Trong quá trình theo dõi hơn 180 tổ chức toàn cầu về việc cắt giảm số ngày làm việc, bà Juliet Schor, nhà xã hội học và kinh tế học tại Đại học Boston (Mỹ) phát hiện, người lao động khi chuyển sang làm việc 32 giờ mỗi tuần, sẽ dành đến 7,58 tiếng mỗi đêm để ngủ, nhiều hơn gần một tiếng so với khi làm việc 40 giờ. Nói cách khác, nhân viên sẽ dành gần 7/8 tiếng đồng hồ được nghỉ thêm mỗi tuần chỉ để ngủ, thay vì làm việc vặt hoặc đi chơi với bạn bè.
"Tôi không lạ khi mọi người ngủ nhiều hơn một chút, nhưng rất ngạc nhiên về mức độ lan truyền mạnh mẽ của những thay đổi này", bà Schor nói. Thậm chí, tỷ lệ người lao động bị coi là thiếu ngủ (ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm) giảm từ 42,6% xuống 14,5% đối với lịch trình làm việc 4 ngày mỗi tuần.
Cuộc khảo sát của nhà nghiên cứu Schor được tiến hành với 304 công nhân tại 16 công ty (3 ở Mỹ, một Australia, 12 Ireland), tham gia chương trình thử nghiệm kéo dài 6 tháng do tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global điều hành, trong bối cảnh đại dịch khiến các nhà tuyển dụng suy nghĩ lại về cách thức, vị trí và thời gian hoàn thành công việc.
Khái niệm rút ngắn tuần làm việc được quan tâm kể từ khi đại dịch bùng phát. Hình thức này giúp nhiều người lao động có cái nhìn sơ lược về cách thức làm việc linh hoạt nhằm cải thiện cuộc sống cá nhân.
Trong khi các ông chủ khó tính như Elon Musk tại Tesla hay Jamie Dimon của JpMorgan Chase & Co. đang thúc đẩy nhân viên nhanh chóng trở lại lịch trình làm việc trước đại dịch, những người nổi tiếng khác lại tán thành các tuần làm việc ngắn hơn, với mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nhưng không phải tất cả các tổ chức bắt đầu thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày đều thành công. Khoảng 1/5 nhà tuyển dụng đã từ bỏ, hầu hết trong giai đoạn lập kế hoạch. Các giám đốc điều hành nói rằng đang phải đối mặt với thách thức kép khi vượt qua chỉ tiêu 5 ngày của nhân viên và ngành cùng nhiệm vụ khó khăn là loại bỏ công việc không cần thiết, để có được hiệu suất công việc tương tự trong 4 ngày.
Nhưng lý do gì khiến người lao động được nghỉ ngày thứ 6 lại chọn ngủ nhiều hơn hay vì sở thích cá nhân hay đi chơi cùng bạn bè?
Christopher Barnes, giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Michael G. Foster của Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, lịch trình làm việc 4 ngày sẽ giảm bớt những ràng buộc về thời gian nói chung, khi người lao động không phải trả lời email hoặc chạy deadline lúc 10 giờ đêm.
"Chúng ta không chỉ là nhân viên mà còn là các thành viên trong gia đình. Nếu không phân bổ thời gian cho từng vai trò, mọi thứ sẽ chồng chất lên nhau", Barnes cảnh báo.
Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ và giờ làm việc, đặc biệt là những công việc có xu hướng kéo dài nhiều giờ. "Giấc ngủ và công việc cạnh tranh với nhau. Thật không đáng để đánh đổi sức khỏe cho công việc" giáo sư Barnes nói và nhấn mạnh hậu quả của việc ngủ ít bao gồm những hành vi phi đạo đức, mức độ tham gia công việc thấp hơn, ít giúp đỡ đồng nghiệp, xu hướng lãnh đạo lạm dụng và hung hăng hơn.
Dữ liệu sơ bộ của Schor cho thấy những người lao động theo lịch trình 4 ngày mỗi tuần trong nghiên cứu có sự cải thiện về sức khỏe và năng suất. Thậm chí sự hài lòng trong cuộc sống, công việc và gia đình cũng gia tăng. Bà nói rằng những kết quả này có liên quan với thời gian ngủ thêm.
Clete Kushida, giáo sư về y học giấc ngủ tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết việc tăng cường giấc ngủ hàng đêm giúp người lao động nhận thấy tâm trạng được cải thiện, trí nhớ ngắn hạn và sự tập trung được tăng cường. Bên cạnh đó, các kỹ năng điều hành cao hơn, họ ít có xu hướng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
"Ngủ nhiều hơn luôn tốt. Sự cải thiện và hồi phục của mỗi người là khác nhau, những hiệu quả lớn nhất mà giấc ngủ mang như tỉnh táo suốt ngày dài, tăng hiệu suất làm việc là điều không thể phủ nhận", giáo sư Kushida nói.
(Theo Bloomberg)