"Thiên Long Bát Bộ" là một trong những tác phẩm võ hiệp đỉnh cao của nhà văn Kim Dung. Tiểu thuyết này là nơi hội tụ những nhân vật sở hữu võ công cái thế, khiến độc giả say mê tranh luận. Theo trang Sohu, để so sánh thực lực của các cao thủ, chúng ta cần bắt đầu từ nội lực và chiêu thức.
Hãy cùng phân tích và xếp hạng võ công của 5 đại cao thủ trong thế giới kiếm hiệp đầy mê hoặc của Thiên Long Bát Bộ nhé!
Ngũ đại cao thủ có nội lực, chiêu thức mạnh nhất trong Thiên Long Bát Bộ
5. Vô Danh Thần Tăng
Nhiều người lầm tưởng Vô Danh Thần Tăng là nhân vật có nội công thâm hậu nhất trong Thiên Long Bát Bộ, nhưng thực tế võ công của ông chỉ ngang tầm với Trương Tam Phong và Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Kim Dung từng viết trong Ỷ Thiên: "Cửu Dương Thần Công cùng nội công Thiếu Lâm luyện đến cảnh giới cao nhất, có thể nói là bất phân cao thấp". Vô Danh Thần Tăng là đại diện cho Thiếu Lâm Tự, nên nội công tu vi của ông sẽ không thể vượt qua được cảnh giới cao nhất của nội công của môn phái này. Do đó, nội lực của nhân vật này ngang bằng với Trương Vô Kỵ và Trương Tam Phong.
Tuy nhiên, võ công Thiếu Lâm Tự tuy lợi hại nhưng lại không có chiêu thức tuyệt kỹ nào thực sự nổi bật. Những chiêu thức võ công đặc sắc nhất trong các tác phẩm của Kim Dung chưa bao giờ thuộc về Thiếu Lâm. Vì vậy, trình độ chiêu thức của Vô Danh Thần Tăng trong thế giới võ hiệp Kim Dung nói chung và Thiên Long Bát Bộ nói riêng chỉ ở mức trung bình. Nguyên nhân khiến nhân vật này được đánh giá cao là bởi vì ông chưa gặp được đối thủ xứng tầm. Vô Danh Thần Tăng khó gặp được cao thủ thực sự là bởi vì ông sống trong thời đại mà võ học đã suy tàn, giống như lời các hòa thượng Thiên Long Tự từng nói.
4. Cao thủ bí ẩn
Trong Thiên Long Bát Bộ từng xuất hiện một nhân vật bí ẩn - một vị cao tăng thời Tống đã tu luyện thành công 56 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm. Trong lịch sử võ lâm, ngoài vị cao tăng này ra, chưa từng có ai luyện được trên 36 môn tuyệt kỹ. Mỗi môn tuyệt kỹ trong số 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm cần phải khổ luyện hàng chục năm mới có thể thành thạo. Ngay cả Vô Danh Thần Tăng võ công cái thế cũng không thể một lúc tu luyện được nhiều tuyệt kỹ như vậy. Điều này được thể hiện rõ qua việc Vô Danh Thần Tăng từng đề cập đến "vướng mắc võ học", cho thấy ngay cả bản thân ông cũng chưa đạt đến cảnh giới đủ để tu luyện 56 môn tuyệt kỹ Thiếu Lâm trong thời gian ngắn.
Chỉ xét riêng về số lượng tuyệt kỹ đã có thể khẳng định vị cao tăng bí ẩn này có võ công cao hơn hẳn Vô Danh Thần Tăng.
3. Tiêu Dao Tử
Câu "Tiêu Dao Tử đã mang theo Thần thư, nơi đây chỉ còn lại suối Trường Sinh", ám chỉ tổ sư của phái Tiêu Dao chính là Tiêu Dao Tử. Cao thủ này tinh thông mọi thứ trên đời, là sư phụ của Vô Nhai Tử, Lý Thu Thủy và Thiên Sơn Đồng Lão. Như vậy, một mình Tiêu Dao Tử đã sở hữu vô số tuyệt học như: Thiên Trường Địa Cửu Bất Lão Trường Xuân Công, Bắc Minh Thần Công, Lăng Ba Vi Bộ, Sinh Tử Phù, Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, Thiên Sơn Lục Dương Chưởng, Bạch Hồng Chưởng Lực, Tiểu Vô Tướng Công,...
