Chưa bàn đến những hệ lụy cho nền kinh tế, giá nhà đất như hiện nay đã khiến hành trình tìm chốn an cư của đa số dân lao động, người làm công ăn lương càng trở nên xa vời. Không ít người chỉ biết bất lực nhìn giá nhà đất tăng phi mã.
Nhiều người dừng ý định mua chung cư vì hiện tượng “ngáo giá”
Hành trình tìm chốn an cư tại Thủ đô hiện nay của những người lao động, người làm công ăn lương là câu chuyện khó càng thêm khó. Để tiết kiệm được 1 – 2 tỷ đồng phải mất cả chục năm trời, thế nhưng giá chung cư chỉ trong một thời gian ngắn cũng đã tăng từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/căn hộ. Sau một thời gian mệt mỏi tìm mua nhà ở Hà Nội từ đầu năm 2024, nhiều người đã phải dừng ý định bởi sự “ngáo giá” của chung cư. Cho rằng, với mức giá “không tưởng” như hiện nay, sản phẩm không xứng đáng với số tiền phải bỏ ra. Không cần mua rẻ mà chỉ muốn mua đúng với giá trị thật, một số người đã thành lập “Hội những người dừng mua chung cư Hà Nội” để chia sẻ và cho nhau lời khuyên về việc tìm nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, hội nhóm này đã có gần 100 nghìn người tham gia.
Khu đất đấu giá bất thường, có lô lên tới 133 triệu đồng/m2 ở Hoài Đức xôn xao dư luận mấy ngày qua đang tạo ra những hệ lụy xấu cho thị trường nhà đất.
Anh Nguyễn Minh Hải (quê ở Hải Dương) đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội hơn 10 năm nay, đầu tháng 3/2024, anh đã tìm mua căn hộ chung cư tại dự án Eco Green City (trên đường Nguyễn Xiển). Anh được giới thiệu một căn hộ tầng thấp với 3 phòng ngủ, mức giá là 3,9 tỷ đồng. Chưa thực sự ưng ý vì căn hộ ở tầng thấp, đồng thời anh cũng đang chờ bán mảnh đất ở quê để gom được đủ tiền nên anh hẹn bên bán cho mình thêm chút thời gian. Sau khi bán xong đất ở quê, anh quay lại thì căn hộ đã được rao bán với giá 4,65 tỷ đồng, tăng 750 triệu đồng so với trước đó. Lên các diễn đàn mua bán nhà để tiếp tục tìm hiểu thêm về các căn hộ tại dự án này, anh bất ngờ khi tất cả đều tăng giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng tuỳ vị trí, diện tích. “Với số tiền vợ chồng tiết kiệm được hơn chục năm qua, cùng với tiền bán đất ở quê thì cũng chỉ đủ mua căn hộ ngoài 3 tỷ đồng một chút. Nhưng chỉ vài tháng nay, vợ chồng tôi thực sự bị sốc khi thấy giá nhà cứ dăm bữa nửa tháng lại tăng vài trăm triệu đồng/căn hộ. Cứ thế này thì thực sự người lao động ở tỉnh lẻ lên đây sẽ không bao giờ có cơ hội mua nhà”, anh Hải chia sẻ.
Chung cư tăng giá, nhà đất cũng chẳng kém cạnh. Anh Hoàng Anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, giữa tháng 3/2024, anh có đi xem một căn nhà cho một người bạn với diện tích 40m2 ở Trại Gần, xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Khu vực này cũng gần khu đất đấu giá ở xã Tiền Yên xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua. Mặc dù từ đó đến nay, nhà vẫn chưa bán được nhưng chủ nhà thì liên tục tăng giá. “Tháng 3, giá bán được đưa ra là 2,3 tỷ, thế nhưng chỉ ít thời gian sau chủ nhà đã tăng lên 2,85 tỷ đồng. Đến nay, sau phiên đấu giá đất xôn xao ở Hoài Đức, chủ nhà đã tăng giá lên 3,1 tỷ đồng. Căn nhà nằm trong hẻm 2m cuối dãy, hẻm này có 2 dãy nhà quay mặt vào nhau, tối om không ánh sáng, tường chung, móng chung thế mà giá cũng lên đến 3,1 tỷ. Theo tìm hiểu của tôi thì khu vực này nhiều nhà xây thương mại. Trước Tết 2024, giá chỉ dao động khoảng 1,8 - 1,9 tỷ đồng, có nghĩa là mới chỉ chưa đầy 1 năm giá đã tăng 72%. Thực sự, với giá nhà đất hiện nay, người làm công ăn lương chắc chắn không thể nào mua được nhà”, anh Minh cho hay.
Lời giải nào tháo gỡ bế tắc của thị trường?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phải nhìn nhận tình trạng sốt chung cư thời gian qua tại Hà Nội là có thật. Việc này kéo dài dẫn đến hệ lụy là nhóm những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong việc tìm mua nhà ở bằng đồng lương của mình. GS Đặng Hùng Võ nhận định, "cơn sốt" này có bàn tay của giới đầu cơ. Nguyên nhân dẫn đến việc sốt chung cư này xuất phát một phần từ việc quản lý thị trường bất động sản chưa thực sự tốt. Điều này làm nảy sinh tình trạng giá cả với hàng hóa không song hành cùng nhau. Nguyên nhân nữa là do giới đầu cơ, bộ phận đang chịu thuế rất ít, phát huy các "chiêu trò" của mình nhằm tạo ra bối cảnh tăng giá "ảo". Do đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, trọng tâm hiện nay là giải quyết vấn đề giá nhà cho những người lao động bình thường, những người trung lưu khi họ đang rất khó khăn để tiếp cận được nhà ở. “Thử hỏi xem bao nhiêu người lao động có thể bỏ tiền ra mua nhà ở giá cao? Trong khi đó phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền, vừa với hàng trung lưu, tầng lớp dưới trung lưu thì lại chưa có nhiều chính sách để phát triển. Trước "cơn sốt" chung cư thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào thế cực kỳ khó. Người dân có nhu cầu ở thực rất nhiều, người lao động có thu nhập trung bình mong muốn có một nơi an cư, nhưng bài toán này gần như chưa có lời giải”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Dư luận đang nói nhiều về việc phát triển nhà ở xã hội sẽ là cứu cánh cho thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nhà ở xã hội được xem là hy vọng để thị trường nhà ở tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá chung cư. Tuy nhiên, việc những người lao động có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận được với loại hình nhà ở này không nhiều bởi không phải ai cũng đáp ứng được tiêu chí và thủ tục liên quan.
“Tôi cho rằng, ngay tại thời điểm này, thị trường đang thiếu đi một phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, thực sự hướng đến phần đông đối tượng người lao động, có thu nhập vừa phải. Việc đưa ra sáng kiến nghiên cứu để mở ra phân khúc nhà ở thương mại giá phù hợp là một nhu cầu hoàn toàn đúng và rất cần thiết. Cụ thể, nếu nhà ở xã hội chủ yếu hướng tới nhóm đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, được miễn tiền sử dụng đất và tiếp cận gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho chủ đầu tư, người vay mua nhà... thì nhà ở giá vừa túi tiền là nhà ở thương mại có mức giá phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, hướng đến đại bộ phận người dân, không bị giới hạn về tiêu chí, đối tượng thụ hưởng như phân khúc nhà ở xã hội”, GS Đặng Hùng Võ phân tích.