Theo nghiên cứu mới đây, giảm cân có thể giúp đàn ông tăng gấp đôi số lượng tinh trùng - Ảnh minh họa: medicaltransformationcenter.com
Giáo sư Signe Torekov, khoa Khoa học Y sinh Đại học Copenhagen, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Thật ngạc nhiên đối với chúng tôi, khi sự cải thiện chất lượng tinh dịch liên quan đến việc giảm cân. Có 18% người Đan Mạch bị béo phì, nghiên cứu mới này thực sự là tin tốt cho khả năng sinh sản của họ".
Nghiên cứu đã được công bố trên Human Reproduction, tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực sinh sản.
Theo giải thích của bà Signe Torekov, từ lâu người ta đã biết béo phì có liên quan đến việc giảm chất lượng tinh dịch. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy mối liên hệ giữa giảm cân và tăng chất lượng tinh dịch, nhưng những nghiên cứu này có quá ít người tham gia hoặc giảm cân quá khiêm tốn nên rất khó để đưa ra kết luận.
"Đây là nghiên cứu ngẫu nhiên dài hạn đầu tiên, nơi chúng tôi đã chỉ ra rằng chất lượng tinh dịch ở nam giới bị béo phì được cải thiện khi giảm cân bền vững", bà Torekov cho biết.
Qua thời gian thực nghiệm, những người đàn ông giảm trung bình 16,5kg đã tăng 50% nồng độ tinh trùng và 40% số lượng tinh trùng trong 8 tuần kể từ khi giảm cân. Chất lượng tinh dịch của họ tiếp tục được cải thiện trong 52 tuần sau khi giảm cân.
Nếu duy trì được việc giảm cân sau 1 năm, số lượng tinh trùng của họ nhiều gấp đôi so với trước khi giảm cân.
Giảm cân giúp cải thiện chất lượng tinh dịch - Ảnh minh họa: REUTERS
Từ kết quả nghiên cứu này, các chuyên gia sức khỏe sinh sản và hiếm muộn khuyến nghị nam giới thừa cân, béo phì nên giảm cân để vừa tăng cường sức khỏe, vừa tăng đáng kể số lượng "tinh binh". Đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, nếu chồng có thừa cân, béo phì, thì giảm cân có thể là một phương pháp điều trị.
Nghiên cứu này nằm trong một nghiên cứu lớn về giảm cân. Tổng cộng có 215 người Đan Mạch bị béo phì đã tham gia vào nghiên cứu.
Trong thử nghiệm, tất cả những người tham gia tuân theo chế độ ăn ít calo trong 8 tuần để giảm cân. Họ được chia ngẫu nhiên thành bốn nhóm: hai nhóm được dùng thuốc giả dược, trong khi hai nhóm còn lại được dùng thuốc điều trị béo phì và tập thể dục.
Sau một năm, kết quả cho thấy nhóm chỉ tập thể dục và không dùng thuốc, cũng như nhóm chỉ dùng thuốc điều trị béo phì và không tập thể dục, đã duy trì được mức giảm cân là 13 kg.
Nhóm dùng giả dược - những người nghĩ rằng họ đã được cho uống thuốc và không tập thể dục - đã giảm cân rất ít nhưng lại tăng thêm nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.