Khoa học

Ngư dân chế "siêu" tàu chữa cháy

Ngư dân chế 'siêu' tàu chữa cháy- Ảnh 1.

Tàu chữa cháy có hai vòi phun nước mạnh và xa 20m - Ảnh: CHÍ CÔNG

Có chiếc tàu chữa cháy hiệu quả này, ông Trần Tân Thanh (62 tuổi, ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang) không chỉ mất nhiều tiền của mà còn nhiều đêm thức trắng, ăn ngủ không yên để thực hiện. Tuy nhiên, khi thực hiện chữa cháy, ông chỉ giúp người chứ hoàn toàn không lấy của ai đồng nào.

Hãi hùng cảnh tàu cá cháy trên sông

Cù lao Tắc Cậu (huyện Châu Thành) được bao bọc bởi sông Cái Lớn và sông Cái Bé. Sau những chuyến ra khơi trở về, hàng trăm chiếc tàu đánh cá nối đuôi nhau xếp hàng neo đậu dày đặc dọc hai bờ sông làm cho bức tranh làng quê xã Bình An đẹp tựa như tranh.

Trên bến, cảnh ngư dân địa phương lên xuống nước đá, chuẩn bị đồ cho chuyến khơi xa mới hay vận chuyển cá tôm đánh bắt được lên bờ… càng làm cảnh làng quê thêm nhộn nhịp, sinh động.

"Tàu bè neo đậu nhiều lắm và dầu động cơ cũng nhiều dữ lắm nên khi bà con sửa tàu hoặc sạc bình, hút thuốc… sẽ dễ xảy ra cháy", ông Thanh nói.

Tàu cá gặp rủi ro như chìm hoặc va chạm nhau, ông Thanh đã gặp nhiều. Tuy nhiên, cháy tàu cá luôn là cảnh tượng hãi hùng ám ảnh ông cũng như tất cả ngư dân. Năm 2016 trên khúc sông Cái Bé (đoạn gần cầu Cái Bé), ba chiếc tàu cá của người dân địa phương bất ngờ cháy lớn trong đêm.

Do ba chiếc tàu cá cùng cháy một lượt làm sáng rực cả một khúc sông Cái Bé. Người dân phát hiện, la hét hoảng loạn nhưng cũng không có cách cứu chữa. Có người dùng máy bơm nước nhỏ xịt không thấm thía vào đâu. Trong khi đó, hàng trăm tàu cá khác của ngư dân đậu san sát nhau và sẵn sàng cháy lan bất cứ lúc nào.

"Chủ tàu cá khác lúc đó chỉ biết phòng bằng cách không để các tàu cháy trên tấp qua rồi cháy lan sang tàu cá mình thôi. Đợt đó tôi nhớ hai tàu bị cháy hoàn toàn, một tàu bị cháy nhẹ", ông Thanh nhớ lại.

"Tàu cá mà cháy là thua. Phương tiện tiếp cận chữa cháy cũng khó lắm. Tiền đóng tàu 9 - 10 tỉ đồng nên cháy thì bà con coi như mất trắng. Nhẹ nhất tôi thấy sửa lại tàu cá cũng tốn hàng trăm triệu" - ông Dương Tấn Tài, chủ tàu cá ở xã Bình An (huyện Châu Thành), góp lời thêm về nỗi ám ảnh hỏa hoạn của ngư dân.

Ngư dân chế 'siêu' tàu chữa cháy- Ảnh 2.

Ông Thanh lên TP.HCM mua máy móc về làm tàu chữa cháy giúp người - Ảnh: CHÍ CÔNG

Kỳ công sáng chế

Sợ tàu đánh cá bị cháy, các chủ tàu cá đều trang bị bình chữa cháy và máy bơm nước dự phòng. Đặc biệt, riêng ông Thanh quyết định mày mò sáng chế ra tàu chữa cháy vào năm 2017. Thực tế chỉ có tàu chữa cháy mới cơ động và hiệu quả khi hỏa hoạn xảy ra trên sông.

Để thực hiện được công trình quá khó này, ông Thanh phải tính toán cẩn thận như tàu đủ lớn, chạy tốc độ nhanh và đặc biệt là làm sao lực nước phun ra đạt yêu cầu, có thể tác chiến chữa cháy từ xa khoảng 20m.

"Chữa cháy dưới sông không dễ. Tàu tôi chọn phải lớn, không lắc dưới nước. Đi bốn, năm người dưới tàu nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cao. Do đó, tôi mua tàu có chiều dài 15m, tải trọng 15 tấn" - ông Thanh nói xong, dẫn chúng tôi xuống xem "siêu" tàu chữa cháy của mình.

Sau khi có tàu, ông tiếp tục lên TP.HCM tìm mua máy, bình đề, ống nhựa và các vật dụng cần thiết về làm.

