Sau nhiều thập kỷ ngụy tạo và che đậy dấu vết, chỉ một phút bất cẩn mà vợ chồng người Đức Wolfgang Beltracchi và Helene Beltracchi đã tự phơi bày hành vi giả mạo của mình ra ánh sáng.
Năm 2011, sau hơn 30 năm kinh doanh, Wolfgang và Helene lần lượt bị kết án 6 và 4 năm tù mặc dù cả hai đều được trả tự do sớm. Họ cũng được yêu cầu bồi thường thiệt hại 35 triệu euro (38 triệu USD).
Cặp đôi cùng với hai cộng sự khác đã bị kết tội giả mạo 14 tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên con số thực tế lên tới khoảng 300 tác phẩm, trong số đó nhiều tác phẩm chưa từng được xác định danh tính rõ ràng.
Chân dung cặp đôi lừa đảo
Trong khi vẽ bức tranh “Red Picture with Horses”, được coi là giả mạo tác phẩm của nghệ sĩ Heinrich Campendonk năm 1914, do hết kẽm để tạo ra màu sơn trắng, Wolfgang đã mua bột kẽm từ một nhà sản xuất tại Hà Lan mà không biết nó chứa titan.
Một năm sau, bức tranh đã được bán đấu giá với mức giá kỷ lục 2,8 triệu euro (tương đương 3,6 triệu USD). Sự việc sau đó đã gây tranh cãi và bức tranh bị mang ra phân tích, “mổ xẻ”. Kết quả cho thấy dấu vết của titan - chất tạo màu được sử dụng từ những năm 1920, trong khi đó tác phẩm gốc được tạo ra vào khoảng năm 1914.
Giả mạo tranh vì “đam mê”
Phát hiện về bức tranh “Red Picture with Horses” đã lật tẩy chiêu trò lừa đảo của vợ chồng Beltracchi. Bằng một cách kỳ diệu, các bức tranh giả tìm được cách luồn lách vào các buổi đấu giá. Một số chuyên gia thẩm định nghệ thuật còn cáo buộc vợ chồng Beltracchi đã mua chuộc họ với số tiền lớn để đổi lấy sự im lặng.
Tất nhiên, Wolfgang cũng rất tinh vi. Thay vì giả mạo tranh hiện có, Wolfgang đã bắt chước phong cách của các nghệ sĩ châu Âu quá cố như Max Ernst, Fernand Léger, Kees van Dongen và André Derain rồi tự vẽ một tác phẩm mới dựa trên phong cách đã học được. Sau đó, vợ ông bán lại chúng mà không có giấy tờ đi kèm.
Một người phụ nữ đang xem tác phẩm giả mạo "Zwei rote Pferde in der Landschaft" mà Wolfgang Beltracchi đã tạo ra theo phong cách của nghệ sĩ Heinrich Campendonk. Bức ảnh trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Moritzburg ở Halle, Đức, vào năm 2014.
Cặp vợ chồng đã mua khung và tranh sơn dầu cũ ở chợ trời, sử dụng máy ảnh của những năm 1920 để chụp bức tranh sao cho trông có phần “cũ kĩ”. Các bức tranh thường được đặt theo tên các tác phẩm bị thất lạc của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Do đó, người mua không mảy may nghi ngờ về nguồn gốc của các bức tranh này. Trong phiên tòa xét xử vợ chồng Beltracchi, chủ tọa phiên tòa cho biết vụ lừa đảo đã được tổ chức “với độ chính xác và tinh vi đáng kinh ngạc”.
Trong một cuốn sách xuất bản gần đây, nhà phân tâm học Jeannette Fischer đã tìm hiểu động cơ, quá trình phát triển nghệ thuật cũng như lịch sử gia đình ảnh hưởng đến quyết định thực hiện kế hoạch giả mạo của cặp vợ chồng Beltracchi. Đối với Wolfgang, giả mạo là một loại hình nghệ thuật sáng tạo và giả mạo đã trở thành một trò chơi, chứ không chỉ đơn thuần để kiếm tiền.
Wolfgang nói với Jeannette: "Chúng tôi thành công nhờ bán những bức tranh và trở nên giàu có. Chúng tôi thích việc này vì đam mê tìm tòi và nghiên cứu về các tác phẩm. Giả mạo chỉ là một việc rất ngẫu nhiên”.
Cặp đôi đã đi đến các địa điểm mà họa sĩ vẽ tranh và xem các tác phẩm gốc trong bảo tàng trên khắp thế giới. Họ cũng đắm mình vào bức thư và nhật ký của các nghệ sĩ, cảm nhận tinh hoa xung quanh tác phẩm.
