Chạy dọc tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, 2 bên mặt đường là rất nhiều dãy shophouse đã được hoàn thiện, tuy nhiên trong thời gian khá dài, rất nhiều nhà trong số đó vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Nhiều nhà còn được chủ treo biển “cho thuê” kèm số điện thoại để mời khách.
Trên các quận trung tâm, hàng loạt mặt bằng ở các phố lớn như: Cầu Giấy, Xã Đàn, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Bông, Phố Huế,... có rất nhiều nhà treo biển “cho thuê”. Trong đó, một số nhà mặt tiền chưa thể tìm được khách thuê suốt từ nhiều tháng nay.
Nhiều nhà mặt phố tại các quận trung tâm treo biển "cho thuê"
Tại đường Kim Mã, đoạn từ ngã tư giao Núi Trúc đến Nguyễn Thái Học – nơi từng tập trung đông đảo các cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang nữ, nhà hàng,... thì hiện nay có cả chục cửa hàng đóng cửa hoặc treo biển cho thuê mặt bằng.
Cảnh đìu hiu ế ẩm dường như cũng trở nên quen thuộc tại một số trung tâm thương mại hoặc các tòa cao ốc lớn trên đường Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi,... Còn nhớ, nơi này chỉ vài năm trước từng là điểm check-in sang chảnh của giới trẻ, luôn nhộn nhịp ngày đêm với những kiot bán đồ hiệu xa xỉ. Giờ đây, rất nhiều gian hàng đóng cửa hoặc để trống trơn.
Hàng chục shophouse tại các vị trí đắc địa trong cảnh "ngủ đông" nhiều năm liền
Khảo sát trên một số hội nhóm online tại Hà Nội, mỗi ngày đều xuất hiện hàng chục tin rao cho thuê, sang nhượng nhà mặt phố, cửa hàng. Các shop sang nhượng chủ yếu là đồ thời trang, spa, cà phê....
Chị Ngọc Hà – chủ 2 quán cà phê, đồ uống trên địa bàn quận Đống Đa (Cầu Giấy) cho hay, chị đang quản lý 2 quán cà phê, trong đó một quán là thuê của người nhà, quán còn lại thì thuê tại một kiot của tòa chung cư. Tuy nhiên, từ sau Tết doanh thu của cả hai quán đều sụt giảm khiến chị Hà lo lắng.
“Hai quán đều được tôi mở sau thời gian dịch Covid-19. Nhờ có địa điểm gần các tòa cao ốc nên lượng khách chủ yếu là nhân viên văn phòng. Nhưng từ sau Tết, tại cả hai quán lượng khách đều giảm khá nhiều. Hiện tôi đang phải gồng lỗ, đến tháng 6 khi hết hợp đồng tôi sẽ trả bớt một điểm” – chị Hà chia sẻ.
Tương tự, chị Quỳnh Anh - chủ chop quần áo thời trang ở quận Cầu Giấy cũng đang muốn tìm người thuê lại cửa hàng với giá 20 triệu mỗi tháng khi vẫn còn hơn một quý tiền nhà.
Chị đưa ra quyết định này bởi kinh doanh từ đầu năm không thuận lợi, chủ nhà gần đây cũng đánh tiếng muốn tăng 10% tiền thuê trong kỳ hợp đồng tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ cả môi giới, lẫn tự đăng tin từ đầu tháng 5 đến nay, chị Quỳnh Anh vẫn chưa tìm được đối tác.
Kinh doanh ế ẩm, nhiều shop bán hàng trả mặt bằng chuyển qua bán online
Anh Nguyễn Nam – một môi giới BĐS tại Hà Nội thông tin, xu hướng những năm gần đây các shop bán hàng chuyển dịch vào phân khu nhiều tiện ích – nơi có cộng đồng người ở và người tham quan nhiều, mặt bằng mới đẹp, đồng bộ các khu ẩm thực khu vui chơi sẽ hấp dẫn khách hàng hơn. Ngoài ra, với những món hàng tiêu dùng khác, rất nhiều người lựa chọn mua sắm online... khiến các nhà phố ngày càng ế ẩm.
“Các nhà mặt phố, shophouse có giá thuê đắt đỏ, nếu nằm trên các tuyến đường không tiện giao thông sẽ rất khó kinh doanh. Chưa kể, một số phố còn không có vỉa hè, rất bất tiện khi tìm các điểm dừng đỗ xe” – anh Nam nói.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Việt C. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – Giám đốc một doanh nghiệp chuyên tư vấn, môi giới nhà đất, tình trạng mặt bằng trống cũng phần nào phản ánh việc người tiêu dùng ngày càng thắt chặt hầu bao cho các hoạt động không thiết yếu. Điều này khiến nhiều cơ sở kinh doanh, nhất là cafe, ăn uống, thời trang, làm đẹp, giải trí... hoạt động chật vật hơn.
“Kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm đi nhiều nên doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, nhờ kinh doanh từ các nền tảng mạng xã hội, nhiều người không cần mặt bằng phố quá đẹp vẫn có thể “chốt đơn” mang về doanh thu gấp nhiều lần so với cửa hàng truyền thống” – ông C. nói thêm.