Issey Miyake là nhà thiết kế quần áo được Steve Jobs yêu thích. Ông là người đứng sau mẫu áo len cổ lọ đã trở thành một phần phong cách của Steve Jobs. Bên cạnh đó, Issey Miyake cũng là một nhà thiết kế có nhiều yếu tố tiên phong.
Ông là nhà thiết kế ngoại quốc đầu tiên có màn trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Paris (4/1975), một trong những nhà thiết kế đầu tiên hợp tác với các nghệ sỹ và là một người ủng hộ trường phái “thời trang thoải mái” một thời gian dài trước khi cụm từ này xuất hiện. Dù vậy, sự am hiểu và đề cao công nghệ mới là thứ thực sự tạo ra sự khác biệt của Issey Miyake. Issey Miyake hiểu cách có thể tận dụng công nghệ dưới góc nhìn thẩm mỹ để tạo ra các món đồ mới, tiện dụng và vẫn hấp dẫn. The New York Times gọi ông Issey Miyake là nhà vô địch đầu tiên ở mảng thời trang công nghệ.
Mọi thứ bắt đầu vào năm 1988 khi ông Miyake nghiên cứu về máy ép nhiệt đã tạo ra một loại vải không nhăn. Đến năm 1994, loại vải đặc biệt này được phát triển thành một thương hiệu riêng có tên Pleats Please.
Tiếp sau đó, Issey Miyake thực hiện một thử nghiệm có liên quan đến việc đưa các sợi chỉ liên tục vào một chiếc máy dệt kim công nghiệp để tạo ra các mảnh vải có đường may sẵn theo các hình khối khác nhau. Bằng cách này, người mặc có thể cắt vải ra theo ý muốn để từ đó giảm thiểu lượng vải vụn sinh ra trong quá trình dệt may. Bộ sưu tập đầu tiên của Issey Miyake liên quan đến công nghệ này được thực hiện vào năm 1997, nhiều thập niên trước khi “không chất thải” trở thành một lời kêu gọi trong ngành công nghiệp thời trang có trách nhiệm.
Đến năm 2010, Issey Miyake giới thiệu ý tưởng 132 5. Lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu của một nhà khoa học máy tính có tên Jun Mitani, 132 5 là mẫu thời trang gồm các mảnh vải phẳng được đặt theo phong cách nếp gấp origami phức tạp để tạo cảm giác như một hình khối 3D cho người mặc.
Hiện tại, nhiều mẫu thời trang mà ông Issey Miyake thiết kế đang được trưng bày tại các bảo tàng như Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Bảo tàng Victoria & Albert và Bảo tàng Los Angeles. Các thiết kế của Issey Miyake khôgn chỉ được đánh giá cao nhờ vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn đóng vai trò như giải pháp cho nhiều nhu cầu hàng ngày. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Issey Miyake trong thiết kế là đề cao tầm quan trọng của vấn đề “quần áo cho cuộc sống”.
Sự gặp gỡ giữa Issey Miyake và Steve Jobs cũng bén duyên qua công nghệ. Theo cuốn sách tiểu sử “Steve Jobs” của tác giả nổi tiếng Walter Isaacson, Steve Jobs cảm thấy ấn tượng với chiếc áo khoác đồng phục mà ông Mikaye thiết kế cho nhân viên của Sony vào năm 1981. Được làm từ một chất liệu vải nylon không có ve áo, chiếc áo khác này có một tay áo có thể kéo ra để biến nó thành một chiếc áo vest. Quá thích chiếc áo này và ý nghĩa của nó (tạo ra cảm giác bền chặt trong doanh nghiệp), Steve Jobs đã nhờ ông Miyake thiết kế một mẫu áo tương tự cho Apple. Dù vậy, khi quay lại Cupertino với ý tưởng này, Steve Jobs đã bị “la ó”, theo ông Walter Isaacson.
Dù vậy, Miyake và Jobs vẫn trở thành 2 người bạn của nhau. Jobs thường xuyên tới thăm Miyake và thậm chí còn lựa chọn mẫu áo len đen cổ lọ do Miyake thiết kế trở thành một phần quan trọng trong tủ đồ của mình.
Walter Isaacson viết trong cuốn “Steve Jobs” rằng nhà thiết kế Miyake đã sản xuất cho Steve Jobs “hàng trăm chiếc áo như vậy”. Steve Jobs mặc những chiếc áo len cổ lọ đen cho tới khi qua đời vào năm 2011.
Chiếc áo len cổ lọ do ông Miyake thiết kế trở thành một điểm nhấn phong cách không thể quên của Steve Jobs như một sự hoà trộn giữa tài năng của ông và sự tập trung cao độ. Steve Jobs chỉ thường mặc một kiểu quần áo duy nhất để giảm số lượng quyết định mà ông phải đưa ra mỗi buổi sáng. Qua đó, ông có thể tập trung vào công việc nhiều hơn. Về sau, nhiều người nổi tiếng như Mark Zuckerberg hay Barack Obama cũng xây dựng thói quen tương tự.
Tác giả Ryan Tate của Gawker nói rằng mẫu áo len đen cổ lọ đã “khiến Steve Jobs trở thành CEO có phong cách dễ nhận ra nhất trên thế giới. Cây viết Troy Patterson của Bloomberg gọi nó là “trang phục của một nhà sư thế tục”. Mẫu áo đen cổ lọ mà Steve Jobs mặc ăn sâu vào văn hoá đại chúng đến mức Elizabeth Holmes đến từ Theranos từng chọn phong cách ăn mặc này để thuyết phục thế giới rằng bà có tài năng tương tự Steve Jobs.