Ngày 8/7 vừa qua, chủ đề “nữ hành khách ngừng tim và qua đời sau khi ngồi máy bay 11 giờ” nhanh chóng trở thành từ khóa nóng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo đó, vào ngày 3/7, cô Lý (30 tuổi) vừa kết thúc chuyến bay kéo dài khoảng 11 tiếng từ New Zealand trở về sân bay quốc tế Bạch Vân, Quảng Châu, Trung Quốc. Chỉ 10 phút sau khi máy bay hạ cánh, cô bất ngờ chao đảo rồi ngã quỵ ngay trong sân bay.
Sau khi được bác sĩ tại sân bay sơ cứu, cô được đưa đến bệnh viện gần đó. Theo bác sĩ Phùng, trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Vân, bệnh nhân đã bay khoảng 11 tiếng. Khi được đưa đến bệnh viện, cô bị rung thất, sau đó tim ngừng đập, mặc dù đã hồi sức tích cực nhưng sau cùng vẫn tử vong.

Thuyên tắc phổi là một căn bệnh rất nguy hiểm.
Qua việc phân tích diễn biến và tiền sử bệnh, các bác sĩ nghi ngờ nữ hành khách bị thuyên tắc phổi (PE), có liên quan đến việc cô ngồi quá lâu trong suốt chuyến bay. Về vấn đề này, bác sĩ đặc biệt nhắc nhở mọi người không nên nghĩ rằng bệnh thuyên tắc phổi là xa vời. Người béo phì, phụ nữ đang mang thai, dùng thuốc tránh thai đường uống, ung thư cũng là đối tượng dễ hình thành các cục máu đông, gây tắc mạch nguy hiểm.
Trên thực tế, bệnh thuyên tắc phổi không phải là căn bệnh hiếm gặp.
Đầu năm nay, anh Trương, 33 tuổi, sống tại Trung Quốc, nặng hơn 130kg, có lối sống ít vận động, do làm video tại nhà nên có thường xuyên ăn vặt. Một ngày, anh bất ngờ ngã gục trên đường. Khi được đưa đến bệnh viện, các chỉ số sinh tồn của anh rất thấp, huyết áp chỉ đạt 60/40 mmHg, không thể đo được nồng độ oxy trong máu, và chỉ số khí oxy toàn thân giảm mạnh xuống còn 75 mmHg, trong khi mức bình thường là 400-500 mmHg. Kết quả xét nghiệm cho thấy D-dimer ở mức báo động và điện tâm đồ (ECG) có dấu hiệu bất thường, dẫn đến chẩn đoán nguy cơ thuyên tắc phổi cực cao. May mắn được cấp cứu kịp thời, anh Trương cuối cùng đã thoát khỏi cơn nguy kịch.
Cuối tháng 5 vừa qua, anh Nghi, 27 tuổi, gặp tai nạn khi đạp xe và bị thương nặng ở chân. Sau 1 tuần nghỉ ngơi tại nhà, anh trở lại làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau, anh bất ngờ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau tức ngực, sốt, ho và mệt mỏi.
Kết quả chụp CT động mạch phổi cho thấy anh xuất hiện cục huyết khối lớn ở động mạch phổi phải. Để điều trị, các bác sĩ đã tiến hành hút huyết khối và đặt bộ lọc tĩnh mạch dưới chủ. May mắn anh Nghi đã qua cơn nguy hiểm và được xuất viện.
Những đối tượng cần đặc biệt chú ý tới bệnh thuyên tắc phổi
- Người ngồi lâu, ít vận động như hành khách trên các chuyến bay đường dài và lái xe đường dài, dân văn phòng, người chơi game…
- Người béo phì.
- Người thích nằm lâu một chỗ như bệnh nhân sau phẫu thuật, bệnh nhân bị liệt.
- Người hút thuốc, uống rượu.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai.
- Người có các bệnh lý nền như ung thư, hội chứng thận hư, suy tim...
Quy tắc "cứu sống" để ngăn ngừa thuyên tắc phổi
Đầu tiên, cần vận động thường xuyên. Sau mỗi giờ ngồi làm việc, bạn nên dành 5 phút để thực hiện các động tác như xoay cổ chân, di chuyển các ngón chân lên xuống. Nếu bạn phải di chuyển xa, hãy đứng dậy và đi bộ sau mỗi 2 giờ để giúp cơ thể được thư giãn và tăng cường lưu thông máu.
Thứ hai, hãy kiểm soát cân nặng và bỏ thuốc lá, rượu bia. Béo phì là "đồng phạm" của cục máu đông, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục vừa phải sẽ phòng ngừa hiệu quả bệnh thuyên tắc phổi.
Thứ ba, uống nhiều nước rất có lợi cho sức khoẻ, duy trì 1500-2000ml nước mỗi ngày.
Cuối cùng, những nhóm có nguy cơ cao như bệnh nhân sau phẫu thuật và những người nằm liệt giường trong thời gian dài nên sử dụng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng nên mang vớ đàn hồi và sử dụng thiết bị áp lực không khí ngắt quãng để thúc đẩy lưu thông máu ở chi dưới.