Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết công suất tăng dần lên 112% từ đêm 5/11 đến rạng sáng 6/11 để giảm áp lực về nguồn cung xăng dầu cho cả nước.
Động thái này diễn ra sau chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc quản lý, điều hành xăng dầu. Bộ Công Thương sau đó đề nghị Tập đoàn Dầu khí khuyến khích hai công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn và công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và cung ứng ra thị trường.
BSR đã đàm phán với các chủ mỏ về khả năng tăng sản lượng khai thác và bổ sung nguồn dầu thô vào hai tháng cuối năm, nhập thêm nguyên liệu trung gian và rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn để vận hành với công suất tối đa.
Đây là lần nâng công suất thứ năm trong năm nay của Nhà máy lọc dầu khi nâng từ 105% lên 107%, rồi tiếp tục lên 109%. Hiện công suất 112% vượt 9% so với kế hoạch vận hành trung bình năm ở 103%.
Bên cạnh nâng công suất, BSR cho biết đã xuất bán tối đa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa. Trong 10 tháng đầu năm, công ty đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết, tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp. Hiện nhà máy này cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trả lời Quốc hội chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết đã chỉ đạo hai nhà máy lọc dầu (Dung Quốc và Nghi Sơn) vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng 70-80% nhu cầu. Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ cũng đã kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhận định, nguyên nhân gây thiếu hụt xăng dầu, đặc biệt ở một số thành phố lớn là do nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng được diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, để đảm bảo "chủ động, linh hoạt, hiệu quả" trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.