Chứng khoán, hàng hóa và các loại tiền tệ rủi ro trên toàn cầu hầu hết vững đến tăng giá trong phiên 22/11, một ngày sau khi các biện pháp mới nhằm kiềm chế dịch COVID-19 Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 22/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,38% xuống 107,42. Đồng euro tăng 0,2% lên 1,0261 USD, kết thúc chuỗi 3 phiên giảm giá liên tiếp.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cao cấp thuộc Convera ở Washington, cho biết: "Sự phục hồi nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao đủ để ngăn cản đà hồi phục của đồng USD trong vài ngày tới".
Ông Manimbo cho biết: "Biên bản cuộc họp của Fed sẽ xuất hiện vào ngày 23/11 nhưng phần lớn giao dịch trong biên độ hẹp trước kỳ nghỉ lễ ở Mỹ", đề cập đến lễ Tạ ơn vào thứ Năm (24/11).
Năm nay, đồng USD đã tăng giá so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt, được thúc đẩy bởi các đợt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại lạm phát. Nhưng dữ liệu về giá tiêu dùng của Mỹ gần đây cho thấy đã hạ nhiệt xuống mức thấp hơn dự kiến đã thúc đẩy các nhà đầu tư hy vọng rằng Fed có thể sẵn sàng điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất.
Các nhà đầu tư sẽ phân tích biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed, dự kiến công bố vào thứ Tư (23/11) để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào về triển vọng lãi suất.
Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester, cho biết Cục Dự trữ Liên bang có thể chuyển sang các mức tăng lãi suất nhỏ hơn từ tháng tới khi họ điều chỉnh chính sách của mình để giúp giảm lạm phát trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế hoạt động tốt.
Nhà phân tích Manimbo của Convera cho biết: "Triển vọng Fed tiếp tục tích cực tăng lãi suất có tác động đẩy USD tăng, nhưng kỳ vọng Fed giảm tốc độ thắt chặt đang hạn chế đà hồi phục của đồng tiền này".
Nhu cầu gia tăng đối với tài sản rủi ro cao đã giúp kéo đồng đô la Úc tăng 0,4% vào cuối ngày 22/11, lên 0,663 USD, trong khi đồng đô la New Zealand tăng 0,7% lên 0,614 USD khi các nhà giao dịch chuẩn bị tinh thần cho việc ngân hàng trung ương New Zealand trong tuần này sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh nhất từ trước đến nay nhằm tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Đồng bảng Anh tăng 0,5% lên 1,1877 USD sau khi dữ liệu cho thấy chính phủ Anh đã vay ít hơn dự kiến vào tháng 10, mặc dù thâm hụt ngân sách có thể tăng cao trong những tháng tới do các biện pháp hỗ trợ hóa đơn năng lượng và nền kinh tế đang chậm lại.
Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cao cấp của nền tảng giao dịch tiền tệ Oanda, Craig Erlam, cho biết: "Việc tăng giá của đồng bảng Anh có lẽ phản ánh tâm lý ưa thích rủi ro trên thị trường chứ không phải do thông tin nào trong nước".
Adam Cole, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của RBC Capital Markets, cho biết: "Bức tranh chung là đồng đô la chỉ đang giảm xuống một chút sau khi tăng khá mạnh vào ngày hôm qua, trong khi không có bất kỳ tin tức thực tế nào trong đêm qua".
Đồng bảng Anh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,0327 USD vào tháng 9, khi chính phủ công bố kế hoạch cắt giảm thuế lớn chưa được tài trợ. Bộ trưởng tài chính mới Jeremy Hunt tuần trước đã cam kết tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong nỗ lực củng cố tài chính công và khôi phục uy tín của thị trường, bất chấp việc nước Anh đang rơi vào suy thoái.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá trong phiên 22/11 so với USD do đồng bạc xanh giảm. Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ kết thúc phiên 22/11 tăng 152 pip lên 7,1518 USD. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài giảm 0,05% so với đồng nhân dân tệ giao ngay trong nước, ở mức 7,1554 CNH/USD.
Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối khu vực châu Á của Ngân hàng Mizuho cho biết, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại đang hạn chế đà tăng của đồng nhân dân tệ trong tuần này. Trung Quốc báo cáo 28.127 ca dương tính mới vào thứ Hai (21/11), cao nhất kể từ tháng 4.
Trên thị trường tiền điện tử, giá Bitcoin lình xình trong gần suốt phiên 22/11, nhưng đảo chiều tăng mạnh vào cuối phiên, kết thúc ngày 22/11 theo giờ Việt Nam tăng 2,2% lên 16.107 USD, một ngày sau khi giảm xuống mức thấp mới trong hai năm là 15.479 USD trong bối cảnh lo lắng về sức khỏe của nhà môi giới tiền điện tử Genesis.
Genesis hôm 21/11 cho biết họ không có kế hoạch nộp đơn xin phá sản ngay lập tức, mặc dù Bloomberg News đã báo cáo, trích dẫn các nguồn tin, rằng nhà môi giới đang gặp khó khăn trong việc huy động tiền mặt mới cho đơn vị cho vay của mình và cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ có thể phải nộp đơn xin phá sản nếu không tìm nguồn tài trợ.
Đơn vị cho vay đã đình chỉ việc mua lại vào tuần trước, với lý do hậu quả từ sự sụp đổ của FTX, công ty đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 11 tháng 11.
Giá vàng đảo chiều tăng trong phiên 21/11 do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu về lộ trình chính sách tiền tệ của Mỹ.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 22/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.741,18 USD/ounce, kết thúc chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,2% lên 1.742,70 USD.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết: "Tôi nghĩ rằng kim loại quý sẽ thoát khỏi tình trạng này và tiếp tục tăng cao hơn. Nhưng hiện tại, vàng có mối tương quan trực tiếp với lãi suất".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm do lo ngại kéo dài về việc gia tăng số ca nhiễm COVID ở Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư vàng chờ đợi manh mối từ biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 23/11.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk