Thời sự

Người trẻ Hà thành thời bão giá: Hẹn hò ít hơn, trăn trở tối nay ăn gì cho tiết kiệm

Giá xăng, dầu, gas tăng cao trong thời gian qua có thể đẩy chi phí đầu vào của các ngành dịch vụ, sản xuất tăng lên, đồng thời sẽ tạo thêm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng, nhất là công nhân, người lao động, sinh viên…

Gia đình anh Phan Văn Nam (sinh năm 1994, quê Thái Bình; làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ, trước đây, thu nhập vừa đủ để trang trải các loại chi phí như: tiền mua nhà trả góp, tiền điện nước, tiền internet, tiền nuôi con, tiền xăng xe, tiền ăn uống, sinh hoạt... Thế nhưng, sau những ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh Covid-19, kinh tế còn chưa phục hồi, nay anh lại thấy áp lực trước tình hình vật giá “leo thang” từng ngày, giá cả những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh, xăng, gas… đều đồng loạt tăng giá không ngừng.

“Chúng tôi lấy nhau được gần 2 năm và chưa có em bé. Sau khi cưới, bố mẹ hai bên cho một ít tiền, chúng tôi mua một căn chung cư ở Hà Nội và phải vay ngân hàng một khoản không nhỏ, mỗi tháng trả 7,5 triệu đồng. Như trước đây, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 25 triệu/tháng, vừa đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, từ ngày xăng tăng, giá cả các mặt hàng, dịch vụ đều tăng, tôi rất lo lắng, tối về hai vợ chồng luôn bàn nhau hôm sau ăn gì, làm sao giảm bớt chi phí tiêu dùng”, anh Nam kể.

Để cắt giảm chi phí, bữa sáng, hai vợ chồng ăn mì tôm rồi đi làm, buổi trưa ăn tại công ty cũng không dám gọi những đồ ăn đắt tiền, tối về đôi vợ chồng trẻ cân nhắc rất kỹ, mua thực phẩm không quá 80.000 đồng cho một bữa.

“Bó rau tăng cũng tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng, thịt lợn tăng gần 20-30%. Bữa cơm trước đây với 80.000 đồng mình có thể nấu được 3 món cho 2 người nhưng bây giờ chỉ được 2 món. Việc chi tiêu hàng ngày cũng phải tính toán cẩn thận hơn”, anh Nam thở dài.

Do hai vợ chồng đi làm ở hai nơi khác nhau, giờ làm việc cũng không khác nên mỗi người sử dụng 1 xe máy, xăng tăng giá, một tháng 2 vợ chồng anh phải chi khoảng 700.000 đồng dành cho việc đổ xăng.

Sinh viên chật vật sống qua những ngày “bão giá”

Trần Thị Ánh Diệu (quê Hải Hậu, Nam Định) là sinh viên năm 3 của trường Đại học Nội vụ. Gia đình làm nông không mấy khá giả nên Diệu đi làm thêm tại một quán nước gần cổng trường để có tiền trang trải các sinh hoạt hàng ngày. Việc làm thêm ở quán nước của Diệu cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Những ngày trước, số tiền này đủ c ho Diệu chi tiêu trong 1 tháng. Thế nhưng, những ngày này giá cả các mặt hàng đều ''rủ nhau'' tăng, nữ sinh phải tính toán việc chi tiêu kỹ lưỡng hơn.

Người trẻ Hà thành thời bão giá: Hẹn hò ít hơn, trăn trở tối nay ăn gì cho tiết kiệm - Ảnh 1.
Những ngày "bão giá", dù đã đi làm thêm, có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, nữ sinh viên vẫn phải xin thêm tiền từ gia đình để chi tiêu hàng tháng.

“Hoàn cảnh gia đình nhà em không mấy khá giả nên bắt đầu từ năm thứ 2 em đã xin đi làm thêm vào mỗi buổi chiều ở một quán nước gần trường. Nếu trong tháng làm đủ thì em được trả 3 triệu đồng, nếu nghỉ thì sẽ bớt đi, số tiền đó đủ để em chi tiêu ở Hà Nội mỗi tháng. Thế nhưng bây giờ cái gì cũng tăng nên 3 triệu đi làm thêm không đủ, em phải xin thêm bố mẹ 1 triệu”, nữ sinh viên tâm sự.

Hiện tại Diệu đang sống trong ký túc xá của trường nên không thể nấu ăn, trước đây mỗi suất ăn của Diệu là 25.000 đồng, hiện nay suất ăn đã tăng lên 30.000 đồng/ bữa.

“Một tháng riêng tiền ăn của em đã tăng lên khoảng 300.000, các chi phí khác cũng tăng. Để giảm bớt chi tiêu, em đã cắt bữa ăn sáng”, Ánh Diệu chia sẻ.

Diệu kể thêm, trước đây gần như tháng nào cô cũng mua 2 - 3 bộ quần áo mới, một tháng trở lại đây cô không dám mua đồ nữa.

“Trước kia, với số tiền em đi làm được em sẽ mua cho bản thân mình vài chiếc áo hay quần khoảng 300.000 - 500.000, nhưng biết tháng này không đủ tiền tiêu nên em không dám mua chiếc quần áo mới nào”, Diệu nói.

Khá hơn một chút là trường hợp của bạn Tráng Thị Nhất (quê Lai Châu), nhờ vào làm 2 việc cùng lúc để thu nhập tăng thêm, Nhất thu nhập 5 - 6 triệu đồng nhưng không phải xin tiền từ gia đình. Thậm chí, trước đây mỗi tháng, cô còn để tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng.

Song, với tình hình vật giá leo thang như hiện nay, số tiền 6 triệu cũng chỉ vừa đủ cho việc ăn uống đi lại của cô.

Nhất cho biết, bình thường cô chỉ cần đổ 90.000 tiền xăng là có thể phóng xe máy cả tuần đến nơi làm việc hay đi học, đi chơi với người yêu, bạn bè; thế nhưng hiện giờ, riêng tiền xăng cô đã phải chi thêm gần gấp đôi dù đã giảm bớt việc đi lại.

“Xăng lên giá, chi phí cho việc đi lại tăng lên, việc đi chơi của em và người yêu cũng hạn chế lại, và kể cả có gặp nhau đi ăn cũng phải tiết kiệm hơn, lựa chọn những quán ít tiền mới vào”, Nhất kể.

Nhất chia sẻ thêm, khoảng vài tháng nay cô không về nhà vì giá xe về quê cũng đã tăng thêm gần trăm nghìn mỗi chuyến.

“Bình thường về quê em đi xe giường nằm mất khoảng 250 nghìn nhưng bây giờ tăng lên 320 nghìn, tính ra mỗi chuyến đi về quê rồi lên Hà Nội cũng mất hơn nửa triệu nên em hạn chế về nhà nhất có thể”, Nhất tâm sự.

Thu Hương, sinh viên năm 3 của một trường Đại học ở Hà Nội chia sẻ cô đang lo lắng rất nhiều về vấn đề chi tiêu hàng tháng. Với khoản tiền chu cấp của bố mẹ và tiền lương từ công việc làm thêm, Hương có khoảng 6 triệu đồng/tháng để chi tiêu.

Người trẻ Hà thành thời bão giá: Hẹn hò ít hơn, trăn trở tối nay ăn gì cho tiết kiệm - Ảnh 2.
Trước đây, nếu tính toán tốt, chi tiêu hợp lý, Hương còn có thể để dành được hơn 1 triệu đồng thì nay, giữa cơn “bão” giá, Hương phải chật vật tính toán để đủ chi tiêu.

''Thắt chặt chi tiêu để thích nghi với thời “bão giá”, trước đây ở nhà em cũng có thể trang điểm, thế nhưng hiện nay khi nào ra ngoài em mới trang điểm, đấy cũng là cách để em giảm bớt khoản chi'', Hương nói.

Theo dự định của Hương, với số tiền đi làm thêm được cộng với tiền gia đình cho, cuối năm nay cô sẽ mua một chiếc xe máy, nhưng giờ giấc mơ đó ngày càng xa. “Giá cả leo thang không chỉ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của em mà còn khiến tinh thần đi xuống. Nhìn số tiền tiết kiệm vơi dần, em vừa lo lắng, vừa cảm thấy bất lực”, nữ sinh viên buồn bã tâm sự.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm