Cận thị là chứng rối loạn về mắt trong đó ánh sáng tập trung vào phía trước thay vì chiếu vào võng mạc, làm cho các vật thể ở xa trở nên mờ nhạt, khó định hình. Ngoài yếu tố di truyền, cận thị còn liên quan đến các nguyên nhân khách quan như điều kiện ánh sáng, tiếp xúc với màn hình máy tính, tivi. Trên thế giới, tình trạng cận thị đang gia tăng ở mức báo động đến mức sẽ có một nửa dân số toàn cầu bị vào năm 2050.
Trước tình hình này, các nhà sáng chế Nhật Bản đã nghĩ ra loại kính có tên Kubota Glass, được mô tả là có thể chữa khỏi cận thị bằng biện pháp không xâm lấn. Theo đó, sản phẩm sử dụng công nghệ kích thích chủ động, bằng cách chiếu một phần ánh sáng vào võng mạc của người đeo, để mô phỏng hiện tượng nhòe trong khoảng cách ngắn. Điều này buộc họ phải nhìn xa hơn về phía trước và làm như vậy sẽ tạo áp lực đảo ngược sự biến dạng trục của nhãn cầu.
Chiếc kính có thể chữa cận thị mà không cần xâm lấn. Ảnh: Kubota Pharmaceutical
Kính cũng tận dụng công nghệ nano bằng cách kích thích võng mạc trong thời gian ngắn hơn trong khi duy trì thị lực trung tâm chất lượng cao và không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, Kubota Glass còn có tính năng micro-LEDS chiếu hình ảnh ảo trên trường thị giác ngoại vi để kích thích tích cực võng mạc và chỉ cần đeo chúng từ 60 đến 90 phút mỗi ngày là đủ để điều chỉnh ảnh hưởng của bệnh cận thị.
SoraNews24 gần đây đã thông báo rằng những cặp kính mắt chữa cận thị đầu tiên đã có mặt ở tỉnh Hyogo và Kanagawa của Nhật Bản. Chỉ có 20 đôi được bán trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến 15/9 với giá 5.700 USD/tháng. Tuy nhiên, giá tiền này chỉ là mức chạy thử nhằm đánh giá nhu cầu. Trong tương lai, giá kính Kubota dự kiến sẽ giảm nhưng nó vẫn là thiết bị đắt đỏ.