Kỹ năng sống

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ

Làng tranh vang bóng một thời

Nhắc đến tranh Tết, nhiều người thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Thế nhưng ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ kinh kỳ xưa mỗi dịp Tết đến xuân về. Và với dân làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), ký ức về dòng tranh vang bóng một thời nay chỉ còn qua những hồi ức, lời kể của các bậc cao niên.

Tương truyền, tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ XVIII, xuất xứ từ làng Kim Hoàng, từng là một làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh, sánh ngang Đông Hồ, Hàng Trống. Nhận thấy thấy tranh Đông Hồ, Hàng Trống chỉ đủ cung ứng cho địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận, người làng Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra dòng tranh mới. Tranh Kim Hoàng ra đời với sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, phù hợp với người dân cả về thẩm mỹ lẫn túi tiền.

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ - Ảnh 1.

Tranh Kim Hoàng còn được biết đến với tên gọi khác là tranh đỏ, ra đời với sự kết hợp kỹ - mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống.

Nếu đặc trưng của tranh Đông Hồ chỉ đơn thuần là giấy điệp, tranh Hàng Trống là giấy dó thì tranh Kim Hoàng lại nổi bật hơn cả. Tranh được sử dụng giấy dó pha thêm sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ pháo, tạo nên một vẻ tươi thắm riêng biệt. Cũng vì màu giấy đỏ ấy mà tranh Kim Hoàng còn được biết đến với tên gọi khác là tranh đỏ. Đề tài tranh được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc của người dân Bắc Bộ, điển hình là hình ảnh con trâu, bò, lợn gà, là đời sống thôn quê dân dã,…

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ - Ảnh 2.

Tranh Kim Hoàng thuộc dòng tranh dân gian nổi tiếng của nước ta, từng một thời nức tiếng xứ kinh kỳ

Để đủ cung ứng cho người dân xứ Đoài vào dịp Tết, từ giữa tháng 11 Âm lịch trở đi, làng Kim Hoàng bắt đầu vào vụ làm tranh. Theo ký ức của nhiều người dân xứ Đoài, ngày giáp Tết, sắc đỏ tranh Kim Hoàng hiện diện ở khắp chốn Mỗ, La, Canh, Cót (khu vực trải rộng từ Cầu Giấy tới hai quận Nam - Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Thời thịnh của tranh Kim Hoàng kéo dài khoảng 100 năm.

Theo ghi chép, vào năm 1915, một trận lũ lớn làm vỡ đê Liên Mạc (ngày nay thuộc Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều bản khắc gỗ của tranh bị cuốn trôi. Tranh Kim Hoàng rơi vào thất truyền, liên tiếp hơn 7 thập kỷ.

Khao khát hồi sinh văn hoá làng

Những tưởng số phận dòng tranh Kim Hoàng sẽ bị xóa sổ dưới lớp bụi thời gian. Tuy nhiên vào năm 2015, với sự góp sức của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hoà (Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội) cùng các nghệ nhân cao tuổi trong làng, dòng tranh Kim Hoàng đã và đang hồi sinh từng ngày. Hiện tại làng Kim Hoàng chỉ có một người kế thừa duy nhất. Đó là anh Đào Đình Chung (sinh năm 1978), một người con của làng.

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ - Ảnh 3.

Trong căn phòng nhỏ áng chừng 15 mét vuông, nghệ nhân trẻ Đào Đình Chung ngày ngày cần mẫn giữ lửa nghề cha ông

Những lần tiếp xúc với anh Chung, bà Thu Hòa phát hiện ở anh có những phẩm chất phù hợp để theo đuổi dòng tranh dân gian này. Theo lời anh Chung kể, từ nhỏ đã nghe các cụ trong làng nói nhiều về dòng tranh cổ Kim Hoàng. Khi biết được các chuyên gia có ý định khôi phục dòng tranh ấy, anh đã không ngần ngại tham gia:

“Khi thấy các chuyên gia về làng phục dựng lại các mẫu tranh Kim Hoàng, bản thân tôi cũng muốn góp sức làm sống lại dòng tranh quê hương, đưa văn hoá làng mình hồi sinh trở lại. Gia đình tôi dù không theo nghề, nhưng sống ở đây từ nhỏ, được chứng kiến những bức tranh quý mà các cụ để lại, tôi không muốn một di sản quý giá của làng bị mai một. May mắn gặp được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa, tôi được hỗ trợ học tập, tìm hiểu, nghiên cứu. Việc khôi phục dòng tranh từng một thời là niềm tự hào của người dân Kim Hoàng với tôi vô cùng ý nghĩa”, anh Chung chia sẻ.

Theo nghệ nhân Đào Đình Chung, để đưa được tranh Kim Hoàng từ “hóa thạch” ra thành sản phẩm thương mại, trình diện trước công chúng là cả một quá trình dài cùng công sức không nhỏ của biết bao người. Trải qua chuỗi ngày chật vật, tranh Kim Hoàng đã bắt đầu in dấu lên ký ức người Hà Nội hôm nay.

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ - Ảnh 4.

Bức tranh Thần kê

Những ngày giáp Tết Quý Mão, người tìm đến mua tranh cũng tăng dần về số lượng. Công việc ít người làm nên khá bận rộn, một mình anh phải kiêm tất cả các công đoạn, từ quét màu trên giấy, đem phơi đến pha màu, in tranh. Anh Chung cho biết, tranh được làm phục vụ nhu cầu của khách mùa Tết năm nay không chỉ có các màu truyền thống với sắc đỏ, vàng mà còn phối các khối màu lạ đi để hấp dẫn người chơi tranh.

Ngoài những bức tranh Hoàng Kim quen thuộc như Thần kê, Lợn độc, Tiên nữ cưỡi phụng rồng, Ngựa quy, Ông Phúc, Ông Thọ… Tết Quý Mão năm nay, nghệ nhân cũng Đào Đình Chung cũng mang tới bức tranh mèo – linh vật của năm, hiện đang được bán rất chạy. Theo anh Chung, mèo là loài vật biểu tượng cho sự thịnh vượng, cát tường, may mắn. Bức tranh mèo sẽ giúp người thưởng tranh tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, để trở về với 1 cuộc sống tự tại.

Người kế thừa duy nhất của làng tranh Tết nức tiếng kinh kỳ - Ảnh 5.

Bức tranh Mèo ngắm trăng

Tâm huyết và nặng lòng với dòng tranh quý của làng là vậy. Thế nhưng, nghệ nhân Đào Đình Chung vẫn luôn đau đáu, rằng để hồi sinh được tranh Kim Hoàng về thời kỳ hưng thịnh, nhất thiết cần đến sự chung tay của cộng đồng. Đặc biệt là thế hệ kế cận. Đây được xem là yếu tố quyết định trong toàn bộ quá trình phục dựng dòng tranh quý.

Hơn hết, người nghệ nhân trẻ mong rằng, dịp Tết này và cả nhiều năm về sau nữa, sắc đỏ Kim Hoàng sẽ lại hiện diện trong mỗi gia đình Việt như thời kỳ hoàng kim vốn có. Bởi, đó không chỉ là sắc màu của sự may mắn, mà còn là sắc màu tạo nên sự phong phú cho nền văn hoá truyền thống Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm