Gía liền kề, biệt thự liên tục tăng "phi mã"
Cuộc đua xây dựng khu đô thị mới, khu đô thị kiểu mẫu giai đoạn năm 2008 - 2012, theo đó nguồn cung ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề tăng mạnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2012 - 2013 xảy ra cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã nhấn chìm không ít khu đô thị vào vòng xoáy trượt giá, kém thanh khoản.
Trải qua khoảng thời gian phục hồi, đến nay giá bất động sản tại một số khu đô thị bất ngờ "lên hương", tăng giá chóng mặt. Theo khảo sát của PV một số khu đô thị phía Tây Hà Nội có mức giá tăng vọt, trung bình từ 20 - 30%/năm, thậm chí có những căn đã tăng gấp 2 lần sau chưa đầy 2 năm.
Điển hình, tại khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), mặc dù hàng loạt các căn biệt thự, nhà liền kề vẫn bỏ hoang la liệt, không người ở. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm gần đây, mức giá tại khu đô thị này đã tăng gấp 2 lần. Đáng chú ý, từ cuối năm 2021 tới nay mức giá đã tăng từ khoảng 10 - 20%.
Anh Trần Vinh - môi giới tại khu vực Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm mức giá tại khu đô thị Vân Canh dao động khoảng 40 - 65 triệu đồng/m2. Đến nay mức giá tại khu đô thị này đã tăng hơn 2 lần, cụ thể, đối với những căn nằm ở mặt đường 17,5m có mức giá dao động từ 65 - 110 triệu đồng/m2. Còn các căn biệt thự, liền kề nằm ở mặt đường 30m có mức giá từ 110 - 150 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một căn nhà liền kề rộng 113,8 m2 nằm tại mặt đường 17m, thời điểm đầu năm 2020 có mức giá khoảng 43 triệu đồng/m2 thì nay giá căn liền kề này đã lên tới 130 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỷ đồng.
La liệt nhà biệt thự, liền kề "bỏ hoang", rêu mốc xung quanh.
Thêm một căn biệt thự rộng 260 m2, nằm tại mặt đường 17m, thời điểm 2020 có giá 75 triệu đồng/m2 thì nay cũng được rao bán với giá hơn 130 triệu đồng/m2, tương đương gần 34 tỷ đồng.
Lý giải về sự tăng giá đột biến, anh Vinh cho rằng, thông tin huyện Hoài Đức lên quận đã làm cho mức giá thay đổi chóng mặt. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây việc triển khai xây dựng hạ tầng mạnh mẽ ở khu vực này như đường vành đai 3.5 kết nối khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và dự án nối dài đường Trần Hữu Dực với Phạm Hùng khiến việc kết nối khu đô thị Van Canh và vùng trung tâm được rút ngắn thời gian và quãng đường.
Tuy nhiên, mặc dù được hưởng lợi từ hạ tầng và có mức giá tăng cao nhưng khu đô thị này vẫn la liệt biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang không người ở, rêu mốc mọc xung quanh.
Tương tự, trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), cơn sốt phía Tây Hà Nội những năm qua kéo theo giá nhà liền kề, biệt thự tại khu vực này tăng dựng đứng. Theo anh Quang Anh - trưởng phòng giao dịch bất động sản tại Hà Đông cho biết, tại khu đô thị Dương Nội, từ năm 2018 tới nay trung bình mỗi năm tăng đều từ 20 - 30%.
Cụ thể, năm 2020 giá biệt thự, nhà liền kề ở mặt đường 17m có giá khoảng 70 - 90 triệu đồng/m2, còn ở mặt đường rộng 11,5m có mức giá khoảng 50 - 60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mức giá các căn ở đường 17m là từ 140 - 160 triệu đồng/m2, ở mặt đường 11,5m có giá dao động từ 100 - 120 triệu đồng/m2.
Anh Cường cho rằng, tuyến đường Lê Quang Đạo sẽ kéo dài, kéo theo giá của các căn biệt thự, liền kề tăng cao. Hơn nữa, trung tâm thương mại Aeon Mall được đưa vào hoạt động và hoàn thành công viên Thiên văn học đã trở thành nguyên nhân tác động đến giá ở khu vực này.
Nguồn cung tiếp tục thiếu khiến giá đẩy lên cao
Dự báo về những thay đổi cho năm 2022, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt nguồn cung sơ cấp trong một thời gian dài.
Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Những nơi có cơ sở hạ tầng cải thiện, nguồn cung, lượng giao dịch, cũng như giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”.
Năm 2022 là một năm nhiều hứa hẹn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, kết nối giao thông nội đô và vùng ven thành phố. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhu cầu mua bán khi nguồn cung tương lai đạt đến từ 13 dự án nằm chủ yếu tại các khu vực phía Tây và phía Đông của thủ đô.
Còn theo bà Nguyễn Hồng Vân - Giám đốc thị trường, Công ty Dịch vụ bất động sản JLL chia sẻ, khi cơn sốt bất động sản khu vực các tỉnh đang có xu hướng chững lại, thị trường thiết lập mặt bằng giá mới thì có một lượng không nhỏ nhà đầu tư rút về thị trường Hà Nội. Phân khúc họ quan tâm là biệt thự, liền kề, shophouse trong khu vực trung tâm. Do đó, từ nay đến cuối năm, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục còn tăng giá.
Lý giải về việc việc này các chuyên gia phân tích, lợi thế về hạ tầng đồng bộ thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây Thủ đô, bao gồm đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương… Cùng với đó là các dự án đang được triển khai như tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài, tuyến metro số 2A, đường vành đai 4, đường vành đai 3.5…mở rộng kết nối phía Tây với các quận trung tâm và tỉnh lân cận.
Cùng với đó, sản phẩm tại khu vực này được quy hoạch bài bản, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân vừa đảm bảo tiện nghi vừa trong lành cũng là một yếu tố làm nên sức hút cho khu vực này.
Đáng chú ý, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015) với quy định chỉ công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên đất ở hoặc một phần đất ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp thì không được triển khai dự án nhà ở.
Thực tế hiện nay đa số đất dự án vẫn là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh nên gần như tất cả các dự án mới bị tắc. Như vậy, nguồn cung trong trung hạn 1 - 3 năm tới của thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm.