Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có đề tài nghiên cứu sinh y khoa của một trường đại học trong nước được công bố trên The Lancet.
Công trình của một trong số tác giả trẻ nhất công bố trên The Lancet
Bài báo khoa học có tên "Livebirth rate after one frozen embryo transfer in ovulatory women starting with natural, modified natural, or artificial endometrial preparation in Viet Nam: an open-label randomised controlled trial" của BS Hồ Ngọc Anh Vũ (tác giả chính), cùng các cộng sự ở Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM), vừa được công bố sáng 27-6, trên tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The Lancet.
BS Hồ Ngọc Anh Vũ hiện là trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức, nghiên cứu sinh Trường đại học Y Dược TP.HCM (năm 2020), sinh năm 1990. Đây là một trong những tác giả trẻ nhất đứng tên tác giả đầu của một công trình nghiên cứu (orginal study) đăng trên The Lancet.
Công trình khoa học vừa được công bố này cũng chính là đề tài nghiên cứu sinh của BS Hồ Ngọc Anh Vũ, người hướng dẫn là PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, trưởng khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM. Hiện nghiên cứu sinh chuẩn bị trình luận án tiến sĩ cho hội đồng.
Đồng tác giả của bài báo, gồm: ThS Phạm Dương Toàn, BS Nguyễn Thành Nam, TS Rui Wang, GS Robert Norman, GS Ben Mol, BS Hồ Mạnh Tường và PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan.
Công trình khoa học giá trị về kỹ thuật và phác đồ quan trọng của thụ tinh trong ống nghiệm
Theo BS Hồ Mạnh Tường, đây là công trình khoa học so sánh các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung để cá thể hóa quá trình điều trị, hỗ trợ thêm nhiều căn cứ giúp lựa chọn phác đồ phù hợp nhất nhằm nâng cao tỉ lệ thành công cho từng cặp vợ chồng hiếm muộn.
Điều trị chuyển phôi trữ lạnh đã trở nên phổ biến hơn trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với việc số chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh ngày càng tăng nhanh. Trong quy trình điều trị này, việc chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng nhất nhằm đảm bảo cho sự đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung.
Việc chuẩn bị nội mạc tử cung giống như là xây dựng một chiếc tổ ấm cho phôi, trước khi phôi được chuyển vào bên trong tử cung. Với một môi trường tốt, phôi có thể phát triển khỏe mạnh hơn, cơ hội đậu thai cũng có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một thể trạng khác nhau. Việc sử dụng một phác đồ duy nhất sẽ không thật sự phù hợp cho tất cả bệnh nhân.
Dù phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đã, đang và sẽ được áp dụng rất nhiều trên thế giới, nhưng bằng chứng khoa học về hiệu quả của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung hiện nay lại rất ít.
Vì vậy, công trình khoa học so sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới của Bệnh viện Mỹ Đức sẽ hỗ trợ cho các bác sĩ có thêm nhiều chứng cứ khoa học giúp đưa ra lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân, nhằm tối ưu kết quả điều trị.
"Công trình khoa học này là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên thế giới được tiến hành với cỡ mẫu lớn 1.428 bệnh nhân, thiết kế chặt chẽ, đầy đủ các vấn đề liên quan mật thiết đến hiệu quả - tính an toàn của ba phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung thường được sử dụng nhất hiện nay trong thực hành lâm sàng.
Đây cũng là công trình khoa học đầu tiên có tiến hành phân tích giữa kỳ và được sự đánh giá của hội đồng phân tích dữ liệu quốc tế độc lập bao gồm các GS Lyle Gurrin, Jim Thorton và Ernest Ng đến từ Anh, Úc và Hong Kong.
Việc làm này đảm bảo các dữ liệu nghiên cứu luôn được giám sát và đánh giá khách quan, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân, cũng như tăng tính khoa học và độ tin cậy của nghiên cứu", BS Tường cho biết thêm.
3 công trình đã được công bố trên 2 tạp chí y khoa hàng đầu thế giới
Đây là lần thứ 2, một công trình khoa học giá trị của Bệnh viện Mỹ Đức nói riêng và y khoa Việt Nam nói chung xuất hiện trên tập san y khoa danh giá nhất thế giới hiện nay, The Lancet.
Năm 2021, bái báo "So sánh hiệu quả 2 kỹ thuật tạo phôi IVF và ICSI" của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Mỹ Đức cũng được đăng trên The Lancet.
The Lancet được xem là tạp chí y khoa hàng đầu trên thế giới hiện nay, phản ánh và thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực y khoa toàn cầu. Với hơn 200 năm lịch sử từ năm 1823, The Lancet đã xuất bản nhiều bài báo đánh giá và nghiên cứu chất lượng cao trong các lĩnh vực như lâm sàng, y học cộng đồng, y tế công cộng và nghiên cứu cơ bản của các nhóm nghiên cứu và trường đại học nổi tiếng thế giới.
Tạp chí này được coi là một trong những nguồn thông tin uy tín và tiên tiến nhất trong cộng đồng y học và khoa học y tế toàn cầu, với chỉ số ảnh hưởng khoa học (impact factor) hiện tại là cao nhất trên thế giới. Chính vì vậy, các yêu cầu của tạp chí này là rất nghiêm ngặt với tiêu chuẩn rất cao, The Lancet chỉ chấp nhận đăng những công trình nghiên cứu chất lượng với phẩm chất khoa học vượt trội.
Trước đó, bài báo khoa học có tên "IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries" của TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (tác giả chính), cùng các cộng sự ở Bệnh viện Mỹ Đức và GS Ben Mol, GS Robert Normal ở ĐH Adelaide (Úc) đã được công bố ngày 11-1-2018, trên tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine. Bài báo có chỉ số Impact factor 72,406.
TS.BS Vương Thị Ngọc Lan đã được Trường ĐH Y Dược TP.HCM thưởng với mức thưởng kỷ lục gần 300 triệu đồng do có bài báo này.