Đóng cửa phiên giao dịch 11/5, VN-Index tăng 7,97 điểm (0,62%) lên 1.301,53 điểm, HNX-Index tăng 3,02 điểm (0,92%) đạt 333,04 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (0,27%) về 98,79 điểm.
VN-Index tăng 7,97 điểm (0,62%) lên 1.301,53 điểm.
Điều đáng nói trong phiên này, thanh khoản thấp ở mức chưa từng thấy khi tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng.
Hôm nay nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng đã chèo chống thị trường thoát khỏi một ngày giao dịch buồn - tức là tránh được cảnh thanh khoản thấp mà điểm số cũng rớt. CTG, BCM, VHM, DIG, ACB thuộc tốp những cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index.
Ờ chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán hôm nay vẫn gặp khó khi không thể bật tăng mạnh. Dù các mã vốn hóa nhỏ tăng giá, nhóm cổ phiếu đầu ngành như SSI, VCI, VND, HCM chỉ xuất hiện màu vàng hoặc đỏ vào kết phiên.
Cổ phiếu thủy sản và thực phẩm – đồ uống rớt giá. Trong đó, nhóm bộ ba vốn hóa lớn nhất là MSN – VNM – SAB sụt đáng kể. MSN là mã kéo lùi mạnh nhất đối với VN-Index.
Có thể thấy, kể từ năm 2020 đến nay, phiên giao dịch hôm nay là phiên thanh khoản trên sàn HOSE đạt mức thấp nhất. Sự thiếu hào hứng của giới giao dịch diễn ra giữa bối cảnh VN-Index đã sụt gần 13% kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, bất chấp hai ngày tăng giá gần nhất.
Hôm nay là phiên thanh khoản trên sàn HOSE đạt mức thấp nhất.
Mặc dù đã có nhiều khuyến nghị về sự phục hồi của thị trường nhưng nhà đầu tư lúc này như "chim sợ cành cong" không dám mạnh tay mua bán như trước nữa bởi tâm lý không biết đâu là đáy.
Nhìn lại, có thể thấy sự lao dốc của chứng khoán một phần đến từ việc cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố.
Có ý kiến cho rằng, các biện pháp chấn chỉnh thị trường gần đây là cần thiết, nhưng phần nào khiến cho thị trường đang có dấu hiệu trầm lắng, hoặc thậm chí có tâm lý e ngại về phản ứng dây chuyền.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định các biện pháp trên nhằm tăng cường kỷ luật trên thị trường chứng khoán, hướng đến phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững. Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.
Bộ Tài chính tái khẳng định: Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Bộ Tài chính khẳng định, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý.