Thời gian vừa qua, dọc bờ đê sông Bùi, đoạn thuộc địa bàn xã Tốt Động (H.Chương Mỹ) xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt xây dựng công trình kiên cố. Để phục vụ quá trình thi công, phần đất ven bờ đê sông Bùi sẽ được san gạt tạo mặt bằng.

Thời gian vừa qua, người dân ồ ạt xây dựng công trình không phép, "băm nát" lòng sông Bùi ở vùng rốn lũ Hà Nội
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Tiếp đó, máy móc được huy động để ép, nhồi cọc trụ bê tông dài vài mét vào nền đất để gia cố mặt bằng thêm chắc chắn. Khi công đoạn này được hoàn thiện cũng là lúc công nhân làm giằng móng (còn được gọi là dầm móng) từ nhiều thanh sắt để đổ bê tông lên trên.
Để quá trình thi công được thuận tiện, vật tư, sắt thép, gạch, cát… được tập kết ngay bên vệ đường, trước cửa mỗi công trình.
Chỉ sau khoảng hơn 1 tuần thi công, trên khu vực đất bãi bên bờ sông Bùi đã xuất hiện nhiều công trình kiên cố, "băm nát" lòng sông. Theo ghi nhận, trong khoảng 100 m có đến 5 vị trí được thi công rầm rộ, rộn ràng cả một khúc sông.
Sông Bùi, đoạn chảy qua địa bàn các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động... (H.Chương Mỹ) được biết đến là vùng rốn lũ của thủ đô Hà Nội.
Vào mùa mưa hàng năm, mỗi khi xuất hiện lũ rừng ngang thì ở các xã nêu trên có nhiều điểm "chìm trong biển nước".
Việc nhiều công trình kiên cố được thi công ồ ạt, "băm nát' lòng sông vùng rốn lũ sẽ gây ra nhiều hệ lụy như làm hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát lũ trên sông Bùi.

2 công trình vi phạm bên bờ sông Bùi được phát hiện từ giai đoạn làm móng. Trước đó, tòa nhà 4 tầng bên cạnh cũng được xây dựng khi chưa có giấy phép
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Từ hình ảnh và thông tin do PV Thanh Niên cung cấp, ông Đỗ Đình Trung, Chủ tịch UBND xã Tốt Động, cho biết các công trình kiên cố này nằm trên địa bàn thôn Giữa (xã Tốt Động).
Theo ông Trung, do lịch sử để lại nên khu đất bãi trong lòng sông Bùi cũng nằm trong quy hoạch khu dân cư. Trong bối cảnh Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, người dân "lo lắng" xã Tốt Động bị sáp nhập sẽ khó xin giấy phép xây dựng nên "tranh thủ" xây nhà dù chưa có giấy phép.
Ông Trung cho biết thêm, khi người dân bắt đầu xây công trình thì lực lượng chức năng của xã đã phát hiện, lập biên bản 7 trường hợp và có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng thì người dân lại tiếp tục thi công khiến công trình vi phạm phát sinh khối lượng.
"Chúng tôi không buông lỏng quản lý. Công trình đang ở giai đoạn làm móng là chúng tôi đã ngăn chặn. Nhưng trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1. 5 vừa qua, người dân lại tranh thủ cho thợ thi công. Sau đó, bản thân tôi và cán bộ xã phải phân công nhau đi tuần tra, nên trong khoảng 1 tuần trở lại đây, các công trình này không phát sinh vi phạm", ông Trung phân bua.
Cũng theo ông Trung, xã đã báo cáo để xin ý kiến các phòng ban chuyên môn H.Chương Mỹ. Quan điểm của xã là sẽ hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo quy định.
"Sau đó, chúng tôi sẽ thông báo cho các gia đình tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Hết thời gian theo quy định mà các hộ dân không tự giác tháo dỡ thì chúng tôi sẽ cưỡng chế phá dỡ", ông Trung nói.
Nhức nhối tình trạng vi phạm trật tự xây dựng khi Hà Nội sắp xếp xã, phường
Thời gian vừa qua, trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng đang là vấn đề "nóng" và có nhiều diễn biến phức tạp tại Hà Nội.
Tính từ tháng 3 đến nay, đã có 9 cán bộ, lãnh đạo UBND Q.Hoàng Mai, UBND P.Thanh Trì (Q.Hoàng Mai) và UBND xã Tự Nhiên (H.Thường Tín) bị Công an TP.Hà Nội khởi tố về hành vi nhận hối lộ liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, cấp phép xây dựng.
Khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, đã có 5 chủ tịch UBND xã, thị trấn ở 2 huyện Quốc Oai và Phú Xuyên bị tạm dừng công tác điều hành để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tại hội nghị giao ban quý 1/2025, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý, không để xảy ra "khoảng trống" trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai trong thời điểm hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính. Không để công sức, uy tín của thành phố bị ảnh hưởng vì lợi ích cá nhân trong thời điểm này.