Xã hội

Hành hung, lột đồ bắt khách trả tiền: Án lệ của TAND tối cao thế nào?

Một vụ việc tưởng chừng đơn giản là trốn nợ karaoke 200.000 đồng đã dẫn đến hành vi dùng mã tấu uy hiếp nhân viên quán và chiếm đoạt tài sản. TAND tối cao đã xác định đây là hành vi "cướp tài sản", từ đó ban hành án lệ số 29/2019/AL để làm rõ định hướng xét xử cho các trường hợp tương tự.

Hành hung, lột đồ bắt khách trả tiền: Án lệ của TAND tối cao thế nào?- Ảnh 1.

Nội dung vụ án tranh cãi tội danh mà Báo Thanh Niên phản ánh

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Quỵt tiền hát karaoke bằng… mã tấu

Khoảng 22 giờ ngày 19.1.2015, Lê Xuân Q. cùng nhóm bạn gồm Trần Xuân L., Nguyễn Văn L., Trương Sỹ T., Hà Thị Thu H. và một số người khác đến hát tại quán karaoke M. ở TP.Đà Nẵng. Khi thanh toán, Q. chỉ đưa 208.000 đồng (thiếu 200.000 đồng) và đặt lại điện thoại, hẹn hôm sau quay lại trả. Nhân viên quản lý quán là anh Võ Minh T. không đồng ý.

Q. rời quán, gặp Trần Xuân L. và một người tên H1 để bàn bạc quay lại "giải vây" 2 người bạn đang bị giữ lại vì chưa thanh toán. Q. lấy 2 cây mã tấu tự chế cất giấu từ trước, đưa cho H1 và Trần Xuân L. Cả nhóm quay lại quán karaoke lúc nửa đêm.

Nhân lúc hỗn loạn, lấy trộm máy tính bảng

Đến nơi, Q. đứng ngoài nổ máy xe chờ sẵn, còn Trần Xuân L. và H1 xông vào quán, cầm mã tấu truy đuổi nhân viên. Một số người chạy vào nhà vệ sinh, số khác lên tầng 2 hoặc bỏ ra ngoài đường. Tranh thủ lúc hỗn loạn, Trần Xuân L. lấy 2 máy tính bảng ở quầy tính tiền rồi cùng đồng bọn rời khỏi hiện trường.

Khi về tới khu chung cư F, Q. đề nghị trả lại tài sản nhưng Trần Xuân L. từ chối. Q. sau đó bỏ về nhà ngủ. Hôm sau, Trần Xuân L. bán 2 máy tính bảng với giá 1,1 triệu đồng và tiêu xài hết. Theo định giá, 2 máy này có giá trị còn lại là 12 triệu đồng.

Hành vi bị xác định là 'cướp tài sản'

Xét xử sơ thẩm, TAND Q.Linh Chiểu cũ (TP.Đà Nẵng) tuyên Q. 7 năm tù về tội "cướp tài sản", nhưng xử phúc thẩm, TAND TP.Đà Nẵng đổi tội danh sang "không tố giác tội phạm" và giảm án còn 3 năm tù. Việc xét xử này bị kháng nghị vì phúc thẩm đã xử về một hành vi chưa được điều tra, truy tố.

Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xác định: Q. đã cùng đồng phạm lên kế hoạch, chuẩn bị hung khí, quay lại hiện trường với mục đích uy hiếp người bị hại để không trả khoản tiền nợ. Dù Q. không trực tiếp cầm mã tấu, hành vi đồng phạm của Q. đủ yếu tố cấu thành tội "cướp tài sản".

Án lệ hình sự về trốn nợ bằng bạo lực

Từ vụ án này, án lệ số 29/2019/AL được ban hành, khẳng định: "hành vi chiếm đoạt tài sản bằng vũ lực đã cấu thành tội cướp tài sản".

Án lệ giúp định hướng xử lý các tình huống tương tự, nơi hành vi mang tính dân sự ban đầu bị đẩy thành hành vi hình sự do có sự tổ chức, sử dụng bạo lực để chiếm đoạt tài sản.

Các tin khác

Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?

Sau khi hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đường tại TPHCM (mới) gia tăng đáng kể, gây khó khăn trong quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận tải logistics... Tuy nhiên, theo chuyên gia, không nên đổi tên để tránh xáo trộn, gây phiền hà thêm cho người dân, chỉ cần điều chỉnh, tránh trùng tên trong cùng một xã, phường.