Năm 2022 kế hoạch doanh thu 3.248 tỷ đồng, thống nhất chuyển sàn HoSE
Năm 2021, nhìn chung Vilico duy trì hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận đạt 2.928 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hơn 323 tỷ đồng, tăng 5% chủ yếu nhờ sự tăng trưởng từ công ty con là Mộc Châu Milk.
Với kết quả trên, Công ty sẽ trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, tương đương 600 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả sẽ không quá 6 tháng từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Hiện, Vilico đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh, thoái vốn các khoản đầu tư không hiệu quả, không nằm trong chiến lược phát triển chung. Từ sau khi trở thành công ty con của Vinamilk cuối 2019, Vilico đã liên tục triển khai nhiều dự án lớn, có tiềm năng tăng trưởng như dự án bò thịt hay liên kết cùng công ty mẹ - Vinamilk để mở rộng, phát triển ngành sữa như xây dựng nhà máy tại Hưng Yên, dự án Tổ hợp thiên đường Sữa tại Mộc Châu với công ty con là Mộc Châu Milk.
Nhận được sự đồng thuận cao từ các cổ đông, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã thống nhất kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần gần 3.248 tỷ đồng, tăng 11% so với kết quả thực hiện được năm 2021. Mức cổ tức năm nay dự kiến không quá 600 đồng/cổ phần, tùy theo kết quả kinh doanh và thời gian tạm ứng.
Tại đại hội, cổ đông Vilico cũng thông qua kế hoạch chuyển từ sàn UpCOM sang sàn HoSE. Thời gian thực hiện sẽ trong năm 2022 hoặc 2023.
Chuyển dự án Tam Đảo cho công ty liên doanh Chăn nuôi Việt Nhật (JVL)
Về chiến lược hoạt động, năm 2022 Vilico cho biết sẽ tập trung vào việc nâng cao công tác quản trị Công ty, tiếp tục phát triển với nền tảng, hướng tới trở thành công ty hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt chất lượng, an toàn và giàu dinh dưỡng cho thị trường.
Trong đó, Công ty sẽ chuyển dự án Tam Đảo cho Công ty liên doanh – Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (JVL). Đây là dự án lớn nhất về vốn đầu tư dự kiến của Vilico tính đến thời điểm này, sau khi kí thành công MOU trị giá 500 triệu USD với đối tác Nhật Bản. Dự án có quy mô 30.000 con, công suất giết mổ - chế biến - đóng gói 100 con/ngày với tổng vốn đầu tư 2.985 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Vilico sẽ chuyển dự án Tam Đảo (quy mô 1.800 tỷ đồng) cho công ty liên doanh – JVL khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, để JVL quản lý, vận hành và tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, JVL có kế hoạch đầu tư xây dựng một cơ sở chăn nuôi bò thịt để bổ trợ cho dự án Tam Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến của JVL cho dự án này là 1.185 tỷ đồng và đang trong quá trình tìm địa điểm phù hợp để đầu tư.
Cuối tháng 11/2021, Vinamilk và Vilico đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Sojitz của Nhật Bản và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư, phát triển dự án về bò thịt tại Việt Nam. Trong đó, liên doanh sẽ đầu tư cơ sở chăn nuôi - chế biến - phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu; Các giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm các sản phẩm nguồn gốc protein khác với công nghệ chế biến sâu và qui mô hợp tác dự kiến lên đến 500 triệu USD.
Phối cảnh Dự án bò thịt Tam Đảo.
Được biết, Sojitz là một trong những tập đoàn đa ngành quy mô lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh của Nhật Bản, đã tham gia đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua trong các lĩnh vực sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, chuỗi cửa hàng tiện lợi và logistics...
JVL là công ty liên doanh giữa Vilico và Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, thành lập ngày 27/9/2021 với vốn góp 51% là của Vilico. Hoạt động sản xuất chính là nhập khẩu và phân phối thịt bò và các sản phẩm chế biến từ thịt bò.
Trình cổ đông 2 phương án triển khai dự án Nhà máy sữa Hưng Yên
Một nội dung quan trọng khác, nhằm mục đích khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất cũng như để tận dụng lợi thế của Vinamilk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, Đại hội còn thông qua phương án triển khai Nhà máy sữa Hưng Yên.
Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 2.083 tỷ đồng hiện do Vilico làm chủ đầu tư. Sau khi Dự án hoàn thành và đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, Vilico sẽ thực hiện một trong hai phương án sau: chuyển nhượng Dự án cho Vinamilk để Vinamilk vận hành Dự án hoặc Vilico sẽ sản xuất các sản phẩm sữa và liên quan đến sữa cho Vinamilk.
Dự án Nhà máy sữa Hưng Yên đã nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ tỉnh Hưng Yên từ cuối tháng 12/2021. Tổng mức đầu tư dự kiến là 4.600 tỷ (gần 200 triệu USD) cho 2 giai đoạn với tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm. Nhà máy sữa tại Hưng Yên hiện là siêu nhà máy sữa lớn nhất của Vinamilk ở khu vực phía Bắc và là một trong các dự án trọng điểm trong chiến lược phát triển của Vinamilk và Vilico trong 5 - 10 năm tới, được định hướng sẽ trở thành một siêu nhà máy sữa hàng đầu tại Việt Nam và tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Mộc Châu Milk – công ty con của Vilico ngày 28/5 vừa qua cũng đã khởi công dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu có tổng vốn đầu tư lên tới 3.150 tỷ đồng trên diện tích 176 ha tại Mộc Châu, Sơn La (do Vinamilk và Mộc Châu Milk phát triển dự án). Đây là hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao 4.000 con, kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao với công suất 1.000 tấn/ngày.
Phối cảnh Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.
Thảo luận tại Đại hội
1. Tại dự án chăn nuôi bò ở Vĩnh Phúc, xin chia sẻ thêm về cách phân phối ra thị trường, cách khấu hao, cách hợp tác với nông dân địa phương và lợi thế cạnh tranh?
Bà Mai Kiều Liên: Khi làm liên doanh thì chúng tôi đã khảo sát và làm việc kỹ, trong đó đầu ra là quan trọng, bên cạnh khảo sát về nguồn vốn con người là đương nhiên.
Riêng đầu ra, chúng tôi dự kiến phân phối vào: Chuỗi khách sạn, chế biến, đi vào các siêu thị và một phần sẽ mạnh dạn hợp tác với các hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh thịt ở các chợ truyền thống vào phân khúc là nội trợ từ các gia đình
Về tiến độ dự án thì cũng sẽ phụ thuộc vào việc khảo sát đầu ra cho phù hợp.
2. Tại dự án Hưng Yên, tôi muốn biết Vilico có dự kiến vay vốn từ Vinamilk để tận dụng nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ không? Và việc sản xuất sữa cho Vinamilk sẽ tập trung vào sản phẩm gì?
Bà Mai Kiều Liên: Trước mắt dự án đang chờ ĐHĐCĐ duyệt phương án:
+ Thứ nhất: Vilico đứng ra làm chủ dự án và bán lại cho Vinamilk thực hiện sản xuất sữa trên đất Vilico;
+ Thứ hai, Vilico sẽ gia công cho Vinamilk.
Hiện, chúng tôi đang chờ quyết định của ĐHĐCĐ.
Theo kế hoạch của Công ty 2022-2026 cho miền Bắc thì dự án sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng 100% loại hộp giấy 110ml và 180ml. Tại sao chọn nhà máy này vì các nhà máy ở phía Bắc như nhà máy Tiên Sơn, Thanh Hoá… thì mặt hàng này đã đạt công suất 75%. Trong khi nguyên tắc của Vinamilk thì cứ đạt công suất 70% thì đã phải tính xây dựng mới. Với ý do đó Công ty làm thêm dự án Hưng Yên cho mặt hàng sữa tươi tiệt trùng 100% này.
3. Dự án Hưng Yên bao giờ vận hành?
Bà Liên: Nếu ĐHĐCĐ thông qua thì tính thời gian xin giấy phép và xây dựng thì khoảng 2-2,5 năm mới hoàn thành.
4. Theo tính toán của ban lãnh đạo, dự án bò thịt sẽ đem lại doanh thu, lợi nhuận sau thuế bao nhiêu khi đi vào hoạt động?
Sản phẩm bò thịt đang ở giai đoạn thử nghiệm bán trên thị trường, và dự án Tam Đảo thì khoảng 1,5-2 năm mới đi vào hoạt động. Hiện nay doanh thu không quá lớn, năm 2022 dự là 100 tỷ và sẽ tăng dần.
Và nếu Tam Đảo đi vào hoạt động thì doanh thu dự tăng lên 1.500 tỷ, qua các năm sẽ lên dần 2.000-3.000 tỷ đồng.
5. Cơ sở nào phát hành thêm với giá 25.000 đồng/cp?
Mức giá này dựa trên cơ sở giá phù hợp của kế hoạch Công ty và giá tham khảo của thị trường. Nếu quá cao thì khả năng phát hành thành công không cao, còn nếu quá thấp thì lại không phù hợp với mục tiêu tài chính cũng như thu nhập tài chính sau này.
Hình ảnh từ ĐHCĐ Vilico
6. Xin Chủ toạ giải thích cơ cấu về doanh thu, đặc biệt mảng bò thịt đang đóng góp bao nhiêu? Kế hoạch những năm tới trọng tâm tăng trưởng ở mảng bò thịt, sữa cụ thể ra sao?
Bà Liên: Hiện nay bò thịt Công ty chủ yếu chỉ bán nội bộ, mục đích cho mọi người thử nghiệm. Chúng tôi cũng đã có Website Vinabeef rồi nên mọi người có thể vào mua.
Hoạt động của dự án bò thịt thời gian qua mang tính thử nghiệm nhưng ghi nhận về chất lượng rất tốt.
7. Tại sao lại chuyển nhượng dự án Hưng Yên cho Vinamilk? Lợi ích của cổ đông Vilico sau khi chuyển nhượng dự án là gì?
Hiện Công ty đang trình 2 phương án cho dự án Hưng Yên như đã nói, là (i) Vilico làm xong dự án và chuyển nhượng cho Vinamlik, hoặc (ii) Vilico sẽ gia công cho Vinamilk.
Đến nay, dự án đang trong giai đoạn xây nhà máy, còn chuyển nhượng hay không sẽ do cổ đông quyết định. Giao dịch này là giao dịch liên kết giữa Công ty với cổ đông lớn, nên việc chuyển nhượng hay không do cô đông thiểu số quyết định và Vinamilk không tham gia. Nên nếu cổ đông cân nhắc thấy mức giá chuyển nhượng phù hợp, hài hoà lợi ích thì cổ đông biểu quyết quyết định.
8. Vilico có kế hoạch dự phòng rủi ro như thế nào?
Bà Liên: Dự phòng rủi ro doanh nghiệp nào cũng phải có và Vilico không ngoại lệ. chúng tôi cũng đã có những biện pháp quản trị cho các rủi ro này.
9. Theo ban lãnh đạo, lợi thế cạnh tranh của bò thịt là gì?
Bà Liên: Vấn đề này chúng tôi đã nói từ ĐHĐCĐ năm 2021. Tại sao chúng ta lại tham gia mảng này, vì:
Thứ nhất, Vilico có lợi thế, kinh nghiệm về chăn nuôi heo bò;
Thứ hai về nguồn giống đưa vào thì chúng ta có 2 nguồn: (i) các trang trại hiện hữu của Vinamlik và (ii) nguồn bò thịt của nông dân xung quanh như khu Vĩnh Phúc…
Hiện nay, bò thịt từ các công ty khác phần lớn nhập từ các nước về, vỗ béo rồi thực hiện chế biến. Còn chúng ta thì nguồn giống tự chủ nên sẽ có lợi thế giá thành, chưa kể chúng ta nuôi công nghiệp thì năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn so với chăn nuôi tự do hiện nay. Lợi thế cạnh tranh này tương tự tại mảng sữa hiện nay của Vinamilk.
10. Công ty có kế hoạch khai thác đất toà nhà văn phòng Nguyễn Thị Minh Khai chưa?
Bà Liên: Đất hiện chủ yếu thuê của Nhà nước. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho địa điểm Nguyễn Thị Minh Khai là xây toà nhà hiện đại 45 tầng.