Phường Phú Thọ thành lập trên cơ sở sáp nhập phường 11, phường 15 và một phần của phường 8 của quận 11 (cũ). Phường mới có diện tích 1,37 km2 và quy mô dân số 47.094 người. Trụ sở làm việc ở 233 - 235 Lê Đại Hành.
Tên gọi phường Phú Thọ được gọi lại trên bản đồ hành chính không phải là một cái tên mới, mà là sự trở về của một vùng đất đậm dấu ấn văn hoá, thể thao và đô thị của Sài Gòn xưa
Trước năm 1975, quận 11 từng mang nhiều tên gọi: Phú Thọ, Bình Thới, Cầu Tre, Phú Thọ Hòa, sau đó mở rộng thêm các phường như Bình Thạnh, Phú Thạnh. Tuy nhiên, từ năm 1976, toàn bộ phường được tổ chức lại, chia nhỏ theo diện tích và dân số, và bắt đầu đánh theo số thứ tự.
Từ 21 phường xuống còn 10 và đến nay, sau đợt sáp nhập vào ngày 1.7, quận 11 chỉ còn lại 4 phường. Trong đó có phường Phú Thọ, như một lời gợi nhớ về vùng đất từng là trung tâm sôi động bậc nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn.

Phường Phú Thọ sau sáp nhập được thành lập từ phường 11, 15 và một phần phường 8
ĐỒ HỌA: UYỂN NHI
Kỳ vọng mới trên nền đất cũ sáp nhập
Sáng 1.7, trong không khí TP.HCM chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, từ đường Lý Thường Kiệt, chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm những con phố, cư xá, công trình của phường Phú Thọ mới để hòa mình cảm nhận nhịp sống đô thị, con người và văn hóa ở vùng đất này.
Với nhiều thế hệ thị dân Sài Gòn, nhắc đến Phú Thọ là nhớ đến trường đua ngựa một thời từng lớn nhất châu Á. Nơi này là địa điểm tổ chức SEA Games 22 do Việt Nam lần đầu đăng cai năm 2003.

Khuôn viên trường đua ngựa Phú Thọ xưa, từng là trường đua lớn nhất châu Á, nay đang được quy hoạch thành công viên và các công trình công cộng phục vụ người dân
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lật giở cuốn sách Sài Gòn - Chợ Lớn, thể thao và báo chí trước năm 1945 của tác giả Nguyễn Đức Hiệp, trường đua ngựa Phú Thọ được xây dựng từ năm 1932 do Hội đua ngựa Sài Gòn của người Pháp khởi công.
Với vị trí giao thông thuận tiện, đây từng là nơi thu hút hàng vạn lượt người từ Chợ Lớn, Long An, các tỉnh về tụ hội. Nhà văn Hồ Biểu Chánh từng viết: "Khi gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau vô giấy mà đi nườm nượp".

Nhà thi đấu Phú Thọ (phường Phú Thọ, TP.HCM)
ẢNH: UYỂN NHI
Sau năm 1975, trường đua tạm ngưng hoạt động và được phục hồi vào năm 1989 với tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, mang lại nguồn lợi lớn cho TP.HCM. Đến năm 2011, trường đua chính thức ngừng hoạt động, nhường đất cho các công trình thể thao, dân cư mới.
Trong kỳ họp tháng 5.2025, UBND Q.11 (cũ) cho biết đang thực hiện dự án hạ tầng, giao thông tại khu trường đua cũ với tổng vốn hơn 200 tỉ đồng. Theo quy hoạch, nơi đây sẽ hình thành công viên rộng 65.000 m2, trường trung học phổ thông, cùng các công trình văn hóa, thể thao, mảng xanh.., trở thành trung tâm cộng đồng mới cho phường Phú Thọ và khu vực xung quanh.
Thực hiện chủ trương của Trung ương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM có 167 phường, xã và đặc khu Côn Đảo. Các phường, xã sáp nhập mới hoạt động từ ngày 1.7. Cùng với đó, cấp hành chính quận, huyện cũng kết thúc hoạt động.
Báo Thanh Niên điểm lại những phường, xã mới mang tính đặc trưng, biểu tượng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM, những tên gọi đã in sâu vào ký ức nhiều thế hệ thị dân.
Cư xá Lữ Gia, ký ức còn nguyên trên từng ô cửa
Không chỉ là nơi của những dự án đô thị mới, phường Phú Thọ hôm nay còn là sự kế thừa của những khu dân cư truyền thống, mà cư xá Lữ Gia là một trong những dấu tích rõ nét nhất.
Kế bên Nhà thi đấu Phú Thọ, từ đường Lữ Gia, chúng tôi dạo qua những dãy nhà cổ kính thuộc cư xá. Nơi được bao quanh bởi các tuyến đường Lữ Gia, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Nhỏ và Thiên Phước.
Trong ánh nắng chiều muộn, cư xá hiện lên yên bình: những ô cửa sơn xanh, vàng nhạt; những ban công treo đầy cây cảnh; tiếng trẻ con í ới gọi nhau dưới sân. Dường như, ký ức về một thời đã qua vẫn còn đọng lại trong từng ô gạch, từng khoảng sân chung.

Nhịp sống đời thường tại các dãy cư xá cổ kính, nơi quá khứ và hiện tại cùng song hành trong lòng phường Phú Thọ mới
ẢNH: CAO AN BIÊN
Theo tài liệu Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường 15 (quận 11 cũ), giai đoạn 1930 - 2020, cư xá Lữ Gia được xây dựng từ thập niên 1960, một phần dành cho công chức chế độ cũ.
Nơi đây từng là chốn ở của hàng nghìn gia đình binh sĩ, sĩ quan, cảnh sát... như Lâm Văn Thơ, Đỗ Kế Giai, Nguyễn Văn Vệ (chúa đảo Côn Sơn), Lê Văn Ngôn (giám đốc nha cảnh lực), trung tá Đỗ Tấn Đức (trưởng trại giam Chí Hòa)...
Nhưng cũng chính tại cư xá Lữ Gia và chung cư Lý Thường Kiệt, những người dân lao động bình dị vẫn âm thầm tham gia cách mạng.
Tài liệu ghi rằng: "Chính trong cư xá Lữ Gia và chung cư Lý Thường Kiệt lại có những người dân nghèo mua thúng bán bưng, hằng ngày tham gia hoạt động cách mạng. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Diệu Hương, sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng".

Cư xá Lữ Gia, dấu tích đô thị từ thập niên 60, nay là một phần của phường Phú Thọ sau sáp nhập
ẢNH: UYỂN NHI
Phường Phú Thọ sau sáp nhập là sự trở lại của một cái tên gắn với bản sắc. Nơi mà quá khứ chưa bao giờ biến mất, vẫn hiển hiện trong những dãy cư xá cũ, trong công trình thể thao từng sôi động một thời, và trong nhịp sống hiện đại đang chuyển mình trên mảnh đất quen thuộc.