VCG (cổ phiếu của Vinaconex, một thành viên trong Liên danh Vietur) mở cửa với sắc xanh trong phiên ATO, thị giá tiệm cận mốc 28.500 đồng một cổ phiếu. Sau đó, mã này lần lượt trượt giá nhưng vẫn giữ mức trên tham chiếu. Đến cuối giờ giao dịch, VCG bị đẩy xuống tham chiếu với lực bán chủ động khá áp đảo. Cổ phiếu này đóng cửa ở 26.500 đồng một đơn vị, giảm 2,2%.
Thanh khoản VCG cả ngày đạt hơn 910 tỷ đồng, mức cao thứ nhì trong vòng một năm qua, chỉ xếp sau phiên 18/8. Trong đó, bên bán chiếm hơn một nửa giao dịch cho thấy nhà đầu tư có tâm lý chốt lãi khi VCG đang ở đỉnh giá.
Từ khi có tên trong Liên danh Vietur để tham gia đấu thầu gói 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga sân bay Long Thành, thị giá VCG cải thiện đáng kể. Đặc biệt, khi xuất hiện thông tin đồn đoán về kết quả trúng thầu, mã này có nhiều phiên tăng mạnh từ vùng giá 20.000 đồng lên trên 25.000 đồng, có phiên chạm vùng giá 28.000 đồng một cổ phiếu - mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2022.
Hôm nay, mã chứng khoán của Vinaconex đi ngược chiều so với ba thành viên trên sàn còn lại trong Liên danh Vietur. PHC tăng kịch trần vào đầu phiên, sau đó dần giảm và chốt ngày tăng 1,9%. CC1 và HAN cùng tăng trên 3%. Các cổ phiếu này hưởng lợi từ thông tin Vietur trúng thầu 35.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga sân bay Long Thành.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu nằm trong Liên danh Hoa Lư - đơn vị cùng đấu thầu và từng tố Vietur không đủ tiêu chuẩn - vẫn ghi nhận CTD tăng 4,9%. Trong khi đó, HBC giữ sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng chốt phiên giảm nhẹ 0,5%.
Bên cạnh các cổ phiếu xây dựng, nhiều mã thủy sản hôm nay cũng có câu chuyện riêng. IDI, ACL, AGF, CAD và JOS cùng khoác sắc tím. Các mã có thanh khoản lớn trong ngành như VHC và ANV cũng tăng mạnh, lần lượt đạt 3,2% và 4,8%.
Nhóm này đón giao dịch tích cực khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Quyết định trên được đưa ra khi Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống Thái Bình Dương vào hôm qua.
Ngoài hai nhóm kể trên, dòng tiền tiếp tục hướng về ngành tài chính, bất động sản và công nghiệp. Thị trường giữ tâm lý thận trọng sau phiên tăng gần 17 điểm hôm qua. Nhóm VN30 ghi nhận sự giằng co lớn giữa bên mua và bên bán. Nhưng nhìn chung, lực cầu vẫn không đủ mạnh khi nhà đầu tư chọn đứng ngoài quan sát thêm và kỳ nghỉ lễ dài hạn đang đến gần.
VN-Index chốt phiên tại 1.183,4 điểm, giảm hơn 6 điểm so với phiên trước. Sàn HoSE có 331 cổ phiếu giảm, gấp đôi số lượng 173 cổ phiếu tăng.
Thanh khoản thị trường TP HCM đạt hơn 20.300 tỷ đồng, cải thiện hơn 10%. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng gần 850 tỷ đồng, chủ yếu là các mã CTG, MWG, HPG, VPB, DPM.