Hết ưu đãi sẽ đến lãi suất thả nổi
Các chủ đầu tư đã tung ra các ưu đãi như tăng chiết khấu, kéo dài chương trình ưu đãi, ân hạn nợ gốc và các ngân hàng cũng áp dụng giảm các mức lãi vay cố định từ 6 - 7%/năm trong 2 - 3 năm đầu… khiến nhiều người trẻ muốn vay ngân hàng để mua nhà.
Nhưng nếu không tính toán kỹ bài toán tài chính, người trẻ thiếu kinh nghiệm, dùng đòn bẩy tài chính quá lớn sẽ khiến người mua nhà không cân đối được khả năng tài chính sau thời gian ân hạn lãi suất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam - cho biết hiện các chủ đầu tư áp dụng chương trình bán nhà với lãi suất cố định trong vài năm.
Với nhiều người trẻ, khi nghe lãi suất cố định 6%/năm, người mua nhà cảm thấy đây là mức lãi suất thấp và ổn định, dễ dàng để chi trả ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Kiệt cho hay người mua chưa hình dung được "chiếc bẫy" lãi suất thả nổi có thể khiến người mua nhà mất kiểm soát về mặt tài chính.
Thực tế cho thấy với mức lãi suất cố định 2 năm, người mua nhà sẽ nhẹ gánh thanh toán với ngân hàng, nhưng đến năm thứ 3 trở đi, mức lãi suất thả nổi này thường trên 10%, thậm chí có một số thời điểm còn đạt ở mức 14 - 16% hoặc hơn. Điều này kéo theo người mua nhà phải bán lỗ hoặc chấp nhận thanh lý hợp đồng.
Do đó, ông Kiệt cho rằng người mua nhà để ở cần phải tính toán kỹ mức thu nhập bản thân, dự phòng rủi ro trường hợp lãi suất thả nổi quay đầu tăng giá để tránh rủi ro khi mua nhà.
Vay nhiều, rủi ro lớn
Đối với những người mua nhà lần đầu, ông Kiệt cho rằng chỉ nên vay tiền ngân hàng với một mức vay hợp lý.
Cụ thể, không nên dùng đòn bẩy tài chính bằng việc vay ngân hàng quá 50% giá trị căn nhà dù ngân hàng có thể cho vay đến 80%.
Bên cạnh đó, không nên vay với mức chi trả quá 50% thu nhập hằng tháng, điều này sẽ giúp người mua nhà đảm bảo an toàn, tránh rủi ro về mặt tài chính khi lãi suất thả nổi tăng cao.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mức lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng thời gian ngắn, lãi có thể sẽ bật tăng cao sau khi hết quãng thời gian này. Do đó, người vay cần phải xem kỹ lãi suất vay thời gian sau này được tính như thế nào cũng như biên độ ra sao, tránh rơi vào trường hợp biên độ quá cao.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng số tiền trả nợ cho ngân hàng bao gồm cả gốc lẫn lãi nên chiếm khoảng 50% thu nhập, nếu mức 80% là nguy hiểm.
Ngoài ra, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cũng lưu ý người mua nhà rủi ro về pháp lý khi mua các căn hộ hình thành trong tương lai. Thực tế có nhiều chủ đầu tư mời gọi mua căn hộ hình thành trong tương lai (đóng tiền trước, nhận nhà sau) nhưng không thực hiện đúng cam kết, nhận tiền nhưng không xây nhà, không trả lại tiền, phát triển dự án qua nhiều năm.
Do đó, ông Kiệt cho hay người mua nhà cần đánh giá khả năng rủi ro, trong đó có rủi ro pháp lý khiến dự án ngưng trệ, tránh chôn tiền vào dự án nhiều năm.