Ban đầu ông làm không đạt vì lực nước phun ra không mạnh. Sau nhiều đêm thức trắng, tìm kiếm trên các trang mạng rồi ông Thanh thiết kế lại.

"Tôi cực với chiếc tàu này nhiều lắm. Nếu ai dễ nản chí thì không làm được đâu. Kéo lên kéo xuống sửa mấy lần mới được, tôi mừng hết biết", ông Thanh vui vẻ kể.

Con tàu được ông sơn màu sáng, sạch sẽ, có ba khoang hầm. Trong đó hai khoang phía trước tàu ông thiết kế để dây và vòi nước. Khoang tàu còn lại ông thiết kế để dầu.

Ống lấy nước được ông thiết kế thêm bộ lọc đảm bảo không hút cặn, rác, ni lông, lục bình… để nước phun mạnh đều, không bị nghẹt. Để hoàn thành con tàu chữa cháy này, ông đã tốn rất nhiều tiền, số tiền của ông để dành.

"Có lên bờ xuống ruộng với nó, tôi mới tích hợp tàu vừa chạy trên sông vừa bơm nước chữa cháy. Nước phun ra tôi có thể điều chỉnh theo ý mình. Lực nước phun đạt tối đa 20m nên khi gặp phải cảnh tàu đánh cá cháy lớn thì mình không sợ. Tôi sẽ phun nước mạnh. Tàu chưa tới thì nước tới trước", ông khẳng định.

Chữa cháy tàu bằng cách nào?

Ngư dân chế 'siêu' tàu chữa cháy- Ảnh 3.

Sáng chế tàu chữa cháy hữu ích nên ông Thanh được nhận giấy khen của giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG

Có tàu chữa cháy của ông Thanh, người dân có tàu cá ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) giảm áp lực lo lắng. Bởi lẽ từ năm 2017 đến nay, ông Thanh đã góp sức chữa cháy thành công bảy vụ cháy tàu đánh cá. Các tàu đều được dập lửa sớm, tài sản không bị thiệt hại nhiều.

Làm được điều này, ông Thanh và các thành viên trong gia đình trở thành biệt đội chữa cháy gồm ba người - một người chạy tàu, hai người còn lại cầm vòi nước xịt dập lửa.

Ông Thanh giữ vai trò chủ lực chữa cháy vì ông hiểu khi tàu cháy sẽ xuất phát cháy trong hầm máy. Vị trí cháy trên khó ai tiếp cận được. Để giảm thiệt hại thấp nhất và dập được lửa, ông vừa cho tàu của mình ép tàu cá đang cháy sát bờ để giữ khoảng cách an toàn với các tàu cá khác. Sau đó, ông xịt nước mạnh, có thể nhấn chìm tàu nhanh để dập lửa triệt để mà cứu được tàu.

"Tôi cũng là chủ của nhiều tàu cá. Có được tàu cá quý lắm nên tôi hiểu cảnh cháy tàu đau khổ đến mức nào. Tôi nghĩ đơn giản là làm từ thiện. Hay tin tàu đánh cá cháy dù ban đêm hay ban ngày tôi cũng đều chạy tàu đến ứng cứu. Tôi không lấy một đồng bạc của ai. Chữa cháy xong có anh em đem tiền lại mang ơn nhưng tôi cũng không lấy, chỉ giúp thôi", ông Thanh bộc bạch.

Chữa cháy miễn phí hoàn toàn

Ông Trịnh Thế Đoàn, phó chủ tịch UBND xã Bình An (huyện Châu Thành, Kiên Giang), cho biết ông Thanh có ý tưởng và làm tàu chữa cháy mang lại hiệu quả tốt. Tàu cá của ai không may phát cháy, ông chạy tàu ra chữa liền. Đây là một việc làm ý nghĩa và giúp cho địa phương trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, hỗ trợ kịp thời cho người dân khi chẳng may cháy xảy ra. Ông Thanh làm miễn phí, không lấy tiền của ai.

Trao đi yêu thương

Đi lên từ khó khăn, ông Thanh thấu hiểu được cảnh khổ cảnh nghèo. Khi có của ăn của để, ông trao đi yêu thương, giúp đỡ người yếu thế chẳng may gặp nghịch cảnh trong đời.

"Tôi vận động mua xe cấp cứu cho UBND xã Bình An để vận chuyển bệnh nhân nghèo. Xe còn mới lắm, tôi mua hơn 400 triệu đồng. Tôi làm ăn cũng được, có thu nhập. Tiền tài xế, dầu mỡ các thứ tôi trả và lo hết.

Ở tuổi 62 rồi, tôi giờ chỉ lo làm việc thiện. Đó là việc có ích giúp đời. Gia đình tôi đều ủng hộ. Ai có mong muốn sáng chế tàu chữa cháy cho tàu cá cứ liên hệ tôi, tôi sẽ chỉ hết để giúp bà con", ông Thanh chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm