Kỹ năng sống

Nghỉ việc trước Tết, vì sao họ phải chọn thời điểm "không khôn ngoan" này?

Đối với người đi làm, cuối năm không phải là thời điểm tốt để nghỉ việc, không có tiền thưởng cuối năm, tìm được công việc tiếp theo một cách nhanh chóng cũng không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, một số bạn trẻ vẫn lựa chọn nghỉ việc vào thời điểm "không khôn ngoan" này. Vì sao vậy?

Không mang máy tính khi đi nghỉ mát nên phải ngồi quán internet thâu đêm để trả deadline

Đêm trước khi nghỉ việc, tôi có một giấc mơ. Trong giấc mơ, một cô gái nói với tôi với giọng trách mắng: "Không thể ngờ được là cậu lại sống như vậy lâu tới như thế…". Nói xong, cô ấy quay người đi ăn uống với hai người bạn, còn tôi một mình bước về nơi gọi là "nhà", một căn phòng nhỏ với đồ đạc cũ kỹ.

Khi tỉnh dậy, tôi nghĩ, cô gái này thực ra là một phiên bản nâng cấp khác của tôi. Cô ấy đang nhắc nhở bản thân trong giấc mơ rằng đã đến lúc chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng rưng rưng nước mắt vì tủi thân, tôi đã sống một cuộc sống vô vị tới nhường nào, ngay cả trong mơ tôi cũng không khỏi tự trách mình.

Những năm qua tôi sống như một con robot, hơn chục lần ở văn phòng thâu đêm đến 7 giờ sáng hôm sau, về nhà ngủ được 2 giờ thì mở mắt. Tôi thường muốn ra ngoài chơi, nhưng vì thường hay có công việc đột xuất, nên đi đâu cũng phải kè kè chiếc máy tính bên cạnh.

Tôi làm việc trên tàu cao tốc, máy bay, taxi, thậm chí là trong quán bar. Lần kỳ quặc nhất là khi tôi đi hát karaoke với bạn bè của mình, giây trước đang hát, giây tiếp theo tôi đã nhanh chóng chuyển mic, lấy máy tính ra và gõ…

Một ngày nọ, tôi bỗng dưng được giao việc, vì lúc đó đang đi nghỉ mát nên không mang theo máy tính, tôi đã phải đến quán Internet rồi ngồi đó thâu đêm để hoàn thành công việc.

Trong một kỳ nghỉ năm nay, tôi cũng có một cuộc họp qua điện thoại kéo dài nửa giờ trên xe buýt. Thực ra lúc đó tôi đã có ý định nghỉ việc rồi, nhưng vì chưa tìm được công việc mình mong muốn nên tôi cũng quên bẵng nó đi trong một thời gian dài.

Giữa bối cảnh này, nhiều công ty mà tôi có ý định ứng tuyển ngừng hoạt động, điều này khiến tôi càng thêm bất an.

Có thể gọi tôi là đứa trẻ lớn lên trong "vội vã". Mỗi kỳ nghỉ đông và hè khi còn là học sinh, tôi về cơ bản sẽ hoàn thành bài tập nhà trường giao trong vòng một tuần, còn chuỗi ngày nghỉ còn lại cũng sớm đã được sắp xếp với đủ các lớp năng khiếu và lớp học thêm.

Sau khi đi làm, tôi cũng chưa bao giờ nghỉ quá 7 ngày, mỗi lần trước khi nghỉ việc tôi đều tìm trước một công ty ưng ý, ứng tuyển và sau đó đi làm luôn.

 Nghỉ việc trước Tết, vì sao họ phải chọn thời điểm không khôn ngoan này?  - Ảnh 1.

Tiền cũng quan trọng nhưng tự do quan trọng hơn (Ảnh: Pexels)

Giai đoạn dịch bệnh, nhiều hãng hàng không tung ra sản phẩm "Bay tùy thích", tôi mua một trong những sản phẩm này, khi không phải làm thêm thì cuối tuần tôi bay đi nhiều thành phố khác nhau. Một lần ở Hàng Châu, một người bạn đưa tôi đi du ngoạn bằng thuyền ở Tây Hồ. Tôi bắt đầu phàn nàn về công ty của mình. Bạn tôi đưa tay làm động tác "suỵt", ngăn tôi nói và bảo rằng: "Đừng nói về công việc nữa, nhìn kìa, những con chim, chúng đang đứng đó kìa".

Giữa hồ, những con chim đứng trên những chiếc cột, bình yên và đẹp đẽ. Tôi bỗng nhiên cảm thấy những năm qua mình sống như một cái máy, nghĩ lại, tôi không cảm thấy sự bận rộn của mình đã tạo ra điều gì, ngược lại, tôi bị các số liệu và deadline vây quanh, thậm chí còn không có thời gian để quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

25 tuổi, tôi quay như chong chóng, sợ nếu dừng lại sẽ bị bỏ lại. Nhưng vào khoảnh khắc đó, tôi bỗng nhiên cảm thấy rằng mình thực sự muốn dừng lại và trở thành một người chăm chỉ nhưng vẫn thoải mái và an yên.

Tôi quay sang nói với cô bạn: "Tớ quyết định rồi, mai về sẽ xin nghỉ việc" .

Cô bạn khuyên tôi đợi tới hết năm, có tiền thưởng và tìm trước một công ty ổn ổn đã rồi hãy nghỉ. Nhưng tôi không đợi được nữa rồi, tôi thấy thời gian của mình đáng giá hơn. Tiền thưởng tuy quý, nhưng cái giá của sự tự do còn cao hơn nhiều.

Thứ hai, khi sắp hết giờ làm việc, tôi chốt thời gian nghỉ việc với sếp, đó là ngày cuối cùng của năm đó. Tôi nghĩ rồi, nghỉ việc, tôi sẽ cùng bạn bè đi du lịch đón năm mới.

Tôi mua nhiều quần áo, túi xách, và nhiều thứ đồ hay ho chuẩn bị cho tiệc đón năm mới.

Trước đó, mỗi khi năm mới tới, tôi đều sẽ đăng lên trang cá nhân rằng, "Năm mới, vẫn là chính mình". Nhưng lần này thì khác, năm mới đã tới, và tôi cũng trở thành một con người mới. Từ giờ trở đi, không gì có thể khiến tôi sống vội vã được nữa.

_Bích, 25 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc_

1 năm rưỡi làm việc ở công ty, thứ duy nhất tôi học được là sự nóng nảy

Năm 2012, tôi quyết định ở lại Bắc Kinh làm việc ở một số công ty khởi nghiệp, tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì nghĩ rằng bận rộn đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền hơn.

Nhưng thực tế đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời, một vài công ty lần lượt đóng cửa, những người sáng lập lần lượt bỏ đi, tôi trở thành một người làm nghề tự do và viết lách để kiếm sống.

Quay trở lại năm 2016, nhờ khả năng viết lách tốt, tôi được một người bạn giới thiệu làm biên kịch chính cho một ấn phẩm nổi tiếng, tôi nhanh chóng yêu thích công việc này.

Nhưng mong muốn sáng tạo của tôi không được giải phóng, vì vậy tôi chỉ thường viết bài rồi đăng lên trang cá nhân vào đêm muộn mỗi ngày. Một ngày nửa cuối năm 2017, ông chủ của một công ty khởi nghiệp mảng văn hóa - sáng tạo nhắn tin cho tôi: "Chào buổi tối, tôi đã đọc những gì bạn viết, tôi thấy bạn có rất nhiều ý tưởng. Tôi đang khởi nghiệp bên mảng sáng tạo, không biết bạn có quan tâm và muốn tham gia với chúng tôi hay không?" .

Trải nghiệm trước đó khiến tôi cảnh giác với các công ty khởi nghiệp, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự xuất hiện của anh ấy, tôi không phải là người nổi tiếng, chỉ một số ít bạn bè có thể đọc những gì tôi viết, cảm giác tự hào xen lẫn giữa kiêu hãnh và tâng bốc khiến tôi tiếp tục cuộc trò chuyện.

 Nghỉ việc trước Tết, vì sao họ phải chọn thời điểm không khôn ngoan này?  - Ảnh 2.

Với lý do dịch bệnh, công ty đưa ra những cải chính khó hiểu (Ảnh: Pexels)

Trong khoảng thời gian này, anh ấy không ngừng thuyết phục, nhưng cũng sẽ rất để ý đến cảm xúc của tôi, tỏ ra điềm tĩnh, không vội vã, sẽ nói chuyện với tôi như một người bạn, anh ấy sẽ không ngần ngại chia sẻ những khó khăn mà công ty gặp phải và những thành tựu mà nhóm đã đạt được. Trạng thái này diễn ra trong nửa năm.

Ngay khi tôi cảm thấy rằng tài năng của mình bị đánh giá thấp, anh ấy đã nói với tôi rằng: "Tôi rất mong bạn tham gia cùng chúng tôi và cùng nhau khiến mọi thứ trở nên tốt hơn".

Câu nói ấy đã khiến tôi lay động, và tôi ngay lập tức đồng ý. Tôi không quen nói dối, trước khi nộp đơn nghỉ việc, tôi đã nói hết tâm tư của mình với lãnh đạo, cô ấy dường như đã đoán trước được ngày này, nghiêm túc nói: "Mỗi người đều có con đường của riêng mình, nhưng là người từng trải, chị vẫn muốn nhắc nhở em, biết người biết mặt không biết lòng".

Tôi thì không nghĩ vậy. Sau bao nhiêu năm làm việc trong các công ty khởi nghiệp, tôi cũng đã luyện được một đôi mắt sắc bén, tôi không nghĩ mình có thể nhìn nhầm người. Đối với lời nhắc nhở của chị ấy, tôi xem nó là một ý tốt.

