sếp, điều này nhằm khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một người biết ơn.
Một số nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi thêm: "Sếp cũ của bạn có điều gì không tốt không?"
Nói không thì hơi không thành thật, bảo là có thì dễ bị bắt thóp, vậy chúng ta nên trả lời như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần nắm bắt một điểm cốt lõi, đó là nói về những khiếm khuyết trong công việc chứ không phải về tính cách. Ví dụ, bạn có thể nói như sau: "Theo quan điểm của tôi, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu ông ấy biết tế nhị hơn khi khiển trách nhân viên."
Tất nhiên, bạn cũng có thể trả lời như thế này: "Tôi làm việc có nguyên tắc của riêng mình, đó là không bao giờ phán xét cấp trên, nếu có vấn đề thì tôi sẽ tự tìm nguyên nhân từ chính mình. Đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện công việc ngày một xuất sắc hơn."