Theo Sina, vào năm 2004, chính quyền địa phương ở quận Cuiping, thành phố Nghi Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã duyệt kế hoạch giải tỏa một cộng đồng dân cư gồm 53 hộ gia đình ở khu vực này để thực hiện dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học, công viên, và một số dự án nhỏ khác. Tất cả đất đai được quốc hữu hóa. Những hộ gia đình trong diện phải di dời cũng nhanh chóng được đền bù và chuyển đi. Chỉ có duy nhất một ngôi nhà với diện tích 150m2 nhất quyết không chịu "nhúc nhích" ngay cả khi khu vực xung quanh cũng đã được phá dỡ và bắt đầu thi công. Cũng vì thế nên nó được đặt tên là "hộ nhà đinh cứng đầu nhất Nghi Tân".
Cụ thể, vào thời điểm đó, khu vực quận có hơn 20 khu dân cư với dân số hơn 80.000 người, để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học, chính quyền thành phố đã quy hoạch một mảnh đất khoảng 40 mẫu đất để xây trường tiểu học. Vị trí ngôi nhà đinh được nói đến sẽ được dùng để xây dựng khuôn viên sân chơi khu D của trường tiểu học mới này.
Trước đây, chính quyền đã nhiều lần đến gặp gia chủ để thương lượng, nhưng họ không muốn ký vào thỏa thuận phá dỡ ngôi nhà, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch chính thức đưa trường tiểu học vào sử dụng vào mùa thu năm 2014. Các công trình chính như lớp học, sân chơi đã hoàn thành toàn bộ, sẵn sàng cho kế hoạch tuyển sinh năm 2015 nhưng vì lý do hộ gia đình nên chưa thể khởi công xây dựng sân thể thao, vui chơi.
Do đó, để kịp tiến độ dự án, chủ đầu tư buộc phải đào quanh nền ngôi nhà này. Sau một năm, ngôi nhà này còn rơi vào tình cảnh không có điện, nước, thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Điều này cũng đã khiến ngôi nhà này trở thành một "ốc đảo" đơn độc, chênh vênh ở độ cao 20m và ở trong tình trạng thiếu điện, nước. Những bức ảnh về ngôi nhà biệt lập này nhanh chóng được lan truyền và trở thành chủ đề được mọi người bàn tán sôi nổi.
Đến năm 2015, ngôi nhà này vẫn sừng sững ở đó. Tuy nhiên, do không có đường đi nên hàng ngày, các thành viên trong nhà chỉ có thể leo lên, leo xuống vách đá cao hàng chục mét để ra ngoài.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao gia chủ lại cố chấp không chịu di dời?
Theo Sina, lý do chủ nhân của căn nhà này không chuyển đi thực ra rất đơn giản, đó là bởi vì căn nhà có giấy chứng nhận bất động sản, nhưng chỉ có ngôi nhà được xây dựng trên mảng đất 150m2 là hợp pháp, còn 900m2 đất còn lại là sử dụng trái phép. Gia chủ cho rằng phần đất xây dựng trái phép cũng phải được bồi thường theo tiêu chuẩn của phần đất hợp pháp.
Yêu cầu này vượt ra ngoài phạm vi chính sách nên không được Trung tâm thu hồi đất đai quận Cuiping đáp ứng. Hai bên nhiều lần thương lượng nhưng không tìm thấy tiếng nói chung nên ngôi nhà vẫn ở đấy, và trở thành một "hòn đảo" bị cô lập trong nhiều năm. Sau đó, tiểu khu Zhaochang và Trung tâm thu hồi đất của quận Cuiping đã nộp đơn yêu cầu tư pháp di dời ngôi nhà sau nhiều lần đàm phán thất bại.
Tuyên bố chính thức nêu rõ rằng vào ngày 16 tháng 10 năm 2014, Cục Tài nguyên và Đất đai thành phố Nghi Tân đã ban hành quyết định hành chính yêu cầu hộ gia đình bàn giao đất bị thu hồi trong thời hạn. Vào ngày 12 tháng 11 năm 2014, con gái của chủ hộ đã nộp đơn xin xem xét lại quyết định trên. Vào ngày 12 tháng 1 năm 2015, chính quyền thành phố Nghi Tân đã xem xét lại và vẫn giữ nguyên quyết định hành chính của Cục Đất đai và Tài nguyên thành phố.
Vào ngày 27 tháng 1 năm 2015, hộ gia đình đã đệ đơn kiện hành chính lên Tòa án quận Cuiping. Sau đó, tòa án đã tổ chức hai phiên tòa xét xử và một lần hòa giải cho cả 2 bên. Cuối cùng trong phiên hòa giải, cả hai bên đã có sự đồng thuận về khoản bồi thường. Dù không có thông tin cụ thể về việc đền bù nhưng gia chủ sau đó cũng đã chịu chuyển đi. Hiện mảnh đất nơi ngôi nhà đinh này từng tọa lạc đã trở thành một phần của trường tiểu học của quận.
(Theo Sina)