Từ nay đến năm 2025, Chính phủ dự kiến sẽ triển khai đồng loạt khoảng 400 km đường cao tốc ở Đồng Bằng sông Cửu Long với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên câu hỏi khó hiện nay là cát ở đâu để làm đường, khi hiện nay loại vật liệu này đã bắt đầu khan hiếm.
Tại nút giao Chà Và ở đầu cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, chậm giải phóng mặt bằng 1 năm nên nhà thầu đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên lượng cát nhận được mỗi ngày chỉ từ 5.000 - 7.000 khối khiến việc san lấp đang bị chậm.
"Bây giờ chúng tôi cần khối lượng cát nhiều hơn gấp 3 lần sản lượng của 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp cấp thời điểm điểm này", ông Nguyễn Văn Lượng, Tổng Công ty 36, cho biết.
Lu lèn nền đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. (Ảnh: Báo Tin tức)
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23 km. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023. Thời điểm này, dự án cần khoảng 300.000 - 400.000 m3 cát đắp gia tải, tương đương từ 12.000 - 15.000 m3 mỗi ngày. Do khó khăn về nguồn cung nên mỗi ngày dự án mới chỉ đắp được từ 5.000 - 7.000 m3 cát.
"Ban cũng như là Bộ đề nghị tỉnh An Giang và Đồng Tháp tăng năng suất của các mỏ cát hiện nay, thứ hai là bổ sung thêm mỏ mới để cấp cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ", ông Phạm Đức Trình, Giám đốc Dự án cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, thông tin.
Hiện nhiều công trình khác cũng đang chậm tiến độ do khan hiếm cát. Đây là điều đáng lo ngại, bởi từ nay đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cần một lượng cát khổng lồ để thi công 400 km đường cao tốc. Theo nhiều chuyên gia, cát nhiễm mặn ở các cửa sông, cửa biển có thể là nguồn bổ sung.
"Luồng Định An có năm nạo vét khoảng 7,2 triệu m3 cát nhiễm mặn, nhưng lượng cát này đổ ra biển. Điều đó rất lãng phí. Nếu chúng ta khai thác được nguồn này sẽ bổ sung lượng lớn cát cho xây dựng", TS. Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, nhận định.
Mặc khác, 48,5 triệu tấn tro xỉ từ 29 nhà máy nhiệt điện than trong cả nước hoàn toàn có thể tận dụng san lấp nền đường cao tốc.