Trong tuần biến động trước thông tin tiêu cực từ quốc tế, ETF cơ cấu và hợp đồng tương lai đáo hạn, VN-Index mất 14,75 điểm, đóng cửa tại mốc 1.234,03.
Mặc dù mức độ giảm điểm chưa bằng một nửa so với tuần trước đó nhưng độ rộng vẫn áp đảo với 16/19 ngành và cổ phiếu giảm gấp 2,2 lần số cổ phiếu tăng. Các ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, ô tô và phụ tùng có mức giảm từ 2 đến 3%.
Trong những phiên giảm mạnh, lực cầu bắt đáy vẫn khá tốt tuy nhiên tâm lý thận trọng kéo theo thanh khoản rất thấp ở những phiên hồi phục. Diễn biến thị trường sẽ còn giằng co quanh 1.240 điểm trong tuần này và không loại trừ vẫn có những phiên biến động lớn trước thông tin quốc tế quan trọng công bố.
Giao dịch đồng thuận với khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài tuần qua, tổ chức trong nước chuyển bán ròng 313 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 277 tỷ đồng.
Cổ phiếu bán lẻ hút tiền, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước có phần nhỉnh hơn khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành.
Cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 113 tỷ đồng, giảm 24% so với tuần trước đó.
Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng cá nhân & gia dụng cũng nằm trong Top bán ròng dù là nhóm tăng mạnh nhất tuần. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 42 tỷ đồng ngành hàng cá nhân & gia dụng.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là du lịch & giải trí (36 tỷ đồng), hóa chất (28 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (24 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (14 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (12 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, ngành bán lẻ được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 12 – 16/9 với giá trị hơn 150 tỷ đồng.
Tuần qua,nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 4,91% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp. Chỉ số giá ngành tăng 0,03% và là ngành cấp 2 duy nhất trong 19 nhóm ngành tăng điểm.
Tính từ đầu năm, bán lẻ là 1 trong 2 ngành cấp 2 tăng điểm, bán lẻ tăng mạnh nhất 2,94% đứng sau là công nghệ thông tin tăng 2,06%.
Theo FiinTrade, chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bán lẻ tăng nhẹ trong tuần, chỉ số giá trong tuần cũng tăng nhẹ cho thấy cầu tăng. Song song đó, chỉ số dòng tiền FMI-Rel trong mối tương quan với thị trường vào nhóm bán lẻ tăng nhẹ và đang ở vùng cao 1 năm cho thấy dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn thị trường chung.
Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng mua ròng hơn 100 tỷ đồng ở nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt (134 tỷ đồng), bất động sản (105 tỷ đồng).
Cổ phiếu ngành điện, nước, xăng dầu khí đốt ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng mạnh lên 3,8%, mức cao nhất trong vòng 10 tuần liên tiếp, chỉ số ngành giảm 0,79%. Chỉ số dòng tiền tích lũy vào cổ phiếu điện nước xăng dầu khí đốt tăng mạnh trong tuần trong khi chỉ số giá tăng nhẹ do cổ phiếu vốn hóa lớn GAS kéo lui chỉ số.
Chỉ số dòng tiền của ngành trong mối tương quan với thị trường, tăng nhẹ trong tuần nhưng vẫn trong trend giảm từ cuối tháng 6/2022 điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này yếu đi so với thị trường chung nhưng mới hồi phục trong 1 tuần.
Ngoài ra, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, thực phẩm & đồ uống, dầu khí,… cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.
Dòng tiền tổ chức nội tập trung xả DBC
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua không thật sự nối bật khi không mã nào hút ròng hơn 100 tỷ đồng. Cổ phiếu VHM của Vinhomes được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 76 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) hoạt động bán hàng trong quý II/2022 củaVinhomes ghi nhận kết quả tốt với 7.900 sản phẩm được bán, (giảm 44%so với cùng kỳ) với tổng giá trị hợp đồng là 76.000 tỷ đồng (tăng 250% so với cùng kỳ năm trước).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vinhomes đã bán được 17.300 sản phẩm (tăng 9%) với tổng giá trị hợp đồng đạt 92.500 tỷ đồng (tăng 234% so với cùng kỳ 2021). Tổng giá trị hợp đồng đã bán và chưa ghi nhận doanh thu lũy kế tính đến cuối quý II tăng trưởng ấn tượng đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 72,2 tỷ đồng cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng DGW (66,9 tỷ đồng), MWG (58,5 tỷ đồng) và VHC (46,3 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt DBC (121,8 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị khối này chốt lời trên trăm tỷ đồng, đối ứng với lực cầu từ phía các nhà đầu tư cá nhân.
Một số cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn gồm MBB (68,3 tỷ đồng), MSB (54,3 tỷ đồng). Cuối cùng, Top5 bán ròng còn có các đại diện như PNJ (49,9 tỷ đồng) và DXG (39,8 tỷ đồng).