Xã hội

Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ”

Cuộc phỏng vấn giữa tôi và nhà báo Trần Mai Anh liên tục bị cắt ngang – chị quá bận. Người phụ nữ nhỏ bé vừa bàn về giải chạy gây quỹ với công nghệ đo nụ cười, vừa xắn tay rửa bát, quét nhà như một bà nội trợ toàn thời gian.

Mai Anh nói, có người sống thong thả một đời một kiếp, còn chị đang sống tới mấy đời, mấy kiếp chồng lên nhau. Từ việc nhận nuôi Thiện Nhân, đến hành trình giúp đỡ những đứa trẻ bị khiếm khuyết... Nhưng Mai Anh nói, chị không làm từ thiện!

“Tôi đi cùng các em – từ chiếc bô xanh đến cổng trường đại học”

Nhận nuôi bé Thiện Nhân là một dấu ấn đặc biệt. Đó có phải là bước ngoặt khiến chị dấn thân sâu hơn vào các hoạt động vì cộng đồng?

Khi đón Thiện Nhân về, với tôi, đó chỉ là một quyết định tình cảm giữa người với người. Tôi không ngờ, câu chuyện ấy lại có sức lan tỏa lớn đến thế: rất nhiều người sau đó đã mạnh dạn hơn khi nhận con nuôi. Có người từ câu chuyện này còn đặt tên con là Thiện Nhân, Mai Anh. Một lãnh đạo trường ĐH rất lớn, từng tâm sự với tôi rằng: năm 2008, sau khi biết chuyện về bé Nhân, anh đã đặt tên con trai đầu lòng của mình là Thiện Nhân.

Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ” - Ảnh 1.

Mặc dù tôi chưa từng hô hào, những người thương mến Nhân, bằng cách rất riêng của họ, đã lặng lẽ khởi xướng nhiều hành động ý nghĩa. Năm 2011, Chương trình Thiện Nhân và Những người bạn ra đời. Từ đó đến nay, chúng tôi âm thầm đi cùng hàng nghìn đứa trẻ, không chỉ để giúp các em hồi phục thể chất, mà còn gieo thêm hy vọng, tiếp sức cho cả hành trình học hành phía sau. Nhiều bác sĩ giỏi cũng được tiếp sức từ đây. Hiện tại, hai bác sĩ trẻ Việt Nam đang theo học tại một bệnh viện lớn ở Anh - cũng là nhờ những kết nối tưởng như vô hình, nhưng rất thật.

Nhưng có lúc nào chị khóc – không phải vì xúc động, mà vì bất lực?

Thực ra có nhiều chuyện không vui. Tôi từng đau đứt ruột khi thấy nhiều em bé mang trong mình những vết thương không tưởng. Nhưng bằng sự kiên cường của các em, và tình yêu từ cộng đồng, phép màu vẫn đến. Chúng tôi đã chuyển hóa nước mắt thành nụ cười - dù chẳng dễ dàng.

Sơn “bô xanh” – cậu bé mắc bệnh hiếm gặp đến mức cả tỷ người mới có một. Sơn chào đời với cơ thể không trọn vẹn: không hậu môn, không cơ quan sinh dục ngoài, cả tiểu tiện và đại tiện đi chung một đường. Suốt gần một thập kỷ, em sống gắn liền với chiếc bô nhựa xanh. Nhưng Sơn đã vượt qua những ca mổ sinh tử, lớn lên mạnh mẽ hơn mọi hình dung. Giờ đây, cậu bé đã là học sinh cấp 3 và tiếp tục đi tới những nấc thang mới của cuộc đời. Khi con ra Hà Nội học đại học, tôi sẽ vẫn ở bên, như một người mẹ, đúng như cách Sơn gọi tôi suốt bao năm qua.

Ka Nhits (Gia Khôi) cũng là một hành trình đặc biệt. Sinh ra là bé gái, nhưng thực chất mang nhiễm sắc thể XY và cơ quan sinh dục nam nằm ẩn. Em lớn lên trong sự hoang mang tột cùng vì không biết mình thực sự là ai. Trải qua rất nhiều đấu tranh nội tâm và cả những cuộc phẫu thuật đau đến mức tưởng như không còn nước mắt để khóc, em bước tiếp với tên gọi Gia Khôi. Giờ đã là sinh viên năm hai đại học, Khôi sống nhẹ nhõm, vững vàng và không còn phải giấu giếm.

Những đứa trẻ từng được biết đến vì “bị đau” ngày ấy, giờ đã lớn. Chỉ có một điều chưa từng đổi thay: tôi và Chương trình Thiện Nhân vẫn lặng lẽ đi cùng các em như từ những ngày đầu tiên.

Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ” - Ảnh 2.

