Năm 2020, một người phụ nữ họ Chất ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc đưa mẹ vào cấp cứu ở bệnh viện nhân dân Củng Nghĩa. Vì viện phí và chi phí phẫu thuật cao, cô liền đến ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm của mình ra để chi trả. Đây là khoản tiền mà cô Chất gửi vào ngân hàng từ hơn 1 năm trước.
Tuy nhiên, khi đến ngân hàng, giao dịch viên bất ngờ thông báo với cô Chất rằng tài khoản của cô hiện không có đồng nào. Cô Chất vô cùng bàng hoàng, vì rõ ràng cô đã gửi tiết kiệm ở đây 2,1 triệu NDT (khoảng hơn 7 tỷ đồng), biên lai giao dịch cô vẫn còn giữ. Cô liên tục yêu cầu nhân viên kiểm tra lại thật kỹ tài khoản và các giao dịch, nhưng nhân viên vẫn khẳng định hệ thống hiện rõ con số 0 đồng.
Không thể chấp nhận được sự thật này, cô Chất yêu cầu được gặp giám đốc chi nhánh để nhận lời giải thích. Sau khi xem qua biên lai và sổ tiết kiệm của khách hàng, giám đốc chi nhánh xác nhận đây đúng là con dấu của họ. Để xoa dịu cơn giận của cô Chất, giám đốc chi nhánh cho biết, nếu vấn đề do lỗi hệ thống, ngân hàng cần thời gian để rà soát kỹ lưỡng hơn và hẹn cô khi nào nhận được điện thoại thông báo thì hãy quay trở lại.
Sau 3 ngày kiên nhẫn chờ đợi ở nhà, cô Chất vẫn không nhận được bất kỳ liên lạc nào từ ngân hàng. Không thể tiếp tục đợi thêm, cô Chất lại tiếp tục đến ngân hàng với hy vọng tìm ra số tiền còn thiếu trong tài khoản. Lần này, cô được gặp chính người quản lý họ Hoắc đã hỗ trợ cô mở tài khoản tiết kiệm lúc trước. Tại thời điểm thực hiện giao dịch, người này đã hỗ trợ cho khách hàng rất nhiệt tình và còn đưa ra mức lãi suất cao, không ngờ hiện tại 2,1 triệu NDT (khoảng hơn 7 tỷ đồng) khi đó không biết đã đi về đâu.
Lúc này, quản lý Hoắc biết không thể giấu giếm thêm được nữa, đành thừa nhận rằng mình đã dùng số tiền đó để cho vay kiếm lời. Người này còn chống chế rằng một phần tiền lời đó cũng sẽ được chia cho cô Chất dưới hình thức gửi tiết kiệm lãi suất cao. Theo quản lý Hoắc, các mức lãi suất vốn có của ngân hàng đều không quá cao, chỉ có cho vay như này mới giúp khách hàng sinh lời. Tuy nhiên, quản lý Hoắc giải thích rằng phía khách hàng vay tiền đã kinh doanh thua lỗ và hiện không thể trả nợ ngay lập tức.
Sau khi nghe lời giải thích này, cô Chất cảm thấy không thể nào chấp nhận được. Đây là tiền tiết kiệm của cô, bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng cũng không được sử dụng nó khi chưa được cô cho phép. Mọi chuyện vỡ lở, quản lý Hoắc đề nghị sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền bằng hình thức trả góp cho cô Chất 120.000 NDT (khoảng 148 triệu đồng) mỗi năm. Như vậy, tổng cộng phải mất 20 năm mới có thể trả hết tất cả số tiền mà cô Chất đã gửi.
Hiện đang cần tiền chữa bệnh cho mẹ gấp, cô Chất đương nhiên không thể nào chờ đợi nổi 20 năm. Khi cô Chất yêu cầu ngân hàng càng thiệp, ngân hàng này cho biết sẽ sa thải nhân viên họ Hoắc, tuy nhiên hành vi của người này không liên quan đến ngân hàng và đề nghị cô Chất và quản lý Hoắc tự thương lượng giải quyết với nhau.
Cuối cùng, cô Chất đã kiên quyết khởi kiện cả quản lý họ Hoắc và ngân hàng ra tòa. Sau khi điều tra và xác minh sai phạm, tòa án đưa ra phán quyết quản lý họ Hoắc phạm tội biển thủ số tiền lớn của khách hàng, bị kết án hơn 7 năm tù và buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền gốc và lãi đã chiếm đoạt của cô Chất.
Mặc dù tất cả hoạt động phi pháp xuất phát từ cá nhân của nhân viên họ Hoắc, hệ thống không ghi lại nên ngân hàng không hề hay biết sự cố đã xảy ra. Nhưng tòa án xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, khách hàng chịu thiệt hại lớn nhưng nhân viên sai phạm không còn đủ khả năng chi trả, nên đã đưa ra phán quyết ngân hàng cũng có trách nhiệm phải đền bù một phần cho cô Chất.