Thời sự

Ngành sản xuất Việt Nam khó khăn nhất khu vực ASEAN, Thái Lan bứt tốc dẫn đầu

Chỉ số PMI của Việt Nam thấp nhất khu vực

Theo số liệu từ S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất (45,3 điểm) trong nhóm 7 nước ASEAN (7 nước được S&P Global khảo sát) đánh dấu ba tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Thấp thứ hai là  Malaysia với 47,8 điểm và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm.

Dẫn đầu về tăng trưởng lần thứ hai liên tiếp là Thái Lan. Tốc độ tăng (58,2) là chậm hơn so với mức cao kỷ lục của tháng 4, nhưng vẫn là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số.

Tương tự, các công ty sản xuất ở Myanmar có tăng trưởng chậm hơn khi chỉ số toàn phần (53) giảm về mức thấp của ba tháng sau khi đạt mức cao của lịch sử khảo sát được ghi nhận trong tháng 4. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn cao hơn so với kết quả dưới 50 được ghi nhận trong lịch sử chỉ số. Philippines là quốc gia duy nhất có chỉ số toàn phần tăng trong tháng 5. Với kết quả 52,2, các nhà sản xuất nhìn chung có mức tăng trưởng khiêm tốn. 

Cả Singapore (51,2) và Indonesia (50.3) đều cho thấy mức cải thiện nhẹ hơn về các điều kiện sản xuất trong tháng 5. Trong khi tốc độ tăng trưởng là nhẹ ở Singapore, các điều kiện kinh doanh gần như không thay đổi ở các công ty sản xuất Indonesia, nơi sức khỏe ngành sản xuất chỉ có mức cải thiện khiêm tốn trong tháng 5. 

 

Ngành sản xuất Việt Nam có thể suy giảm kéo dài

Nói riêng về ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các công ty đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.

"Nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giảm những áp lực còn lại với chuỗi cung ứng, nhờ đó thời gian giao hàng đã rút ngắn và chi phí đầu vào giảm", ông Andrew Harker nhận định, đồng thời cho biết trong khi niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm trong tháng 5, vẫn có những hy vọng trong các công ty rằng tình trạng phục hồi sẽ diễn ra trong những tháng tới. Do đó, những dữ liệu sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra bất kỳ tín hiệu cải thiện nào.

Cùng chung nhận định, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cũng cảnh báo những số liệu tiêu cực là dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất Việt Nam nhiều khả năng sẽ rơi vào thời kỳ suy giảm kéo dài, đặc biệt khi chỉ số PMI tiếp tục giảm sâu và giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.

Trong khi đó, chỉ số PMI của ASEAN ghi nhận 20 tháng liên tiếp đạt mức trên 50 điểm, dù chỉ số tháng 5 của hầu hết các quốc gia đều giảm nhẹ nhưng chuỗi cung ứng cải thiện và áp lực chi phí tiếp tục giảm có thể giúp ngành sản xuất phục hồi trong những tháng tới.

Theo KBSV, điều này cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam có vẻ đang chậm chân hơn trong việc bắt kịp sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài so với các nước trong khu vực.    

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư Dragon Capital Việt Nam dự báo PMI những tháng tới có thể giảm thấp hơn nữa. 

Cùng với sự suy giảm của chỉ số PMI, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của Việt Nam cũng kém khả quan. Việc xuất khẩu yếu là nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất trong nước sụt giảm. Dự báo trong thời gian tới, sức mua yếu dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, khả năng tiếp cận vốn kém khi lãi suất vẫn ở mức cao, cùng với triển vọng xuất khẩu kém khả quan khiến IIP cũng khó có thể phục hồi.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm