Chứng khoán

Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 3, nhóm xuất khẩu cá tra có thể đột biến

Quý 2/2022, 24 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết ghi nhận doanh thu đạt 18.700 tỷ đồng (+ 33,3% so với cùng kỳ) và LNST đạt 1.770 tỷ đồng (+138% so với cùng kỳ). Trong đó, nhóm cá tra và tôm đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2 năm nay. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn đã đạt đỉnh mới về doanh thu và LNST trong quý này.

Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,2 tỷ đô (+35,5% so với cùng kỳ) trong quý 2/2022, chủ yếu nhờ sự phục hồi doanh số bán hàng ở tất cả các ngành hàng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ đô (+26,1% so với cùng kỳ) và cá tra đạt 777 triệu đô (+78% so với cùng kỳ). Kết quả, doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm niêm yết tăng lên 7.001 tỷ đồng (+32,5% so với cùng kỳ) trong khi nhóm xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng 41% tăng lên 9.619 tỷ đồng.

Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 3, nhóm xuất khẩu cá tra có thể đột biến - Ảnh 2.

Nhu cầu tiêu thụ tôm duy ở mức cao

Trong quý 2, các nhà nhập khẩu lớn nhất như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tăng cường nhập khẩu tôm. Thị trường Trung Quốc nhập khẩu mạnh tôm Việt Nam, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước, đạt 227 triệu đô do nhu cầu hồi phục sau khi nới lỏng chính sách nhập khẩu. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU và Nhật Bản cũng tăng lần lượt 37% và 12%. Trong khi Mỹ - thị trường đơn lẻ lớn nhất - vẫn duy trì mức tiêu thụ mạnh mẽ thông qua các kênh như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Do đó, các công ty tôm niêm yết đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu đến 32,5%.

CMX có thị trường EU chiếm 51% tổng doanh thu, tăng gần 30% so với cùng kỳ. FMC (Mỹ và Nhật Bản) cũng hoạt động tốt với mức tăng trưởng doanh thu đạt 22%. Đáng chú ý, MPC nhờ xuất khẩu sang thị trường Mỹ đóng góp 34% nên tổng doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ.

Nhóm xuất khẩu cá tra lập đỉnh mới về doanh thu

Giá trị xuất khẩu của ngành cá tra trong quý 2 đạt 777 triệu đô (+78,1% so với cùng kỳ năm trước) và sản lượng đạt 257.510 tấn sản lượng. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ mạnh trong khi nguồn cung cá tra tại Việt Nam giảm đã khiến ASP tăng 32,2% tại các thị trường chính. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra niêm yết đã công bố doanh thu tăng trưởng hơn 41% so với cùng kỳ, lên 9.619 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua.

Cũng cần nói thêm rằng, giá nguyên liệu đầu vào trong quý 2 đã tăng đáng kể do giá thức ăn thủy sản đắt đỏ, chi phí mua lớn, lương cao và chi phí thuê ngoài đắt hơn. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thủy sản có thể mở rộng biên lợi nhuận gộp nhờ mức tăng trưởng ASP vượt trội so với giá đầu vào.

Biên LN gộp của 24 doanh nghiệp xuất khẩu đã mở rộng lên 19,6%, chủ yếu đóng góp bởi 17,3% biên LN gộp của DNXK tôm và 13,4% biên LN gộp của DNXK cá tra trong quý 2/2022. Nhìn chung, LNST 2Q22 tăng trưởng mạnh mẽ 138% lên 1.770 tỷ đồng, nhờ vào đóng góp LNST của DNXK cá tra tăng đáng kể, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Trong khi đó, LNST của các DNXK tôm lại giảm 9% so với cùng kỳ xuống 334 tỷ đồng.

Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 3, nhóm xuất khẩu cá tra có thể đột biến - Ảnh 4.

Tăng trưởng mạnh trong quý 3, nhóm cá tra có thể tạo đột biến

Theo quan điểm của Chứng khoán KIS, ngành thủy sản trong quý 3 năm nay sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nhu cầu của thị trường duy trì tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu của các DNXK cá tra có thể giữ mức tăng đột biến. Nguyên nhân thứ nhất là kỳ vọng Trung Quốc có thể sớm nới lỏng quá trình nhập khẩu, thúc đẩy sản lượng cá tra xuất khẩu. Thứ hai, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine tiếp tục là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chiếm thị phần tại các thị trường có mức tiêu thụ cá thịt trắng lớn. Cuối cùng là áp lực lạm phát có thể thúc đẩy nhu cầu cá tra (là sản phẩm thiết yếu nhưng giá thấp) ở nhiều thị trường.

Đồng thời, Chứng khoán KIS kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ duy trì biên lợi nhuận gộp trong quý 3 tăng trưởng mạnh do nguồn cung nguyên liệu đầu vào thiếu hụt và nhu cầu gia tăng có thể giữ giá bán trung bình ở mức cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 3 có thể sẽ chậm lại so với quý 2 trước đó do mức nền so sánh cao.

Ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 3, nhóm xuất khẩu cá tra có thể đột biến - Ảnh 6.

Ngược lại, KIS cho rằng doanh thu xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 3 do hàng tồn kho của thị trường Mỹ có thể dư thừa, khiến sản lượng tôm xuất khẩu đến Mỹ giảm. Nguồn cung nguyên liệu cũng thiếu do thời tiết bất lợi cho nuôi tôm và áp lực lạm phát gia tăng có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, ước tính biên lãi gộp của các DNXK tôm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do ASP tăng mạnh hơn giá nguyên liệu đầu vào trong quý 3 này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm