Kỹ năng sống

Bà mẹ TP.HCM gợi ý những NGUYÊN LÝ CỐT LÕI giúp phụ huynh tự dạy con ở nhà như học ở trường quốc tế: Điều thứ 5 rất nhiều người bỏ qua

Ngày càng nhiều cha mẹ Việt Nam mong muốn cho con học trường quốc tế từ khi còn nhỏ, giúp các em được trang bị những kỹ năng và kiến thức để sẵn sàng thực hiện hóa mọi ước mơ của mình. Thế nhưng, với rào cản chi phí, không phải ai cũng có điều kiện biến mong muốn thành sự thật.

Trên thực tế, theo chị Thủy Đỗ - người từng có kinh nghiệm làm việc trong trường quốc tế ở TP.HCM và là tác giả của cuốn sách Bình tĩnh rèn con kĩ năng tự học, nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể giúp con bạn phát triển những kĩ năng cốt lõi giống như những kĩ năng mà trường quốc tế hướng đến cho học sinh của họ. 

Bà mẹ TP.HCM gợi ý những NGUYÊN LÝ CỐT LÕI giúp phụ huynh tự dạy con ở nhà như học ở trường quốc tế: Điều thứ 5 rất nhiều người bỏ qua - Ảnh 1.

Chị Thủy Đỗ - người từng có kinh nghiệm làm việc trong trường quốc tế ở TP.HCM.

Hãy thử tham khảo chia sẻ của chị Thủy về cách dạy, những mặt tốt ở trường Quốc tế 100%, sau đó thử áp dụng những nguyên lý cốt lõi vào trong việc dạy con hàng ngày của bạn.

1. TRƯỜNG QUỐC TẾ 100% DẠY HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu bản chất của trường quốc tế, tức là trường dạy 100% tiếng Anh. Ở các nước phương Tây thì chương trình giáo dục của họ nói chung khác với Việt Nam. Bộ Giáo dục sẽ đưa ra một bộ gọi là chuẩn kiến thức và kỹ năng cho từng khối lớp, từng môn học, từ mẫu giáo cho đến hết trung học phổ thông. Mỗi trường phải dạy theo cái chuẩn theo kiến thức kỹ năng đấy, muốn làm sao thì làm nhưng học sinh phải đạt được những chuẩn kiến thức mà Bộ đưa ra, đạt ít hay đạt nhiều là tuỳ trình độ và năng lực của học sinh và của giáo viên.

Khi một giáo viên nhận lớp, họ sẽ nhìn vào chuẩn kiến thức kỹ năng đó xây dựng bài dạy hàng tuần hoặc hàng tháng. Chuyện họ sử dụng bộ sách giáo khoa nào, tài liệu nào hay dùng những hoạt động nào đó hoàn toàn là lựa chọn của giáo viên.

Vậy khi xây dựng trường Quốc tế 100% ở Việt Nam, tuỳ chủ đầu tư họ chọn định hướng chương trình của nước nào, thuê Hiệu trưởng, thuê giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và quảng bá trường. Nói chung đây là một cách kinh doanh, kinh doanh giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục, nhắm vào đối tượng nhà giàu, đại gia nên nó đắt đỏ là vậy.

CHUYỆN ĐÁNH GIÁ HỌC SINH:

Đầu năm, họ thường áp dụng đánh giá học sinh theo dạng formative assessment, chủ yếu đánh giá ở môn tiếng Anh. Đánh giá này họ dùng để xem em học sinh ấy ở mức độ nào về năng lực ngôn ngữ, dựa vào đó sẽ biết em ấy có tiến bộ vào cuối kì và cuối năm học hay không.

Trong một năm học, trong một môn có những đơn vị kiến thức học khác nhau, giáo viên thường xây dựng để dạy trong khoảng 2 tới 3 tuần. Như vậy, nếu trẻ phải học viết, trẻ có nhiều thời gian hơn để làm, làm hôm nay chưa xong thì ngày mai làm tiếp. Giáo viên đỡ phải giục trẻ cho xong bài xong tiết, bởi vì không chịu áp lực chạy bài như sách giáo khoa của Việt Nam.

Khi kết thúc mỗi một đơn vị học, họ đều có bài kiểm tra, nhưng cách đánh giá của học sinh cuối kì là thông qua porfolio. Họ nhìn vào bài làm hàng ngày, điểm kiểm tra của bài kiểm tra cuối đơn vị học, cộng với nhìn vào học sinh tương tác ở trên lớp để đánh giá em đấy đã đạt những cái kỹ năng cần thiết hay chưa.

Ngoài ra, thái độ tự giác học như thế nào, trên lớp lẫn ở nhà là một phần quan trọng của việc đánh giá. Nếu bạn nhìn vào cách đánh giá của họ, bạn sẽ thấy cái bài kiểm tra chỉ đóng một vai trò rất là nhỏ. Cái quan trọng là bé học hành ngay trên lớp, tương tác ra sao, trả lời các câu hỏi của thầy cô như thế nào và các bài viết mỗi ngày ở trên lớp thì đóng vai trò rất là quan trọng.

Giáo viên họ không quan tâm em nào giỏi, em nào kém, mà quan tâm chuyện các em so với đầu năm thế nào, so với tuần trước, tháng trước thế nào, có tiến bộ hơn hay không. Đối với họ, đó là điều quan trọng nhất. Còn có em đạt loại A, đạt loại B, nó cũng còn tuỳ thuộc vào năng lực và sự nỗ lực của riêng từng em, không có chuyện giáo viên phải cố gắng cho các em đạt loại giỏi hết. Bỏ tiền ra thì bỏ tiền đấy, nhưng giáo viên họ không sửa điểm chạy điểm gì cả. Đúng thì họ mới làm, Hiệu trưởng cũng không có quyền can thiệp, là thái độ của những giáo viên mà mình đã từng làm việc chung.

Bà mẹ TP.HCM gợi ý những NGUYÊN LÝ CỐT LÕI giúp phụ huynh tự dạy con ở nhà như học ở trường quốc tế: Điều thứ 5 rất nhiều người bỏ qua - Ảnh 2.

2. CHUYỆN HỌC TRÊN TRƯỜNG

Mình xin chia sẻ về những điểm chính mình còn nhớ về đối tượng lớp tiểu học, bởi vì đó là lớp mình đã theo quan sát nhiều nhất.

1. Mỗi sáng sớm, giáo viên giới thiệu về những môn học và bài sẽ học ngày hôm nay, sau đó có khoảng 10-15 phút giờ Circle time, giáo viên ngồi với học sinh thành vòng tròn, hỏi về nhiều đề tài khác nhau, mỗi ngày mỗi chủ đề khác nhau, và hỏi rất nhiều về cảm xúc và thói quen của các em. Mình thấy rằng đây là một hoạt động rất quan trọng để gắn kết cảm xúc giữa giáo viên và học sinh.

2. Bắt buộc phải đọc sách và viết journal mỗi ngày. Trong lớp, mỗi ngày học sinh đều có giờ đọc sách, có góc đọc sách, làm bài xong sớm thì ra góc đọc sách ngồi tự đọc. Mỗi ngày đều có giờ đọc sách độc lập. Chuyện viết là phải hàng ngày, mỗi ngày 15 phút viết tự do, và có nhiều thời gian để viết về sách, viết theo yêu cầu do giáo viên dạy. Sách đọc sẽ là những câu chuyện có liên quan đến nội dung các em đang học trong khoa học, trong tự nhiên xã hội, v..v.

3. Có giờ học thư viện: Các em tới thư viện, nghe giáo viên thư viện dạy, kể 1 câu chuyện nào đó. Mỗi tuần được mượn 2 cuốn sách về nhà để đọc.

4. Học tích hợp giữa các môn: Các kĩ năng nghe, nói, đọc viết được phát triển đều trong tất cả các môn: Toán, Ngôn ngữ tiếng Anh và Khoa học. Học môn nào cũng viết, vẽ minh hoạ, thuyết trình, viết thành đoạn, thành bài. Cùng một chủ đề được dạy qua nhiều môn. Ví dụ, Khoa học học về cây chẳng hạn, các em đọc các loại sách về cây cối, về lá cây, các em kể chuyện hoặc đọc thơ có liên quan tới cây cối. Trong môn Toán, có thể giáo viên chọn cây làm vật để tính toán, như chiều cao của cây, hay đường kính của thân cây. Cả trong môn Vẽ, các em cũng có thể vẽ về cây cối, rồi các em sưu tầm, các em trồng cây để quan sát.

5. Các em học cách thuyết trình hoặc làm việc theo nhóm hàng ngày, nhưng đồng thời tạo sản phẩm gì đó trong các môn học và các hoạt động học rất nhiều. Từ sản phẩm vẽ, đến sản phẩm viết và trang trí. Các em có thời gian để hoàn thành các sản phẩm này, hôm nay làm chưa xong thì ngày mai làm, không giống như các trường Việt Nam ở nhà ba mẹ làm giùm rồi mang lên cho cô giáo chấm lấy điểm.

6. Các em tự do viết, còn về lỗi sai đôi khi giáo viên sửa, đôi khi không. 2 - 3 tuần 1 lần, các em có thời gian ngồi mở lại những gì đã viết để sửa lỗi, để bổ sung, để viết cho hay hơn.

7. Các em hầu như dùng bút chì để viết bài cho dễ tẩy xoá khi làm sai, hoặc bổ sung sau, hoặc sửa cho hay hơn.

3. ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA GIÁO VIÊN

1. Giao tiếp với học sinh cởi mở và thân thiết với học sinh.

2. Không biết nói không biết, cái này thầy không biết, con thử về tra google, thầy cũng về tra, hôm sau chúng ta sẽ bàn lại vấn đề này. Sai thì xin lỗi, nói bữa thầy nói sai chỗ này, các con sửa lại. Không ngại ngùng, không xấu hổ khi thầy cô không biết hoặc làm sai.

3. Luôn động viên khuyến khích học sinh rất nhiều.

4. Nghiêm với luật lệ đưa ra. Đầu năm vào lớp, thầy giáo thường bàn với học sinh xem cái nào quan trọng cần phải tuân theo, sau đó viết lên tờ giấy to, cho các em kí tên lên. Mỗi khi các em ồn ào trong lớp, hoặc các em ồn ào khi di chuyển, nghịch phá nhau, lớp học dừng lại, thầy cô đưa các em tới bảng nội quy và cùng nhau đọc lại cho nhớ.

5. Có cấm không cho ra chơi đối với các em nghịch ngợm, hoặc phạt lúc nào cũng phải đi theo giáo viên, hoặc ngồi tách riêng, không được ngồi chung với các bạn khác.

Bà mẹ TP.HCM gợi ý những NGUYÊN LÝ CỐT LÕI giúp phụ huynh tự dạy con ở nhà như học ở trường quốc tế: Điều thứ 5 rất nhiều người bỏ qua - Ảnh 3.

Thông qua những phân tích ở trên, chị Thủy cho rằng, với tư cách là cha mẹ, phụ huynh có thể làm những điều sau cho con, như giáo viên người ta dạy:

1. Cha mẹ rèn con tự học ở nhà không bị quy định thời gian, bạn có 12 năm học cộng với vài năm mẫu giáo để làm điều đó, vậy sao bạn vội vàng kêu ca con bạn lười, không chăm học? Không dành thời gian để rèn con mà muốn con vào nề nếp ngay là rất khó.

2. Bạn rèn cho con thói quen đọc sách chưa?

3. Bạn dành thời gian để trò chuyện và gần gũi với con chưa?

4. Bạn thấy việc học của con nằm ở đâu? Có phải chỉ ở viết bài, học thuộc bài? Con bạn chơi nhưng có tạo ra sản phẩm gì đó, đó chính là học.

5. Bạn có thẳng thắn nói "mẹ không biết", "bố không biết", "mẹ sai rồi", "bố sai rồi" với con của bạn không? Hay cái gì cũng muốn can thiệp, đưa câu trả lời cho con?

6. Bạn có bàn thảo với con về những luật lệ trong nhà, và nghiêm với nó hay không? Hay bạn tha thứ, con nói chút là bạn nói "thôi được rồi, 5 phút nữa thôi đấy nhé!".

7. Bạn có theo dõi và thấy con mình tiến bộ hơn trước hay không, hay bạn chỉ chăm chăm nhìn vào kết quả học của con, thấy kết quả không được như ý thì cho rằng con học kém?

"NHANH - là một mục tiêu mà ai cũng mong muốn, nhanh có kết quả, con nhanh giỏi tiếng Anh, con mình nhanh nghe lời mình, và hơn hết: Mình đỡ phải làm gì nhiều. Trong giáo dục trẻ, nếu bạn muốn nhanh thì giống như bạn bẻ cành cây để uốn trong bonsai. Cơ hội để uốn thành công chỉ cỡ 10%, còn gãy cành lên đến 90%.

Đó cũng là lý do luôn có tỉ lệ học sinh không có kết quả học tốt ở bất kì ngôi trường nào, dù trường quốc tế, trường chuyên, trường công, trường làng, v..v. Cùng chương trình, cùng cách dạy, cùng giáo viên, sao trẻ lại có kết quả khác nhau? Một phần đến từ chính trẻ - cá tính, sở thích, cách não hoạt động, sự nhạy cảm về tinh thần và việc học, một phần đến từ nền tảng gia đình. 

Bạn là cha mẹ, ai cũng mong cho con mình được thành công, học tập hiệu quả. Bạn có thể làm tốt nhất là tạo môi trường và nề nếp học tập, động viên, khuyến khíc, gieo mơ ước và hoài bão, giúp đỡ con bạn tìm ra cách thức học hiệu quả", chị Thủy chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm