Sáng 12/8, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cho biết hiện có tình trạng có tiền nhưng không dùng đến,"xếp hạng nhận chỗ" trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Tổng số chuyển nguồn ngân sách (từ năm trước sang năm sau) trong cả đầu tư công và chi thường xuyên năm 2021 lớn gấp đôi so với năm trước.
"Đáng nói là vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nêu ra rất nhiều lần, gây ra lãng phí nguồn tiền, lãng phí cơ hội, đặc biệt là lãng phí cơ hội đối với dự án đang cần triển khai nhưng không triển khai được do không nằm trong danh mục dự án đầu tư công", đại biểu Cường nhấn mạnh.
Để vốn đầu tư công được sử dụng hiệu quả, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nghiên cứu xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm thay vì 5 năm và để tránh tình trạng xin cho cần nêu cụ thể các tiêu chí xếp hạng dự án sẽ, có chấm điểm rõ ràng, minh bạch.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo của Bộ KH&ĐT đã phản ánh, thể hiện các số liệu cho thấy tình hình này khá nổi cộm ở các địa phương và các bộ ngành. Từ việc chậm trong xây dựng kế hoạch, đến việc giao vốn, quản lý, sử dụng vốn, chuyển nguồn lớn, triển khai dự án chậm tiến độ, đội vốn kéo dài, sai phạm, thất thoát lãng phí nhiều tỷ đồng.
Theo đó, trong năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm 2021 có 1.921 dự án chậm tiến độ. Mỗi năm có hàng trăm dự án thất thoát, lãng phí: Năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 342 dự án.
Vấn đề đặt ra là thực trạng đã hiểu, đã rõ, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT đến đâu trong việc để xảy ra tình trạng này, bởi đây là vấn đề đang ngày càng nóng, càng bức xúc, đại biểu Lâm đánh giá.
"Số chuyển nguồn hàng năm tại một số địa phương bằng gần 50% tổng số vốn; nếu tiếp tục dồn lại, số dư chuyển nguồn của các năm còn lớn hơn số đi vay để đầu tư", đại biểu Lâm lo ngại.
Bộ KH&ĐT cho biếtLuật Đầu tư công 2019 sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ hạn chế nhất định; việc phân cấp mạnh cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, trong giao kế hoạch trung hạn theo danh mục… dẫn đến có lúc, có nơi thể hiện tư duy nhiệm kỳ, nguy cơ tái diễn đầu tư dàn trải, lãng phí.
Một số chính sách chưa theo kịp thực tiễn; thủ tục còn rườm rà, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu thầu còn vướng mắc, bộ tiêu chí thực hiện quản lý ngân sách chưa được xây dựng xong.
Tổ công tác cũng nhận định, chất lượng chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, một số trường hợp chưa tuân thủ quy định pháp luật, thời gian thực hiện kéo dài, ở một số dự án còn tình trạng phân bổ vốn dàn trải, cào bằng.
Phương án phân bổ vốn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên. Một số địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa đủ thủ tịch, chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; phê duyệt không đúng thẩm quyền; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn.
Việc chậm triển khai trong hoàn thiện các thủ tục đầu tư tại nhiều địa phương, bộ ngành dẫn tới giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, phải giao nhiều lần.
Việc thực hiện tại một số dự án còn nhiều hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Trong đó số lượng dự án chậm tiến độ, dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, dự án thất thoát lãng phí còn khá lớn,...