Con số này được thống kê trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 31/8/2022. Một năm trước đó, tức vào 2020-2021, mức tăng trưởng chỉ là 15%. Số lượng nhà bán hàng Việt Nam cụ thể không được tiết lộ nhưng vào khoảng "hàng nghìn".
Theo ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, có 3 lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt đăng ký bán hàng trên nền tảng này năm qua.
Thứ nhất tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp Việt còn rất nhiều và ngày càng hiểu rõ cách thức tham gia hơn. Thứ hai, quy trình xét duyệt nhà bán hàng mới cải thiện đáng kể, hỗ trợ cả tiếng Việt, nên tiết kiệm được thời gian, thủ tục, và khả năng đăng ký thành công. Thứ ba là tâm thế sẵn sàng tham gia cuộc chơi toàn cầu của các doanh nghiệp.
Cũng trong cùng giai đoạn thống kê, các nhà bán hàng Việt Nam đã bán được gần 10 triệu sản phẩm ra thế giới. Trong đó, top 5 ngành hàng bán chạy nhất năm nay là dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân, tiện ích gia đình.
Xuất hiện trên Amazon có cả hai nhóm doanh nghiệp lâu năm lẫn khởi nghiệp. Nhóm lâu năm tiêu biểu có một số cái tên như cà phê G7 của Trung Nguyên, đồ gia dụng SunHouse, hạt điều Lafooco.
"Một doanh nghiệp sẽ mất đến vài năm để tự mình tìm hiểu về một thị trường. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể", ông Lê Tùng, Giám đốc chiến lược, tiếp thị SunHouse, đánh giá.
Trong khi đó, các gương mặt trẻ có đồ thủ công đan lát cói xiên ChicnChill, đồ nhựa "xanh" AnEco. An Phát Holdings, đơn vị sở hữu thương hiệu AnEco cho biết doanh số trên Amazon 7 tháng đầu năm nay gấp 5 lần giai đoạn bắt đầu mở bán hồi 2021. Họ dự kiến đến hết 2022 doanh số sẽ gấp từ 15-20 lần năm 2021.
Hiện các nhà bán hàng Việt Nam tiếp cận được 21 thị trường trên toàn cầu của Amazon, với một số thị trường mới như Bỉ, Thụy Điển hay Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất.
"Đây là thị trường tốt nhất cho hàng Việt Nam nhờ quy mô lớn, lượng khách đăng ký thành viên nhiều, các quy định tuân thủ vẫn dễ chịu hơn so với châu Âu hay Nhật Bản. Ngoài ra, ngôn ngữ tiếng Anh cũng dễ tiếp cận hơn cho nhà bán hàng Việt Nam", ông Gijae Seong lý giải.
Theo dự báo của Amazon Global Selling Việt Nam, 5 nhóm ngành hàng tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai phá vào 2023 bao gồm: nội thất & trang trí nhà cửa; dệt may & phụ kiện; nhu yếu phẩm và quà tặng.
Ông Gijae Seong cho biết nội thất đã hai năm liền trong nhóm hàng Việt bán chạy nhất. Mọi người du lịch trở lại kéo theo nhu cầu về quần áo mới. Trong khi đó, thói quen mua nhu yếu phẩm đã hình thành trong dịch nay vẫn duy trì. Nhóm quà tặng như ly tách, bình giữ nhiệt, nến thơm... cũng triển vọng do mọi người chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhau hơn.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đang có một năm kinh doanh không dễ dàng. Hồi quý I, họ lần đầu tiên lỗ sau 7 năm và tình trạng đó kéo dài đến quý II. Báo cáo quý III công bố tuần trước cho thấy sự cải thiện với doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, họ dự báo doanh thu quý IV chỉ tăng khoảng 2-8%.
"Năm 2022, thách thức về kinh tế nói chung từ chiến sự, lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nói chung và Amazon cũng chịu tác động. Nhưng riêng với thị trường Việt Nam, mảng bán hàng ra toàn cầu vẫn tăng trưởng rất tốt", ông Gijae Seong không nêu doanh thu cụ thể.
Theo dự báo của AlphaBeta, xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, trong giai đoạn 2021-2026. Trong khi đó, eMaketer hồi tháng 6 cho biết Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bán hàng trực tuyến tăng nhanh thứ năm thế giới, với 19% vào 2022.
Tuần trước, báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company công bố cho biết quy mô nền thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt 14 tỷ USD, tương đương Malaysia và Philippines; xếp sau Indonesia và Thái Lan. Thị trường Việt Nam sẽ phát triển 37% mỗi năm và đạt quy mô 32 tỷ USD, tương đương với Thái Lan và cùng đứng nhì Đông Nam Á vào 2025.