Mới đây trên trang cá nhân, nghệ sĩ Công Lý đã chia sẻ hình ảnh mình thư thả ngồi đọc sách với gương mặt hồng hào, thoải mái. Cuốn sách mà Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội yêu thích cầm trong tay chính là "Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai”.
Trong quãng thời gian nam nghệ sĩ điều trị bệnh cũng là thời điểm nhiều người gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống do ảnh hưởng của dịch bệnh, chính vì thế nên đọc sách trở thành lựa chọn để thư giãn của không chỉ riêng Công Lý.
"Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai” là cuốn sách chuyên khảo do TS. Bùi Quang Tuyến làm chủ biên cùng các tác giả Lưu Nhật Huy - Lê Thị Thu Hương - Trần Văn Vui - Nguyễn Ngọc Minh.
Thông thường, nếu một người làm việc và học tập quá 25 phút liên tục thì mức độ tập trung giảm mạnh, nếu kéo dài đến phút thứ 30 phút thì giảm tới 40%. Như vậy, làm thế nào để có phương thức học tập hàng ngày hiệu quả, phù hợp nhất, giúp chúng ta duy trì thói quen mỗi ngày? Cuốn sách sẽ đưa ra những gợi ý hữu ích mà nhiều người không thể bỏ qua.
PGS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: "Đây là tác phẩm có lối tư duy mới mẻ về vấn đề đào tạo trong doanh nghiệp ngày nay, từ triết lý giáo dục đến tầm nhìn tương lai, từ mục tiêu đào tạo đến những phương thức giảng dạy dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại".
"Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai" là cuốn sách yêu thích của NSND Công Lý trong thời gian này (Ảnh: NSND Công Lý).
Đối với những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp… đây là một trong những cẩm nang cần thiết. Trong 5 chương sách, mỗi chương lại bao gồm nhiều bài học quan trọng.
Ngay từ đầu chương 1 là những quan điểm, góc nhìn mới đề cập đến vai trò của "vốn nhân lực" và những chuyển dịch trong học tập và đào tạo, gắn liền với sự phát triển trong nền kinh tế số, đòi hỏi yêu cầu trình độ chuyên môn và năng lực cao đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của môi trường.
Chương 2 và chương 3 là những giai đoạn phát triển của học tập và đào tạo trong doanh nghiệp, cùng với những vấn đề về quản trị tri thức trong doanh nghiệp thời đại 4.0. Nhờ đó, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản trị tri thức và thúc đẩy văn hóa học tập cốt lõi hơn.
Trong 2 chương cuối, để người đọc có thể tiếp cận đúng đắn, tác giả tập trung giới thiệu các ứng dụng công nghệ số trong học tập, đào tạo tại tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, khái niệm "Hệ sinh thái học tập" - một hệ thống đào tạo nhân sự nội bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ của doanh nghiệp, cũng được đề cập tới.
Cuốn sách là cuốn cẩm nang cho những nhà hoạch định chính sách (Ảnh: Nhóm tác giả).
Để tổng kết lại cuốn sách hữu ích, nhóm tác giả cũng chỉ ra mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nhờ đó đã đạt được những lợi ích đa phương với 6 cấp độ hợp tác quan trọng.
Đây chính là "cẩm nang" không thể thiếu để giúp đội ngũ lãnh đạo có thể giải quyết vấn đề mấu chốt "nâng cao năng lực" đã và đang phải đối mặt trong thời gian dài. Với 6 xu hướng dẫn dắt sự thay đổi của các doanh nghiệp trong tương lai được đưa ra, mọi người cũng có thể hướng đến những cách thức mới để phát triển, chẳng hạn như: Tìm đúng nhu cầu thay vì "đuổi hình bắt chữ"; Định hình các ưu tiên; Xây dựng một hệ thống quản lý tri thức…
Chia sẻ về cuốn sách, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cuốn sách là một sự kết hợp đầy thú vị về góc nhìn thực tiễn với những lý thuyết học tập và quản trị nhân sự trong doanh nghiệp.