Rút gọn biểu thuế lũy tiến xuống còn 4 bậc?
Theo Bộ Tài chính, luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được sửa đổi tổng thể trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện các quy định hiện hành, những bất cập trong quá trình thực thi và kinh nghiệm quốc tế. Trong đó, dự án luật được thiết kế lại biểu thuế lũy tiến từng phần. Tại họp báo chiều 2.7 vừa qua, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay gồm 7 bậc sẽ được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng rút gọn, đơn giản hơn. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ nguyên tắc tính thuế, đảm bảo công bằng và dễ áp dụng hơn cho người nộp thuế.

Người dân làm việc ở Chi cục Thuế P.Xuân Hòa (Q.3 cũ), TP.HCM
ẢNH: NHẬT THỊNH
Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, dù là nước có thu nhập trung bình thấp nhưng nhìn vào biểu thuế TNCN ở VN thì các mức thuế suất cao như những nước có thu nhập cao, thậm chí còn cao hơn. Đáng chú ý, các bậc thuế rất sát nhau. Chẳng hạn nhảy từ 5% lên 10%, 15% chỉ cách nhau vài ba triệu đồng mỗi tháng. Như vậy thu nhập chỉ cần cải thiện chút ít là đã rơi vào diện chịu thuế mới. Riêng thuế suất 35% là mức rất cao so với các nước có thu nhập trung bình. Ông cho rằng cần rút gọn biểu thuế lũy tiến từng phần từ 7 bậc xuống còn 4 - 5 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế phải xa hơn. Ví dụ giữa hai bậc cách nhau khoảng 20 triệu đồng như trên 20 triệu đồng - 40 triệu đồng sẽ là bậc 2…
Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - đề xuất rút gọn biểu thuế lũy tiến từng phần xuống còn 4 bậc. Đồng thời giảm thuế suất cao nhất. Cụ thể, bậc 1 nên áp dụng đối với thu nhập tính thuế (là thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh (GTGC), khấu trừ các chi phí…) từ 0 - 20 triệu đồng/tháng với thuế suất 5%; bậc 2 áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 20 - 40 triệu đồng với thuế suất 10%; bậc 3 áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 40 - 80 triệu đồng với thuế suất 20% và bậc 4 áp dụng cho thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng trở lên với thuế suất 30%.
"Việc duy trì thuế suất đầu tiên 5% để những người có thu nhập tính thuế thấp không rơi ngay vào ngưỡng cao. Còn lại không nên duy trì các mức thuế suất dày mà phải giãn ra. Việc giảm thuế suất cao nhất từ 35% xuống còn 30% cũng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của VN vì quy định hiện tại quá cao, không khuyến khích một bộ phận người lao động, cá nhân có tài phấn đấu phát triển hơn", luật sư Trần Xoa chia sẻ.

Người nộp thuế mong thuế thu nhập cá nhân tính đến những chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình đang phải chi trả
ẢNH: NHẬT THỊNH
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, phân tích biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc, vừa phức tạp, vừa không còn phù hợp với mức thu nhập phổ biến hiện nay, đặc biệt ở các đô thị lớn. Do đó, có thể rút xuống ở mức 5 bậc để giữ sự phân hóa hợp lý giữa nhóm thu nhập trung bình, khá và cao. Cụ thể, bậc 1 áp dụng cho thu nhập tính thuế từ 18 - 25 triệu đồng/tháng có thuế suất 5%; bậc 2 từ trên 25 - 80 triệu đồng/tháng có thuế suất từ 10 - 15%; bậc 3 dành cho thu thập tính thuế trên 80 - 200 triệu đồng là thuế suất 20%; bậc 4 áp dụng cho thu nhập trên 200 - 400 triệu đồng có thuế suất từ 25 - 30%; bậc 5 áp dụng cho thu nhập tính thuế trên 400 triệu đồng/tháng với thuế suất 35%. Mục đích là để phù hợp hơn với thực tế chi phí sinh hoạt đã tăng cao, nhất là tại các đô thị lớn, đồng thời góp phần giảm bớt gánh nặng thuế đối với người có thu nhập trung bình và nhóm thu nhập thấp hơn.
Đối với các bậc thuế cao hơn, có thể nghiên cứu khả năng bổ sung một bậc thuế suất cao hơn để áp dụng đối với phần thu nhập rất cao (ví dụ từ 400 triệu đồng/tháng trở lên), với mức thuế suất có thể nằm trong khoảng 35 - 40%. Phương án này có thể giúp giảm bớt gánh nặng thuế và tạo điều kiện thu hút, giữ chân người lao động có trình độ chuyên môn, quản lý, vốn đang ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn, giúp cân đối tốt hơn giữa mục tiêu điều tiết thu nhập và mục tiêu khuyến khích lao động, sáng tạo.
Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng chịu thuế
Một trong những điều người nộp thuế chờ đợi nhất là nâng mức GTGC đã quá lạc hậu. PGS-TS Phạm Thế Anh nhận xét: Hiện mức GTGC cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ tháng 7.2020 đến nay là không đủ trang trải những chi phí từ thuê nhà đến đi lại, sinh hoạt hằng ngày của người dân thành thị. Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức GTGC, song rõ ràng là khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề.
Vì vậy, mức GTGC phải được nâng lên theo nguyên tắc xác định xem có đủ để một cá nhân trang trải cho cuộc sống cơ bản hay không? Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Nhiều tỉnh, thành và các bộ ngành đã đề xuất nâng mức GTGC lên 17 - 18 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế, thậm chí lên 20 triệu đồng/tháng và cơ quan soạn thảo luật có thể dựa trên những đề xuất đó. Song song việc nâng ngưỡng GTGC thì phải chỉ số hóa được quy định điều chỉnh. Lý tưởng nhất là áp dụng theo tỷ lệ lạm phát hằng năm, ví dụ lạm phát tăng 5% thì tương ứng mức GTGC cũng tự động tăng 5%".
Trước đây, góp ý về xây dựng dự án luật Thuế TNCN (thay thế), các bộ Quốc phòng, GTVT (nay là Bộ Xây dựng), Y tế, NN-PTNT (nay là Bộ NN-MT), TT-TT (trước đây)… kiến nghị nên quy định GTGC theo lương tối thiểu vùng. Nhiều chuyên gia tài chính, thuế cũng đồng tình với việc áp dụng GTGC theo lương tối thiểu vùng. Cùng quan điểm, luật sư Trần Xoa giải thích lương tối thiểu vùng đã được Chính phủ xem xét đánh giá tổng thể hằng năm là phù hợp nhất với sự thay đổi của kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân. Lương tối thiểu vùng hiện được chia thành 4 vùng, căn cứ vào tình hình chi tiêu, mức sống của người dân tại các địa bàn khác nhau.
Vì vậy, luật sư Trần Xoa đề xuất nên tính GTGC bằng 4 lần lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, hiện nay lương tối thiểu vùng 1 áp dụng cho nhiều phường, xã ở TP.HCM và Hà Nội là 4,96 triệu đồng/tháng thì GTGC cho người ở các địa phương này sẽ lên gần 20 triệu đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng 3 hiện nay là 3,86 triệu đồng/tháng áp dụng cho nhiều phường của các tỉnh, thành khác từ Hải Phòng, Bắc Ninh đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Lâm Đồng… thì mức GTGC cho người nộp thuế sẽ là gần 15,5 triệu đồng/tháng…
Song song đó, mức GTGC cho người phụ thuộc cũng phải nâng lên bằng 50% GTGC của người nộp thuế để đảm bảo mức sống cho cả gia đình. Khi đó, mức GTGC của người phụ thuộc ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội sẽ lên khoảng 10 triệu đồng/tháng thay vì chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay. Với việc quy định GTGC theo lương tối thiểu vùng thì sẽ bỏ quy định chỉ điều chỉnh GTGC khi chỉ số CPI tăng 20% trở lên.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng đồng tình nên lấy lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định để tính GTGC. Trong bối cảnh đã có nhiều ý kiến đề xuất quy định GTGC cho người nộp thuế bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng thì Bộ Tài chính có thể chọn bằng 4 lần mà sẽ không có ý kiến nào băn khoăn. Bởi khi áp dụng mức GTGC dựa theo mức lương tối thiểu vùng thì Chính phủ không cần phải làm thêm động tác điều chỉnh mức GTGC vì lương tối thiểu vùng hằng năm đều được công bố. Điều này sẽ nhanh gọn và hợp lý, công bằng hơn. Đáng chú ý, khi tính mức GTGC theo lương tối thiểu vùng thay vì quy định một con số cố định như hiện tại thì cũng dễ áp dụng, không phải điều chỉnh thường xuyên.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chưa đảm bảo chi tiêu thiết yếu
ẢNH: NHẬT THỊNH
Nhận cổ tức bằng cổ phiếu phải nộp thuế TNCN
Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất thuế TNCN phải được khấu trừ, kê khai và nộp ngay tại thời điểm nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán, thay vì đợi đến khi bán chứng khoán. Tổ chức phát hành có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế cho cá nhân. Bộ Tài chính cho rằng quy định hiện nay chỉ khi cổ đông bán cổ phiếu mới nộp thuế TNCN (cùng với thuế chuyển nhượng chứng khoán) gây bất cập. Bởi nhiều cá nhân nhận cổ tức, thưởng bằng chứng khoán không có nhu cầu chuyển nhượng cổ phiếu hoặc vốn trong thời gian dài. Dẫn đến là tài sản và thu nhập của các cá nhân, đặc biệt là cổ đông lớn, chiến lược như ban giám đốc, ban kiểm soát tăng lên nhưng chưa đánh thuế kịp thời.
Nếu quy định này được thông qua có nghĩa là nhà đầu tư, cổ đông khi được doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu hay thưởng cổ phiếu phải nộp thuế TNCN ngay lập tức như nhận cổ tức bằng tiền mặt. Dự thảo này khiến nhiều nhà đầu tư tâm tư. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng lý giải của Bộ Tài chính nghe có vẻ hợp lý, công bằng khi so sánh với cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên khi được chia cổ phiếu thì nhà đầu tư lại chưa thật sự thu được lợi ích thì làm sao thu thuế? Đó là chưa kể chắc chắn sẽ không có cổ đông nào nộp tiền mặt cho doanh nghiệp để đóng thuế TNCN khi được chia cổ phiếu. Do đó cần phải xem xét lại hoặc có hướng dẫn chi tiết để các doanh nghiệp thực hiện khấu trừ tại nguồn một cách hợp lý, đơn giản.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, mọi chính sách thuế đều phải hướng đến sự công bằng, minh bạch. Chính sách thuế đối với việc cho, tặng tài sản như bất động sản cũng đều tính ở thời điểm chuyển quyền sở hữu. Vì vậy đối với cổ phiếu thì khi doanh nghiệp chia cổ tức, thưởng cho cổ đông là cũng thực hiện chuyển giao quyền sở hữu nên phải thực hiện kê khai, nộp thuế ngay. Việc để khi nào cổ đông bán cổ phiếu mới thu thuế sẽ phức tạp, khó xác định vì thời gian có khi kéo dài đến vài chục năm.
Vì vậy, sửa đổi của Bộ Tài chính liên quan đến thu thuế TNCN đối với người nhận cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu phải nộp thuế ngay là đúng, phù hợp với các quy định về thuế nói chung. Bộ Tài chính có thể hướng dẫn lựa chọn nguồn tiền để doanh nghiệp khấu trừ tại nguồn. Ví dụ có thể cho cổ đông nộp thuế tiền mặt để doanh nghiệp nộp thay hoặc các doanh nghiệp có thể tính toán khấu trừ chung trên tổng số tiền sẽ chia. Ví dụ khi doanh nghiệp lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với giá trị (hầu hết tính theo mệnh giá) là 1 tỉ đồng cho các cổ đông thì sẽ khấu trừ 5% thuế TNCN, tương ứng số thuế phải nộp cho toàn bộ số cổ phiếu đó là 50 triệu đồng. Như vậy các doanh nghiệp sẽ công bố rõ và chia cho cổ đông thực nhận với số lượng cổ phiếu có tổng giá trị 950 triệu đồng.
Tăng mức GTGC không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước
Việc đánh thuế TNCN phải tính đến những chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình đang phải chi trả, từ đó thiết kế một biểu thuế phù hợp, sát thực tế hơn. Nếu thuế TNCN được thu ở mức vừa phải hợp lý thì người dân sẽ tự nguyện tuân thủ pháp luật tốt hơn. Việc tăng mức GTGC, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Khi đó, nguồn thu từ TNCN có thể không những không giảm mà còn tăng lên nhờ vào việc gia tăng động lực làm việc, khuyến khích đầu tư vào vốn con người, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế TNCN của người dân.
PGS-TS Phạm Thế Anh
Áp dụng ngay mức GTGC khi được thông qua
Có nhiều luật khi được Quốc hội ban hành cũng sẽ áp dụng ngay hoặc chỉ sau thời gian ngắn. Mới nhất luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được thông qua vào ngày 14.6 vừa qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.10 tới, áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025. Đối với việc thay đổi mức GTGC, biểu thuế lũy tiến toàn phần nói riêng và nhiều quy định tại luật Thuế TNCN nói chung đã đề xuất rất nhiều lần trong nhiều năm qua nên cần được áp dụng càng sớm càng tốt. Đây không phải là vấn đề mới hay khó xác định nên không còn nhiều băn khoăn. Chính Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận có nhiều bất cập. Vì vậy sau khi luật Thuế TNCN (thay thế) được thông qua dự kiến vào tháng 10 thì nên áp dụng luôn vào kỳ tính thuế TNCN năm 2025. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, tạo phấn khởi và khuyến khích người làm công ăn lương tiếp tục phát triển, cống hiến.
Luật sư Trần Xoa