Thời gian thử việc ngắn khiến tôi tự tin hơn, đây là một nhóm vô cùng ưu tú, chưa tới 20 người nhưng đều tốt nghiệp từ những ngôi trường danh tiếng, ý tưởng của họ luôn khiến tôi phải há hốc mồm ngạc nhiên.

Tôi bùng lên niềm đam mê chưa từng có và lao vào công việc một cách nhiệt huyết, khoảng thời gian bận rộn nhất, tôi tắm rửa và ngủ ở công ty cả tuần. Trong hơn 6 tháng liên tiếp, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều dự án, sự phát triển của công ty ngày càng tốt hơn, ông chủ hào phóng tăng lương cho mọi người, vẽ ra một tương lai hoành tráng.

Nhưng sẽ luôn có những nghi ngại, một đồng nghiệp thì thầm trong văn phòng: "Anh ấy (sếp) nói muốn làm cho công ty đạt doanh thu lớn, sau đó bán nó với giá gấp 10 lần. Sao anh ấy dám nói điều đó trước mặt nhân viên vậy?".

Tôi không quá để tâm tới điều này và an ủi mọi người: "Bình thường mà. Mục đích thành lập công ty là để kiếm tiền, tính anh ấy vốn thẳng thắn, không có gì phải lo nghĩ cả".

Những lời nói đó của tôi không giúp ích được gì, và trong thời gian đó, sự nhiệt tình của các đồng nghiệp giảm đi rõ rệt, những đám mây đen bao phủ trên đầu của mọi người.

Cứ ngỡ một thời gian sau, mọi chuyện sẽ đỡ hơn, không ngờ dịch bệnh ập đến, tình hình không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn. Trước sức ép của dịch bệnh, nhiều dự án không thu được tiền quyết toán.

Lúc đó, sếp ra quyết định, đối với dự án mới nhận, phần của mọi người sẽ giảm 20%, giai đoạn nhạy cảm, hầu hết mọi người đều có thể hiểu được, nhưng hàng loạt cải chính sau đó khiến tôi cảm thấy khó hiểu:

Một nửa số tiền lương cứng được ký trong hợp đồng bị chia thành lương hiệu suất, và một nửa số tiền lương này cũng bị khấu trừ vì nhiều lý do; trong các lĩnh vực không chuyên môn, công ty sẽ cần bỏ tiền ra bồi dưỡng để nhân viên có thể tiếp quản các dự án, tiền đó cũng sẽ trừ vào lương của nhân viên; triển khai "tăng ca nghĩa vụ", với những nhân viên "tăng ca nghĩa vụ" ít, công ty sẽ có hình thức phê bình.

 Nghỉ việc trước Tết, vì sao họ phải chọn thời điểm không khôn ngoan này?  - Ảnh 3.

Nghỉ việc cuối năm không phải là quyết định khôn ngoan nhưng sức lao động của bản thân cũng phải được bảo vệ (Ảnh: Pinterest)

Một đồng nghiệp sau đó đã xin nghỉ việc, tôi đảm nhận công việc của hai người nhưng cuối cùng lại bị trừ toàn bộ điểm thành tích với lý do trời ơi đất hỡi. Trớ trêu thay, ông chủ lại đăng bài, đánh giá sự phát triển của công ty trong thời kỳ dịch bệnh, với nội dung:

"Thời kỳ dịch bệnh, công ty hoạt động bình thường, hàng tháng trả lương đúng hạn. Thời buổi này, dòng tiền đủ mới là uy tín của công ty".

Những người khác cũng không sung sướng gì, khi một đồng nghiệp nữ nghỉ cưới và nghỉ phép năm cùng một lúc, anh ta lấy cớ này để trừ lương và dùng thủ đoạn cao tay buộc cô phải nghỉ việc.

Thấy người đồng nghiệp làm việc chăm chỉ và thường xuyên thuyết phục người khác không nghỉ việc lại bị đối xử bất công, tôi không kìm được, thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về những chuyện xảy ra trong nhóm công ty, kể ra những khía cạnh vô lý và vi phạm pháp luật của công ty, đồng thời kêu gọi mọi người biết bảo vệ quyền của mình.

Người sếp vốn điềm tĩnh và khéo léo nghe xong chột dạ, hạ thái độ và tìm tôi thương lượng, tôi tỏ ra cứng rắn và giúp đồng nghiệp bị cho nghỉ việc đòi được số tiền đền bù xứng đáng, rồi thoát khỏi nhóm trò chuyện.

Cuối năm nghỉ việc không phải là quyết định khôn ngoan. Nhưng nhìn lại một năm rưỡi làm việc ở đây, tất cả những gì tôi học được là sự nóng nảy, mọi thứ giống như một quả bong bóng khổng lồ, và sau khi nó vỡ tung thì chẳng còn lại gì…

_Linh, 31 tuổi, Bắc Kinh, Trung Quốc_

Nguồn: The Paper

Cùng chuyên mục

Đọc thêm