Vậy nhưng đã gần bảy tháng kể từ khi nhà Glazer rao bán CLB mà mọi thứ có vẻ như đang kéo dài vô tận. Gia đình ông chủ Mỹ vẫn ở nguyên vị trí, vẫn gây ra kiểu tra tấn chậm chạp như thể họ đang cố kiếm từng đồng xu cuối cùng trước khi rời đi. Xét ở góc độ nào đó, nhà Glazer luôn có niềm tin rằng họ sẽ kiếm được tiền từ đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Họ bắt đầu triều đại 18 năm của mình tại CLB bằng những người hâm mộ cuồng nhiệt. Họ dường như muốn rời đi theo kiểu trên đỉnh cao. Nhưng cứ mỗi tuần trôi qua mà không có vụ mua bán nào và hoàn cảnh đó sẽ gây nguy hiểm cho cơ hội cải thiện của Man.United ở mùa giải tới. Nếu bạn là người đại diện của một cầu thủ đang xếp hàng để chuyển đến Old Trafford, có thể bạn sẽ chờ liệu người Qatar, với hầu bao gần như không đáy, có tiếp quản trước khi ngồi đàm phán chuyển nhượng không?
Trên cả 2 hình thức công khai và riêng tư, quỹ đầu từ đến từ Qatar cho đến hãng Ineos của Sir Jim Ratcliffe đều đã đưa ra những đề nghị cuối trong tháng này. Về cơ bản, nó cho thấy các cuộc đàm phán đang được thảo luận tích cực nhưng có rất ít người đứng sau hậu trường sẵn sàng đặt cược cho triển vọng “chốt đơn” chắc chắn cả. Người ta không biết là bên mua đang ép giá, hay đơn vị dàn xếp thượng vụ này là ngân hàng đến từ Mỹ, Raine đang cố gắng tăng giá.
Chỉ có một điều chắc chắn: sự ở lại của nhà Glazer không nên xảy ra. Dù các ông chủ mới có đến theo cách nào, thì những gì mà nhà Glazer để lại đã là một vết nhơ. 18 năm trước, Man.United đã từng là một CLB không nợ nần và tạo ra lợi nhuận – trước khi gánh khoản nợ 540 triệu bảng để Malcolm Glazer có thể trở thành chủ sở hữu. Và cũng thật khó tin là Premier League và lẫn các nhà quản lý không tìm lý do gì để phản đối việc nhà Glazer sử dụng đòn bẩy tài chính để mua lại. Họ chỉ phải sử dụng 272 triệu bảng tiền riêng của mình để mua một CLB trị giá 810 triệu bảng, nói nôm na là chính Man.United đã trả tiền cho việc tiếp quản của chính họ.
Ngay cả bây giờ khoản nợ vẫn còn nhức mắt. Nói một cách rất đơn giản, tổng số nợ đã tăng từ gần như không có gì trước khi có nhà Glazer, lên hơn nửa tỷ khi họ tiếp quản, rồi hơn 700 triệu bảng vào năm 2010, và hiện tại là 535,7 triệu bảng vào đầu năm 2023. Theo bình luận của tờ Guardian, nhà Glazer giống với loài nấm kiến, chiếm lấy vật chủ và hút các chất dinh dưỡng quan trọng của nó từ trong ra ngoài để mang lại lợi ích cho nó. Khi người ta nhận ra bài học này, thì cũng đã quá muộn. Tuần trước, các CLB Premier League đã bỏ phiếu giới hạn các khoản mua lại có sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khoảng 65% giá trị CLB.
Phần còn lại của nhà Glazer thì như chúng ta đã biết. Sau khi David Gill và Sir Alex Ferguson rời đi, mọi thứ chẳng còn cái gì để che dấu được nữa. Thành tích càng kém, thì các con số nợ lại càng bị soi kỹ hơn. Tuy nhiên, đáng chú ý là bất chấp tình trạng hoạt động đi xuống, anh em nhà Glazer vẫn bỏ túi hàng triệu USD mỗi năm kể từ 2015 khi các cổ đông bắt đầu được trả cổ tức. Khoản lớn nhất, trị giá 34 triệu bảng, đến vào mùa giải 2021-22, khi Man.United mất suất dự Champions League và Ole Gunnar Solskjær bị sa thải. Một mùa giải thảm họa, vậy mà tiền lợi tức vẫn cao?!
Thực tế thì nhà Glazer đã chi ra 154 triệu bảng cổ tức và mua lại cổ phần kể từ năm 2015. Không có ông chủ nào ở Premier League bỏ túi nhiều tiền đến như vậy. Điều này có nghĩa Man.United vẫn đang kinh doanh và sinh lợi tốt. Vấn đề là điều đó chỉ có lợi cho một vài người, còn thành tích của đội bóng thì chưa có dấu hiệu nào sẽ thực sự trở lại hoàng kim. Thế nên, cứ kinh doanh theo kiểu đó thì kéo dài được bao lâu? Hồi tháng trước, Avram Glazer thuê một chiếc máy bay riêng trị giá 250.000 bảng để đến xem đội nữ Man.United thi đấu trong trận chung kết FA Cup và phần tiền này, chắc chắn là do ngân sách của CLB trả. Thế có phải là chọc vào nỗi đau của người hâm mộ không chứ!