Sau những “lùm xùm” của ngành đăng kiểm bùng lên, nhất là cảnh ùn tắc từ sáng đến tối tại các trung tâm đăng kiểm trong cả nước, nhiều người dân, chuyên gia đã phân tích và cho thấy sự bất cập của quá trình đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất.
Trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam trên đường Phạm Hùng
Bên cạnh đó, đăng kiểm phương tiện thủy đóng mới bằng vật liệu PPC (polypropylen copolyme) với tàu chở khách, ca nô các loại… đang gặp khó khăn trong vấn đề đăng kiểm và cần được sớm tháo gỡ.
Ô tô mới xuất xưởng, tiêu chuẩn Mỹ, EU vẫn phải kiểm định lần đầu
Cụ thể, theo quy định về đăng kiểm, với các phương tiện mới bắt đầu sử dụng thời hạn đăng kiểm là 30 tháng với xe biển trắng và 18 tháng với xe biển vàng. Ở các chu kỳ đăng kiểm tiếp theo, thời gian cũng có sự chênh lệch. Tuy nhiên, theo nhiều người dân và chuyên gia, việc đăng kiểm với xe bắt đầu sử dụng là không cần thiết bởi việc này luôn luôn được chấp nhận.
Anh Vũ Nam Chung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, xe ô tô nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường. Do vậy Cục Đăng kiểm Việt Nam cần xem xét để miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu.
“Việc miễn đăng kiểm lần đầu với ôtô mới xuất xưởng sẽ giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân. Thay vào đó, tập trung xử lý các phương tiện cũ nát, cơi nới thành thùng và phải làm thật nghiêm để khi ra ngoài đường bớt phải lo về tình trạng xe “hết đát” tham gia giao thông gây tai nạn”, anh Chung nói.
Cùng quan điển, anh Dương Anh Toàn, chủ một gara ô tô ở Long Biên, Hà Nội cũng đồng tình về việc nên xem xét bỏ đăng kiểm với ô tô mới xuất xưởng.
"Việc đăng kiểm với xe mới là không cần thiết, bởi trước khi xuất xưởng và được bàn giao tới khách hàng, xe đã trải qua các đợt kiểm tra của nhà sản xuất và đạt tiêu chuẩn an toàn. Nhà máy của các tập đoàn xe hơi lớn trên thế giới họ có quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt rồi thì không có cớ gì lại đưa đi đăng kiểm cho mất thời gian", anh Toàn cho hay.
Các xe mới xuất xưởng, đạt các tiêu chuẩn khắt khe của nhà sản xuất và tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu những vẫn phải làm đăng kiểm để được phép đi lại
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc cứ 6-12 tháng lại phải đưa xe đi đăng kiểm 1 lần như hiện nay cũng khá bất cập cho những xe đi ít. Vì nhiều người có xe nhưng cả năm chỉ đi loanh quanh, xe nằm trong hầm, bãi gửi xe là chính.
Anh Nguyễn Ngọc Đức (Đống Đa, Hà Nội) mong muốn ngành đăng kiểm và Bộ GTVT cần có những thay đổi phù hợp, đặc biệt là đối với ô tô không kinh doanh. Điển hình là việc kéo dài thời gian đăng kiểm chứ mới 6 tháng hoặc 1 năm thì quá ngắn, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian.
“Nên có cách đăng kiểm bằng cách tính thêm trên số km mà xe di chuyển, ví dụ như 100.000km với xe con, 50.000km với xe tải, để những xe đi ít thì có khi phải 2 năm mới phải đi đăng ký 1 lần thay vì 12 tháng với 6 tháng như hiện nay. Các cơ quan chức năng nên họp bàn về đăng kiểm, giảm cường độ đăng kiểm lại và đi vào thực chất hơn”, anh Đức kiến nghị.
Doanh nghiệp đóng tàu hơn 10 năm kêu cứu vì đăng kiểm bất cập
Trong lĩnh vực đăng kiểm đường thủy cũng đang “kẹt” ở nhiều chỗ. Trong đó có các loại phương tiện đóng mới bằng vật liệu PPC (polypropylen copolyme).
Cụ thể, từ năm 2012, Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc đã phải bước vào một chặng đường gian truân để đi đòi sự công bằng cho những chiếc tàu đóng bằng vật liệu PPC. Gần 11 năm qua, doanh nghiệp này gõ cửa khắp các cơ quan quản lý liên quan để có những phản hồi về những bất cập mà cơ quan Đăng kiểm Việt Nam đang áp dụng nhưng đều bị Cục Đăng kiểm bỏ ngoài tai.
Đây là chiếc tàu Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc đóng cho khách hàng Quảng Ninh, tính toán thiết kế sức chở 30 người nhưng giờ chỉ đăng kiểm được 12 người
PPC là một loại nhựa nhiệt (thermoplastic) nhập khẩu từ nước ngoài và trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước, Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng PPC trong chế tạo phương tiện thủy để sử dụng thử nghiệm, đồng thời Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn quốc gia áp dụng đối với các phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.
Tháng 6 năm 2015, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lên tiếng trước Quốc hội và được Bộ trưởng GTVT trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo tháo gỡ thì con tàu PPC mới được đăng kiểm để đưa vào sử dụng. Nhưng chỉ 1 năm sau thì Cục đăng kiểm lại tham mưu cho Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn giới hạn sức chở của phương tiện đóng bằng vật liệu PPC có sức chở không quá 12 người bất kể phương tiện to hay nhỏ. Một lần nữa cơ quan đăng kiểm đẩy doanh nghiệp vào nơi khốn khó khi hàng loạt hợp đồng đóng tàu cho khách hàng với sức chở trên 12 người đã không thể bàn giao.
Doanh nghiệp tiếp tục kêu đến Quốc hội và năm 2017, Chủ tịch Quốc hội khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trả lời việc doanh nghiệp (DN) đóng tàu thuyền vật liệu PPC “kêu cứu” về vấn đề đăng kiểm.
Ngay sau đó, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm ủy ban dẫn đầu làm việc, khảo sát tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc (Bà Rịa- Vũng Tàu) để trả lời những thắc mắc của chuyên gia và DN trong vấn đề đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC. Sau đó, sự việc cũng bị rơi vào quên lãng.
Theo ông Vũ Văn Đảo-Giám đốc Công ty Việt Séc, Tàu thuyền vật liệu PPC đã có chứng nhận hợp chuẩn CE của Cslloyd cấp cho 5 mẫu cano do Công ty Việt Séc đóng năm 2013 nhưng không được Cục đăng kiểm Việt Nam công nhận. Trong khi Cục đăng kiểm Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Cslloyd để đăng kiểm tàu cho Việt Séc nhưng sau đó Cục đăng kiểm Việt Nam đã phủ nhận thỏa thuận này.
Trong lĩnh vực đăng kiểm đường thủy cũng đang “kẹt” ở nhiều chỗ, trong đó có các loại phương tiện đóng mới bằng vật liệu PPC (polypropylen copolyme)
Trong khi Công ty Việt Séc đã phải trả khá nhiều chi phí cho tổ chức đăng kiểm Cslloyd để người của họ từ Czech qua kiểm tra công nhận hợp chuẩn CE và cấp chứng chỉ cho từng mẫu tàu.
“Bất cứ vật liệu nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là người thiết kế, sản xuất tàu phải biết tận dụng ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của vật liệu. Không vì một sự cố của hai chiếc tàu Ferry42 và Ferry 56 (đến nay cũng chưa có kết luận nào cho rằng do vật liệu PPC gây ra) mà dừng không cho DN phát triển tàu thuyền có sức chở lớn hơn.
Trước khi Thông tư 43 ra đời, Cục đăng kiểm Việt Nam cũng không có bất kỳ cảnh báo nào về việc sẽ “giới hạn sức chở dưới 12 người” mà chỉ có các lưu ý chung chung về nhược điểm của vật liệu PPC khiến DN tiếp tục ký kết hợp đồng với khách hàng và cho “ra lò” hàng loạt sản phẩm mới. Sự thiếu nhất quán của VR trong việc “cấp” rồi lại “giới hạn” đó khiến DN thiệt hại nhiều tỷ động và có nguy cơ phá sản”, ông Đảo bức xúc.
Câu chuyện về đăng kiểm tàu vật liệu PPC treo “lơ lửng” nhiều năm qua chưa có hồi kết. Cơ quan quản lý về đăng kiểm thì thờ ơ như không có chuyện gì, còn doanh nghiệp thì đứng ngồi không yên, thiệt đơn thiệt kép.
Mới đây, trả lời báo chí, Chủ tịch Vietyacht (công ty phân phối độc quyền du thuyền ở Việt Nam) Nguyễn Đức Thuận mong muốn Chính phủ sẽ sớm có những chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du thuyền, trong đó có những chính sách tương đồng với các nước như chấp nhận chứng nhận CE (Conformité Européenne, Chứng nhận CE chỉ ra rằng các sản phẩm đã tuân theo pháp luật của Liên minh Châu Âu và các sản phẩm đó được phép lưu hành tại thị trường Châu Âu) để du thuyền nhập mới về Việt Nam không phải làm đăng kiểm như các phương tiện đóng mới khác; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và thuế VAT…và tránh bị làm khó dễ khi đưa du thuyền, ca nô đi đăng kiểm như hiện nay.
Trong bài 2, VOV.VN sẽ đề cập đến hàng loạt bất cập hiện nay: Nghịch lý đăng kiểm: Một “thế giới” riêng, vì đâu nên nỗi?