“Họ hiểu rất rõ về các nghệ sĩ. Tôi nghĩ đây là một phần trong sự sáng tạo của Wolfgang. Hắn phải biết rất nhiều thứ trước khi bắt đầu vẽ, và hắn có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật diễn ra theo tiến trình sự nghiệp của các nghệ sĩ” - Jeannette nói.
Tác phẩm của Wolfgang Beltracchi được chụp tại một tòa án ở Cologne, Đức vào năm 2011
Phát biểu với hãng tin Đức Der Spiegel vào năm 2012, Wolfgang cho biết ông nắm vững phong cách của khoảng 50 cố nghệ sĩ. Jeannette tin rằng quá trình tự thực hành đã giúp Wolfgang đắm mình hoàn toàn vào thế giới của các nghệ sĩ.
Wolfgang từng mô tả cảm giác rất gần gũi với họa sĩ thế kỷ 17 Hendrick Avercamp như thể Hendrick là anh trai của mình. Chính Jeannette Fischer cũng tin rằng Wolfgang sở hữu khả năng đồng cảm vượt trội, vốn là một “đức tính” quan trọng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ bởi vậy mà tranh Wolfgang qua mặt được các nghệ sĩ nổi tiếng và chuyên gia.
Jeannette còn khám phá ra quá trình lớn lên của Wolfgang có thể ảnh hưởng đến quyết định trở thành “bậc thầy giả tranh”. Cha của Wolfgang cũng là một nghệ sĩ và từng đảm nhận việc khôi phục lại bức tranh tường của nhà thờ.
Wolfgang phát triển kỹ năng sao chép tranh khi giúp cha làm việc. Nhờ hoàn cảnh nuôi dưỡng, cộng với khả năng thiên bẩm sẵn có, Wolfgang đã sớm mài sắc kỹ năng sao chép tranh, và tay nghệ sĩ này đã đủ sức sao chép một bức tranh của Picasso vào năm 12 tuổi.
Nhưng tại sao một người tài năng như Wolfgang không muốn tạo ra tác phẩm của riêng mình mà chọn sống dưới nhiều danh tính khác nhau? Jeannette, nhờ kiến thức về phân tâm học đã kết luận: Wolfgang bị ảnh hưởng bởi tâm lý “tội lỗi của người sống sót” (survivor's guilt).
Theo đó, cha mẹ gã đàn ông từng trải qua rất nhiều đau đớn trong Thế chiến thứ hai, một số đứa trẻ lớn lên sẽ cảm thấy việc tận hưởng cuộc sống là không xứng đáng với sự đau khổ cha mẹ đã phải gánh chịu. Bằng cách giả danh tính của nghệ sĩ đã khuất và giả cả chữ ký, Wolfgang có thể phần nào vơi bớt gánh nặng tình cảm này.
Cái giá phải trả
Hành động của vợ chồng Beltracchi đã khiến nhiều chuyên gia bị tổn hại danh tiếng. Một nhà sử học đã đòi bồi thường thiệt hại sau khi anh ta xác thực nhầm một tác phẩm giả mạo là tác phẩm của Max Ernst. Các nhà đấu giá cũng bị lừa, thậm chí họ còn đưa hàng giả lên trang bìa của danh mục bán hàng buổi tối.
Nhưng vợ chồng nhà này tự nhận định tội ác của họ không gây hại đến bất kỳ nạn nhân nào, Wolfgang chỉ tạo ra những bức tranh mà mình thấy là đẹp, và những người sở hữu tranh cũng như thị trường nghệ thuật thu được lợi nhuận từ chúng.
"Mọi người đều trở nên tham lam vì vụ mua bán, và ai cũng kiếm lời từ nó, các chuyên gia, nhà đấu giá, kể cả chúng tôi. Mọi người đều vui vẻ. Nếu vụ việc không bị bại lộ, tất cả vẫn sẽ tiếp tục tận hưởng thành quả”, Wolfgang nói.
Khi sự việc vỡ lở, vợ chồng Beltracchi phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện dân sự phức tạp, tốn kém. Ngoài các khoản bồi thường thiệt hại do tòa án áp đặt, cặp đôi phải giải quyết các vụ kiện trị giá 27 triệu USD.
Kể từ khi được thả, Wolfgang đã tạo ra tác phẩm tranh của chính mình trong khi vẫn tiếp tục thu lợi nhuận từ câu chuyện của bản thân. Wolfgang cũng thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện diễn thuyết và phát hành một loạt series có tựa đề "The Greats" vào năm 2021, trong đó anh mô phỏng lại bức tranh "Salvador Mundi" của Leonardo da Vinci theo phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng bao gồm Andy Warhol và Vincent van Gogh.
“Bậc thầy giả mạo” cho biết gã không hề hối tiếc về những việc mình đã làm, hiện Wolfgang còn tìm ra những cách mới để kiếm lời từ quá khứ của bản thân.