Nghề ngân hàng: Thu nhập cao song hành cùng "Stress" cao
Một báo cáo của công ty tư vấn nhân sự First Alliances cho biết, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực có thu nhập cao nhất tại Việt Nam năm 2022. Có những vị trí như CEO nhận lương lên đến 40.000 USD/tháng, tương đương gần 900 triệu đồng/tháng. Với vị trí giám đốc khối bán lẻ và doanh nghiệp, lương có thể đạt 30.000 USD/tháng tại TP.HCM, còn tại Hà Nội tối đa là 15.000 USD/tháng.
Tuy nhiên, "lương cao thưởng lớn" có lẽ là mảng sáng lung linh thường được tô vẽ trong bức tranh nghề nghiệp của những người làm ngân hàng.
Từ năm 2014 đến nay hệ thống ngân hàng đã được tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với sự gia nhập thị trường tài chính của nhiều ngân hàng ngoại, sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng ngày càng khốc liệt. Những năm gần đây, cuộc đua giữa các ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt khi không chỉ tranh giành thị phần tín dụng, huy động mà còn là "cuộc chiến" về Casa, Banca, Thẻ tín dụng,...
Áp lực tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước cùng với kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành khiến áp lực của nhân viên ngân hàng ngày càng lớn. Qua đó làm tăng mức độ stress công việc của nhân viên.
Anh Q., một cán bộ cấp trung của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn chia sẻ: "Ở vị trí trưởng phòng, thu nhập trung bình khoảng 60 triệu đồng/tháng, nhưng làm việc quần quật gần như không có thời gian nghỉ. Điện thoại lúc nào ở chế độ sẵn sàng nghe 24/7. Lãnh đạo giao việc gì, bất kể là đang nghỉ ốm, nghỉ phép cũng phải trả lời sau 2 tiếng. Nhiễm Covid-19, thậm chí bị tái nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn, mệt mỏi, đau đầu, đau họng… nhưng vẫn phải tham gia đủ các cuộc họp trực tuyến. Đây không phải là làm việc để sống, mà làm việc để… chết. Tôi đã quyết định nghỉ việc, dù cho lãnh đạo ngân hàng động viên ở lại kèm một số chế độ đãi ngộ tốt hơn".
Chị V, nhân viên pháp chế của một ngân hàng có vốn nhà nước chia sẻ: "Mọi người ở ngoài nhìn vào chắc nghĩ nhân viên ngân hàng sướng khi được làm việc tại những cơ sở vật chất hoành tráng, đồng phục đẹp đẽ… Nhưng chỉ có người bên trong mới thấu hiểu sự vật vã đến đâu. Chúng tôi thường động viên nhau, cố được đến đâu thì cố, không cố được thì nghỉ".
Anh N, cán bộ cấp trung của một ngân hàng khác cho hay, do đặc thù là bộ phận kinh doanh nên mức độ cạnh tranh lớn, khiến môi trường làm việc có những "độc hại" nhất định khi đồng nghiệp không hỗ trợ, thậm chí sẵn sàng dùng tiểu xảo không chỉ sau lưng mà ngay trước mặt.
"Dù cố gắng tránh nhưng có lúc chính mình cũng ứng xử như vậy trở lại với đồng nghiệp. Sự biến đổi của cá nhân theo hướng xấu đi khiến tôi nhận thấy cần dừng lại", anh N. nói.
Khảo sát lương 2022 của Navigos Group dựa trên ý kiến của hơn 6.800 người đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề cho biết, tiền lương không nằm trong 3 yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân sự.
Đó có lẽ là lý do vì sao mặc dù luôn nằm trong nhóm ngành có thu nhập cao trong xã hội nhưng tỷ lệ nhân viên ngân hàng nghỉ việc các năm không hề ít.
Càng stress hiệu quả công việc càng giảm?
Một bài viết trên Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 194 vào năm 2018 của tiến sỹ Nguyễn Quốc Nghi đã nghiên cứu cụ thể "Tác động của stress công việc đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng".
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 253 nhân viên đang làm việc trong hệ thống ngân hàng.
Hình ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện trên các biến quan sát, bao gồm: áp lực công việc, áp lực cấp trên, áp lực thời gian, áp lực thu nhập, điều kiện làm việc với những vấn đề cụ thể mà có thể nhiều banker sẽ nhìn thấy "bóng dáng" của mình trong đó.
Nguồn: Bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 194 của TS Nguyễn Quốc Nghi
Kết quả kiểm định nghiên cứu của TS Nguyễn Quốc Nghi cho thấy, stress công việc có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công việc của nhân viên ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, khi stress công việc càng cao thì kết quả công việc của nhân viên ngân hàng càng thấp và ngược lại. Do đó, giảm stress công việc là một giải pháp tốt cho việc cải thiện kết quả công việc của nhân viên ngân hàng.
Kết quả nghiên cứu này tương tự đã được kiểm chứng trong các nghiên cứu của Shahu & Gole (2008), Badar (2011), Đặng Phương Kiệt (1998).
VPBank tuyển dụng nhân sự chỉ chuyên lo vấn nạn Stress của người lao động
Mới đây, thông tin tuyển dụng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi thay vì tìm kiếm nhân sự tốt nghiệp ngành kinh tế hay luật, nhà băng này lại tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm 3 năm trong lĩnh vực... tâm lý.
Nguồn: tuyendung.vpbank.com.vn
Theo bảng mô tả công việc, Chuyên viên cao cấp mô hình này được yêu cầu làm các công việc nhằm góp phần xây dựng Khung quản trị mức độ căng thẳng (Human Stress management framework). Cụ thể:
Thứ nhất, đóng góp xây dựng các công cụ nhận diện sớm, công cụ đo lường và phân tích mức độ stress của cán bộ nhân viên.
Thứ hai, xây dựng các phương pháp giảm thiểu stress và quản trị tâm lý và cảm xúc của Cán bộ quản lý và nhân viên – cấp độ cá nhân.
Thứ ba, thực hiện các nghiên cứu về tâm lý ứng dụng trong môi trường ngân hàng và đưa ra phương thức đánh giá tâm lý phù hợp.
Thứ tư, tham gia thực hiện các báo cáo phân tích, đánh giá mức độ stress cấp độ cá nhân, đơn vị và toàn hàng.
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng là triển khai áp dụng, phổ biến Khung quản trị mức độ căng thẳng trong ngân hàng, phổ biến, đào tạo cho các vị trí quản lý, lãnh đạo về và các công cụ nhận diện, đo lường mức độ căng thẳng của nhân viên,...
Mặc dù mới mẻ và có vẻ khá "lạ lẫm" đối với người lao động tại Việt Nam nhưng khái niệm "Human Stress management framework" đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, bước đi của VPBank có thể được xem là 1 điểm mới trong tư duy quản trị của nhà băng, hi vọng sẽ đem lại "luồng gió mới" giúp "nguồn nội lực" có thể giải tỏa phần nào áp lực công việc.