“Vẽ cổ tích bằng sắc màu tử tế: mỗi đứa trẻ đều có thể là người cho đi”

Để chuyển hóa nỗi đau, cần một nguồn năng lượng đủ lớn. Một người phụ nữ bé nhỏ, đơn thân chăm sóc cho ba đứa con, lại trở thành mẹ và chỗ dựa cho rất nhiều em nhỏ kém may mắn khác, có lúc nào chị thấy “hụt hơi”?

Có lẽ vì mọi thứ đã thành máu thịt của tôi, nên tôi làm tất cả một cách rất tự nhiên. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn cách sống, chứ mình không hy sinh vì ai. Tôi vẫn mặc váy đẹp, để tóc xanh đỏ, cả da cam nếu thích. Người ta không phán xét chuyện đó, hay nghĩ rằng nó kệch cỡm. Họ thấy nhẹ lòng khi thấy tôi khỏe mạnh, vui tươi, và an tâm rằng tôi đang làm điều tử tế… mà không đánh đổi chính mình.

Tôi cũng không đi một mình. Nhiều bạn trẻ từng giúp tôi từ thời còn sinh viên. Giờ họ đã là người lãnh đạo các dự án cộng đồng. Vòng tròn quan hệ của tôi đến từ tin yêu. Những người cùng tần sóng với nhau cùng tìm tới nhau, và chọn ở lại.

Khi đi cùng tôi, họ thấy những gì họ đang làm là ý nghĩa. Sự tử tế của họ được trân trọng. Cảm giác đó – kết nối chúng tôi sâu và bền – hơn tất cả lời cảm ơn hào nhoáng.

Chị có thể kể một ví dụ cụ thể?

Ví dụ dự án “Vẽ nên cổ tích” – nơi mà mỗi đứa trẻ, bằng chính sắc màu của mình, có thể vẽ nên phép màu.

Đã nhiều năm, Chương trình Thiện Nhân phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng và các họa sĩ chuyên nghiệp tổ chức các buổi vẽ tranh cùng các em bé là họa sĩ nhí. Nhiều em vẽ rất giỏi, có em từng mở triển lãm quốc tế. Khi hoàn thành, các em sẽ tặng lại tranh, tổ chức đấu giá để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho những trẻ em khác.

Chúng tôi còn mời các bạn nhỏ có khả năng vẽ tranh và yêu hội hoạ thuộc Làng trẻ em SOS Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh cùng tham gia chương trình "Vẽ nên cổ tích". Bà Lê Minh Giang, Giám đốc Quốc gia Làng Trẻ em SOS Việt Nam khi đó đã chia sẻ: "Điều đặc biệt là chính các em nhỏ đang được giúp đỡ tại Làng trẻ SOS có cơ hội được tham gia giúp các bạn nhỏ kém may mắn khác trong cộng đồng".

Với tôi, điều quan trọng nhất là để các em không chỉ lớn lên trong sự nhận được, mà còn cảm thấy mình đủ giá trị để cho đi.

Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ” - Ảnh 3.

Từ 2016 đến 2020, chương trình có sự tham gia của các hoạ sĩ như Tô Chiêm, Đỗ Hương và nhiều tên tuổi khác. “Vẽ nên cổ tích” đã thu hút được hơn 600 bạn nhỏ tham gia qua các năm, trưng bày hàng trăm tác phẩm và gây quỹ được hơn 300 triệu đồng cho hoạt động phẫu thuật của Chương trình Thiện Nhân.

“Khi nụ cười cũng có thể tạo nên phép màu”

Chị đang muốn mở rộng hành trình lan tỏa này tới đâu?

Bây giờ, tôi vẫn đang gây quỹ, nhưng không chỉ cho các em ở Chương trình Thiện Nhân, mà hướng đến trẻ em Việt nói chung.

Tôi đang tổ chức một giải chạy, nhưng không đơn thuần để gây quỹ. Tôi muốn mỗi bước chân trở thành một trải nghiệm xúc cảm. Chúng tôi thiết kế một màn hình cảm ứng công nghệ cao. Trên đó là hình ảnh những đứa trẻ trong không gian đơn sắc. Khi người chạy dừng lại, mỉm cười với đứa trẻ ấy, màu sắc sẽ bừng lên.

Mỗi “nụ cười được ghi nhận” sẽ quy đổi thành một khoản đóng góp cho hàng loạt chương trình dành cho trẻ em: từ y tế, giáo dục, dinh dưỡng đến văn hóa, nghệ thuật.

Trên những màn hình ấy, không chỉ có hình ảnh, mà là cả những thông điệp. UNICEF đã cùng tôi phát triển bộ 7 thông điệp truyền thông giản dị, gần gũi và đầy xúc cảm về trẻ em. Họ không chỉ cộng tác, mà còn chia sẻ chính thức trên fanpage của UNICEF như một cách lan tỏa điều tử tế bằng sự tin cậy và tôn trọng.

Điều chúng tôi muốn chia sẻ là: Đích đến của cuộc đời không chỉ là danh vọng hay tiền bạc, mà là cả những khoảnh khắc mình dừng lại, quan tâm đến người khác – và làm sáng lên một thế giới xám màu.

Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ” - Ảnh 4.
Mẹ Thiện Nhân: “Tôi không làm từ thiện, không hy sinh vì ai. Tôi chỉ sống đời mình – rực rỡ” - Ảnh 5.

Cách chị làm hoạt động xã hội rất thú vị, nó dường như toát lên triết lý: Làm việc tốt, bản chất là sự cho – nhận rất công bằng.

Đúng vậy! Gần đây, chúng tôi phối hợp với Tiktok và tỉnh Bắc Ninh để livestream bán vải. Lợi nhuận thu được sẽ dành để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, mở đầu bằng chương trình “WeTreo – suất ăn treo cho học sinh nghèo”, rồi tiếp nối bằng “Góp 1 Cuốn Sách”...

Các TikToker không chỉ lan tỏa nông sản, họ còn lan tỏa được một cảm xúc tử tế. Doanh nghiệp cũng có lợi khi tham gia mà không cần hình thức ràng buộc. Người mua cũng nhận được thứ gì đó hơn cả trái cây: đó là cảm giác mình vừa làm thêm một điều ý nghĩa.

Vậy với riêng chị, điều “được” nhiều nhất sau chặng đường ấy là gì?

Khi càng sống chân thành và cố gắng làm những việc mình tin là đúng, tôi được mở thêm nhiều cánh cửa không ngờ tới. Nó bao gồm các mối quan hệ, niềm vui, may mắn, công việc…

Nếu không sống như hiện tại, Trần Mai Anh sẽ là ai?

Đôi khi tôi cũng tự hỏi. Và tôi nghĩ, có lẽ tôi vẫn sẽ tồn tại, nhưng mất đi phần rõ nhất của mình. Vì những mảnh ghép ấy đã thành máu thịt, không thể tách ra để sống như người bình thường nữa.

Và có lẽ vì luôn cảm thấy mình đã nhận được nhiều hơn là cho đi, nên khi làm bất cứ điều gì hướng về cộng đồng, tôi đều đi đến cùng hoặc ở lại rất lâu.

Tôi đang đi cùng dự án Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize (báo Nhân Dân chỉ đạo, Công ty Cổ phần VCCorp phối hợp tổ chức). Tôi là một trong số những người góp phần thuyết phục Ban tổ chức giải thưởng này ra mắt cuốn sách “Human Legacies - Dấu ấn tiên phong”. Đây là tập hợp những dự án tạo tác động xã hội tiêu biểu, đi kèm với các phân tích lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn. Đó là cảm hứng và chất liệu hành động – để ai trong chúng ta cũng có thể để lại một di sản tử tế cho tương lai.

Nhiều người nghĩ đến "di sản" như điều gì đó lớn lao, mang tầm vóc vĩ mô. Nhưng đôi khi, di sản chỉ là một hành động đúng đắn trong một hoàn cảnh cụ thể – vì người khác, vì cộng đồng, và có khả năng lan tỏa qua thời gian. Human Legacies - Dấu ấn tiên phong là cuốn sách được sinh ra từ niềm tin đó.

Và đó cũng là một dự án mà không ai thua. Mọi người đều đang được cho - và được nhận.

Nhà báo Trần Mai là thành viên Ban Giám khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng – Human Act Prize và Hội đồng biên tập sách Human Legacies – Dấu ấn tiên phong.

Human Legacies - Dấu ấn tiên phong do Công ty cổ phần VCCorp phối hợp với Alpha Books và Metro Writers thực hiện, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành. Đây là cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho những người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam. Human Legacies - Dấu ấn tiên phong là cuốn sách mà những ai đang khát khao bắt đầu một hành trình mới trong lĩnh vực Tác động Xã hội có thể tìm đến như một kim chỉ nam và nguồn cảm hứng bất tận. Không chỉ dừng lại ở việc tập hợp kiến thức, cuốn sách này còn cung cấp những câu chuyện, dự án thực tiễn, giúp người đọc có thể học hỏi và thích nghi để kiến tạo những giá trị bền vững cho cộng đồng.



Các tin khác

Trùng nhiều tên đường sau sáp nhập - Đổi hay giữ lại?

Sau khi hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trùng tên đường tại TPHCM (mới) gia tăng đáng kể, gây khó khăn trong quản lý hành chính, cấp giấy tờ pháp lý, vận tải logistics... Tuy nhiên, theo chuyên gia, không nên đổi tên để tránh xáo trộn, gây phiền hà thêm cho người dân, chỉ cần điều chỉnh, tránh trùng tên trong cùng một xã, phường.

Các tổ bay L-39NG chuyển sân tham gia nhiệm vụ A80

Ngày 11/7, Trung đoàn 910 thuộc Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã tổ chức bay chuyển sân 3 máy bay L-39NG từ sân bay Tuy Hòa ra sân bay Kép, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (nhiệm vụ A80).