Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây.
Người dân gặp áp lực chi phí sinh hoạt tăng
Thường xuyên đi siêu thị để mua sắm những đồ dùng cần thiết cho gia đình, chị Yến sống tại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thay vì mua sắm thoải mái như trước, nay chị chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và có khuyến mãi để có thể tiết kiệm một khoản tiền.
“Trước đây, với thu nhập của hai vợ chồng trên 30 triệu đồng, gia đình tôi có thể chi tiêu thoải mái. Tuy vậy, trong bối cảnh giá cả mọi thứ đều tăng như điện, xăng, tiền học, … thì tôi phải tính toán mua những gì cần thiết thực sự thì mới trang trải đủ”, chị Yến chia sẻ.
Nhìn nhận xu hướng này, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của NielsenIQ Việt Nam cho hay người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn do họ đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, buộc phải cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu.
Tại Việt Nam, người trẻ (18 - 25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46 - 55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết.
Đáng chú ý, trong quý I, có 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm.
Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn. Khoảng 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn do không biết rủi ro gì có thể xảy ra trong tương lai.
Theo bà Hà, người tiêu dùng chi tiêu cẩn trọng hơn vì cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng cho đến một năm nữa.
Đồng thời, người dùng Việt đang có xu hướng mua sắm trực tuyến để tận dụng ưu đãi và có sự so sánh về giá cả giữa các sản phẩm, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp hơn. Đó chính là khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc giữ chân khách hàng.
"Doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng mới nhất để hiểu rõ những gì người tiêu dùng muốn và cần, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và sản phẩm có giá trị thực sự”, bà Hà nêu rõ.
Còn theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh Kantar Việt Nam, thời điểm đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm ít hơn do giãn cách xã hội. Và thói quen này đã hình thành ngay cả khi đại dịch COVID-19 kết thúc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 9,3%).
Mức tăng này đã có sự đóng góp lớn của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành do có sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế vào Việt Nam. Điều này cho thấy, tiêu dùng của người dân đang giảm mạnh.
Báo cáo từ World Bank cũng cho biết trong tháng 5/2024, doanh số bán lẻ tăng 1,1% (so với tháng trước và đã điều chỉnh theo mùa vụ) nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa được cải thiện.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 4/2024 là -0,3% so với tháng trước và đã điều chỉnh theo mùa vụ. Doanh số bán hàng hóa (khoảng 80% tổng doanh số bán lẻ) tháng 5/2024 đạt mức tăng trưởng 1,2%(so với tháng trước và đã điều chỉnh theo mùa vụ), so với mức 0,5% so với tháng trước và đã điều chỉnh theo mùa vụ trong tháng 4.
So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3,3% trong khi tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 8,1% so với cùng kỳ tháng 5/2022, phản ánh cầu tiêu dùng yếu kéo dài.
Bắt kịp thói quen mua sắm mới
"Người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn, với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Trong đó, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường tiêu dùng nhanh và dự kiến sẽ tăng thêm hai điểm thị phần trong 2 năm tới", bà Nga cho biết.
Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu nhất là các thương hiệu nhỏ, tiếp cận nhiều người mua sắm hơn một cách nhanh chóng. Vì vậy, bà Nga cho rằng, các nhà sản xuất cần nắm bắt yếu tố ảnh hưởng chi tiêu theo kênh mua sắm, với từng mục đích khác nhau, người mua lại có những tiêu chí lựa chọn kênh mua sắm khác nhau.
Cụ thể, những vấn đề mà nhà sản xuất cần lưu tâm thứ nhất là tiêu chí thúc đẩy quyết định mua hàng và chi tiêu theo từng nhà bán lẻ, thứ hai là phân khúc sản phẩm đối với nhà sản xuất là quan trọng nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người mua trong quá trình mua hàng.
Song song với đó là tận dụng xu hướng đa kênh để tiếp cận nhiều người mua sắm hơn, bởi người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi. Vì vậy, nhà sản xuất cần một chiến lược bán hàng đa kênh và tạo ra một trải nghiệm mua sắm xuyên suốt để thu hút và giữ chân người mua.
“Ngày nay, với tốc độ hiện đại hóa nông thôn đang dần bắt kịp thành thị nhờ mức thu nhập và chất lượng sống nâng cao, do đó sự du nhập của kênh online mở ra nhiều cơ hội nhà sản xuất tiếp cận với người mua sắm tại nông thôn một cách nhanh chóng”, bà Nga thông tin.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market cho biết, hệ thống siêu thị của đơn vị đã liên tục nâng cấp hệ thống quản trị bán hàng trực tuyến để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm với hàng nghìn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày…
“Thời gian qua, doanh thu kênh bán hàng online đã tăng trưởng từ 2% năm 2000 lên 10% hiện nay”, đại diện MM Mega Market cho hay.
Không chỉ doanh nghiệp lớn, do doanh số bán hàng giảm sút, nên chị Trâm Anh - chủ một chuỗi quần áo thời trang tại Hà Nội có 5 cửa hàng tập trung tại các khu đông dân cư đã quyết định chuyển sang kinh doanh trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và tiết kiệm chi phí.
“Kênh bán hàng truyền thống giảm doanh số mạnh do người dùng cắt giảm chi tiêu. Vì vậy, tôi đã tận dụng những chương trình giảm giá của các sàn thương mại để có giá bán tốt cho người tiêu dùng”, chị Trâm Anh chia sẻ.
Trong báo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho thấy, trong khi nhu cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi, thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Vì vậy, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá, WB cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.