Võ công Thiếu Lâm tuy lợi hại nhưng theo như miêu tả trong Thiên Long Bát Bộ, võ học phái Tiêu Dao còn ở trên cả một bậc. Tiêu Dao Tử sở hữu vô số tuyệt kỹ, võ công tất nhiên không phải là đối thủ mà Vô Danh Thần Tăng và vị cao tăng sở hữu 56 tuyệt kỹ Thiếu Lâm có thể sánh bằng.
2. Hư Trúc
Hư Trúc sau khi hấp thụ 70 năm công lực của Vô Nhai Tử, lại tiếp tục hấp thụ thêm 90 năm công lực của Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy trong hầm băng nước Tây Hạ. Như vậy, nội lực tu vi của Hư Trúc lúc này đã vượt quá 200 năm, cho dù Tiêu Dao Tử có nội công thâm hậu đến đâu, có lẽ cũng không thể nào vượt qua tổng nội lực của ba người đồ đệ.
Hơn nữa, Hư Trúc sau đó còn học được tất cả võ công trên vách đá ở Linh Thứu Cung. Kim Dung miêu tả Hư Trúc sử dụng võ công tùy tâm sở dục, không gì là không thể. Thêm vào đó, trong bản sửa mới, Hư Trúc còn học thêm được Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp của Kiều Phong. Hai môn võ công này, một là chưởng pháp đệ nhất thiên hạ, một là bổng pháp đệ nhất thiên hạ. Xét về nội công hay chiêu thức, Hư Trúc đều không hề thua kém Tiêu Dao Tử.
1. Đoàn Tư Bình
Có người cho rằng người sáng tạo ra Lục Mạch Thần Kiếm chính là vvua khai quốc Đại Lý - Đoàn Tư Bình. Theo sử sách ghi chép, Đoàn Tư Bình là người võ nghệ cao cường, trời sinh thần lực, việc ông sáng tạo ra Lục Mạch Thần Kiếm cũng là điều dễ hiểu. Việc nhân vật này có thể tự mình sáng tạo ra Lục Mạch Thần Kiếm đã đủ chứng minh nội lực của ông không hề thua kém Đoàn Dự. Trong truyện cũng từng nhận xét nội lực của Đoàn Dự là "độc bộ thiên hạ", vậy nênnội lực của Đoàn Tư Bình có lẽ còn vượt trên cả Vô Danh Thần Tăng và Hư Trúc.
Hơn nữa, môn võ công Lục Mạch Thần Kiếm có ba điểm bất khả chiến bại. Thứ nhất, đây là môn kiếm khí vô hình, khiến đối thủ khó lòng phòng bị, gần như lật đổ mọi quy luật võ học truyền thống. Thứ hai, kiếm khí có thể phóng ra, thu hồi, chuyển hướng, tấn công trực diện hoặc từ bên sườn. Đây chính là điểm đáng sợ nhất của Lục Mạch Thần Kiếm. Thứ ba, bởi vì là kiếm khí nên có thể tùy thời tùy lúc biến hóa chiêu thức, muốn phóng thế nào thì phóng, gần như đạt đến cảnh giới vô chiêu.
Ba đặc điểm này đủ để khiến người sáng tạo ra Lục Mạch Thần Kiếm trở thành cao thủ số một trong "Thiên Long Bát Bộ"!
Còn Kiều Phong và Đoàn Dự thì sao?
Võ công của Kiều Phong tuy lợi hại khi giao đấu với các cao thủ ngang hàng trở xuống, nhưng khi gặp phải tuyệt thế cao thủ như Vô Danh Thần Tăng thì lại không còn tác dụng. Còn Đoàn Dự tuy sở hữu nội lực thâm hậu, chiêu thức tinh diệu nhưng lại không biết cách vận dụng, khi đối đầu với cao thủ thực thụ rất dễ bị áp đảo. Do đó, hai nhân vật này không được xếp hạng vào bảng danh sách này là điều dễ hiểu.
Tổng hợp