Hiện nay, các Ngân hàng trung ương đang có xu hướng đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và lạm phát vẫn đang ở mức cao cho thấy những áp lực đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, dù vẫn đang tăng trưởng mạnh.
Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 mới đây, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDIRECT đã có những chia sẻ về bối cảnh kinh tế hiện nay cũng như kinh nghiệm đối phó với khó khăn cho nhà đầu tư.
BTV Mùi Khánh Ly: Theo bà, câu chuyện suy thoái kinh tế trên toàn cầu có thể xảy ra hay không?
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT: Hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Nếu nhìn nhận vào từng khu vực kinh tế thì hiện tại nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận một đợt sụt giảm thứ hai về GDP và bước vào đợt suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ chưa suy thoái bởi vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn đang rất tích cực, ghi nhận ở mức 3,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua, bên cạnh đó, mức thu nhập của người dân có xu hướng tăng lên.
Nhìn về châu Âu thì bức tranh tương đối u ám hơn khi còn đang phải vật lộn với việc giá khí đốt tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ bước vào đợt suy thoái từ quý IV năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Một đối trọng kinh tế khác là Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, hay sóng nhiệt…đã ảnh hưởng đến khu vực sản xuất, trong khi đó thị trường bất động sản Trung Quốc đã rơi vào giai đoạn suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tổng hợp lại, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ bước vào một đợt suy thoái từ năm 2023.
Bà có thể chia sẻ về lần suy thoái gần nhất trong lịch sử, nền kinh tế đã có những dấu hiệu như thế nào trước khi bước vào suy thoái?
Thông thường có một số dấu hiệu cơ bản nhận diện một đợt suy thoái. Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát tăng cao. Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng cao. Thứ ba, sự tăng trưởng GDP có dấu hiệu giảm dần. Kèm theo đó là một số dấu hiệu khác như niềm tin của người tiêu dùng bị suy giảm hay nợ xấu của nền kinh tế gia tăng.
Tuy nhiên, mỗi đợt suy thoái có một bản chất khác nhau. Đợt suy thoái gần nhất, khi mà Covid xảy ra thì hầu hết các nền kinh tế đều chịu một cú sốc rất nặng nề, GDP toàn cầu năm 2020 ghi nhận sự sụt giảm hơn 5%. Đó cũng là một sự suy thoái mặc dù diễn ra khá nhanh, chẳng hạn như ở Mỹ thì diễn ra khoảng hai tháng, hay ở Việt Nam chỉ có một quý ghi nhận GDP tăng trưởng âm do dịch Covid.
Nếu nhìn xa hơn, đợt suy thoái lớn nhất rơi vào giai đoạn năm 2007-2008, khởi nguồn từ việc Lehman Brothers sụp đổ ở Mỹ và sau đó lan tỏa đến tất cả nền kinh tế của các nước khác. Đợt suy thoái năm 2007 xuất phát từ chính nội tại của thị trường tài chính, do vậy mức độ sát thương khá lớn. Lúc đó tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên đến trên 9% và Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng khá mạnh khi GDP mất đà tăng trưởng 7%, còn khoảng 5%. Thị trường chứng khoán cũng sụt giảm từ mức 900 điểm xuống gần 300 điểm. Về bản chất, khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và các nền kinh tế. Tuy nhiên, đôi khi mức độ và quy mô sẽ khác nhau bởi bản chất của mỗi cuộc khủng hoảng sẽ khác nhau.
Ngoài một số dấu hiệu truyền thống thì gần đây có một thông tin khá thú vị về việc dự báo suy thoái kinh tế thông qua việc sản xuất chip. Chip hiện nay giống như hơi thở đối với hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh. Theo Bloomberg, sản lượng chip đã bước vào tháng thứ 6 suy giảm liên tiếp về mặt tăng trưởng. Trong vòng khoảng một thập kỷ vừa qua, cứ mỗi đợt mà sản lượng chip có sự suy giảm thì cũng manh nha báo hiệu cho một đợt suy thoái kinh tế.
Vậy theo bà, nếu xảy ra suy thoái toàn cầu thì sẽ ở mức độ nào?
Để xác định ít hay nhiều thì đầu tiên chúng ta phải xác định được nguyên nhân. Nguyên nhân của lần này chủ yếu xuất phát từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraine, tiếp theo là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid, dẫn đến giá cả hàng hóa cơ bản tăng cao và lạm phát tăng. Các nền kinh tế phải lập tức đảo ngược chu kỳ kích thích kinh tế thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ và không tránh khỏi việc suy thoái về mặt về kinh tế. Như vậy, nếu Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero-Covid và xung đột Nga-Ukraine ghi nhận một sự tích cực hơn thì chúng ta có thể tránh được cuộc suy thoái kinh tế.
Tôi cho rằng suy thoái kinh tế lần này có thể xảy ra ở mức độ nhẹ nhưng thời gian diễn ra sẽ khá dài. Bởi hiện nay suy thoái nhưng chúng ta vẫn phải chịu tình trạng lạm phát cao, có nghĩa là các nền kinh tế không thể nào hấp thu được một chính sách tiền tệ nới lỏng nữa.
Với những yếu tố toàn cầu như vậy sẽ có tác động như nào đến Việt Nam?
Với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì những diễn biến trên thế giới sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nội lực của nền kinh tế trong nước đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Tăng trưởng về tiêu dùng nội địa đủ sức bù đắp lại được những sự thiếu hụt từ tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ hai, nếu như nhìn lại giai đoạn năm 2007-2008, FDI của chúng ta chỉ còn lại 1/3 vào năm 2009 so với quãng thời gian trước đấy. Tuy nhiên, ở thời điểm này, mặc dù là vốn FDI đăng ký mới của chúng ta có sự suy giảm nhưng bởi các nhà sản xuất lo ngại tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc, những đơn hàng và một số khâu sản xuất dần dần dịch chuyển sang Việt Nam và bù đắp được phần thiếu hụt. Cùng với đó, chính sách điều hành của Chính phủ ở thời điểm này, một mặt hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, một mặt phải duy trì sự ổn định kinh tế bằng cách kiềm chế lạm phát cũng như hạn chế đà tăng của lãi suất và giá của các hàng hóa cơ bản sẽ giúp cho Việt Nam giảm nhẹ được tác động của đợt suy thoái kinh tế trên thế giới nếu như có xảy ra.
Mặc dù yếu tố kinh tế của Việt Nam chưa thực sự có nhiều ảnh hưởng, nhưng thị trường chứng khoán thì luôn phản ứng nhanh nhạy và trong những phiên gần đây thì cũng diễn biến theo thị trường thế giới. Vậy thị trường chứng khoán sẽ đi theo hướng nào trong bối cảnh này?
Thị trường chứng khoán là một hàn thử biểu phản ánh tất cả những biến động của nền kinh tế. Nếu nhìn về quá khứ, hầu như thị trường chứng khoán có sự phục hồi rất mạnh mẽ sau bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào. Điều mà giới đầu tư nói chung lo ngại nhất là việc là thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn là lo ngại về suy thoái. Do đó, thời điểm hiện nay, việc thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam đang có sự suy giảm chủ yếu xuất phát từ việc Mỹ vẫn trong giai đoạn tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ, khi chính sách này có sự đảo ngược thì điều đó sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam, trước đây thị trường chờ đợi việc nới “room” tín dụng hoặc là những thay đổi kỹ thuật về mặt giao dịch, hay nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 thì những thông tin đó đã xuất hiện. Còn về mặt rủi ro, tôi nghĩ những rủi ro mà các nhà đầu tư nhìn thấy thì hầu hết đã được phản ánh vào thị trường. Tôi cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm.
Với nhà đầu tư, họ nên làm gì lúc này?
Thông thường trước một đợt suy thoái kinh tế hoặc khủng hoảng kinh tế giới hạn thì thị trường sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên rất khó để xác định thị trường đã điều chỉnh xong hay chưa để chúng ta có thể tích lũy tài sản. Một trong số những chiến lược mà các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới thường hay khuyên, thứ nhất là tích lũy tài sản theo từng phần và thứ hai là mua một tài sản và có đủ biên an toàn. Biên an toàn có nghĩa là mua ở một giá trị thấp hơn so với giá trị nội tại của tài sản đó.
Thời điểm hiện nay, tôi cho rằng nhà đầu tư cũng nên tích lũy dần dần và lựa chọn những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn so với lại giá trị nội tại của doanh nghiệp. Từ những khảo sát ở trong quá khứ, trong những giai đoạn khó khăn như thế này, những ngành thường có diễn biến tích cực hơn so với diễn biến chung của thị trường thì sẽ là những ngành tiêu dùng thiết yếu, điện, nước hoặc là năng lượng, hoặc là những nhóm doanh nghiệp mà có chi trả cổ tức cao.
Ngoài ra, tôi cho rằng dù bất cứ trong bối cảnh nào thì nhà đầu tư cũng luôn luôn giữ kỷ luật đầu tư là mua cổ phiếu vì lý do gì, khi mà lý do đấy không còn thì ngay lập tức chúng ta phải bán cổ phiếu đi. Thứ hai là liên quan đến việc quản trị những rủi ro về danh mục, tức là sử dụng đòn bẩy như thế nào cho hợp lý và phải cân bằng đối với những rủi ro có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.