Hiệu ứng cá mòi
Các ngư dân nhận ra loài cá mòi rất nhanh chết sau khi đánh bắt nên mang vào bờ bán, giá trị bị giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, một ngư dân phát hiện nếu trong khoang chứa có một vài con cá nheo, đàn cá mòi sẽ còn sống nguyên khi vào bờ. Người này nhận ra cá nheo là loài chuyên săn cá mòi nên để bảo toàn tính mạng, đàn cá phải bơi liên tục tìm đường chạy trốn. Chính việc chuyển động không ngừng này giúp oxy trong nước tăng lên, đàn cá mòi không bị chết ngạt như trước.
Đây chính là khởi nguồn của hiệu ứng tâm lý cá mòi. Hiệu ứng này cho rằng sức sống của mọi thứ đến từ sự cạnh tranh, áp lực và thử thách. Không có áp lực cạnh tranh, con người sẽ tự mãn, mất đi động lực và dần trở thành người vô dụng.
Nhà sáng lập tập đoàn điện tử và thiết bị gia dụng Haier nổi tiếng của Trung Quốc Trương Thụy Mẫn từng nói không có cảm giác khủng hoảng chính là khủng hoảng lớn nhất.
"Bởi vậy, lúc nào cũng cần thúc đẩy bản thân tiến lên, sẵn sàng đối phó với nguy hiểm ngay cả khi đang sống trong hòa bình, khi bão tố xảy đến mới có thể an yên", ông Trương khẳng định.
Hiệu ứng cá sấu
Có một quy luật trong kinh tế học gọi là "hiệu ứng cá sấu".
Khi bị cá sấu cắn vào chân, nếu dùng tay thoát ra, cá sấu sẽ cắn vào cả chân và tay cùng lúc, càng vùng vẫy mạnh càng bị cắn mạnh. Lúc này, cơ hội thoát thân duy nhất là phải hy sinh chiếc chân đã bị cắn, nếu không sẽ mất mạng.
Trong cuộc sống sẽ xuất hiện nhiều con "cá sấu" như vậy. Nếu mù quáng cuốn theo chúng sẽ bị tiêu hao năng lượng, thậm chí hủy hoại cuộc đời. Thay vì tiếp tục chịu tổn thương, tốt hơn hết là thoát khỏi sai lầm càng sớm càng tốt để đi tìm cuộc sống mới.
Trương Văn Cử là một nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc. Ông rất thích viết lách và khao khát trở thành nhà văn.
Thời trẻ, ông chăm chỉ viết hàng ngày nhưng tất cả các bản thảo gửi đến tòa soạn đều không nhận được hồi âm. Sau vài năm mọi việc vẫn vậy, thậm chí Trương còn không tìm được một công việc tử tế. Đến năm 29 tuổi, anh nhận được một lá thư từ tổng biên tập, trong đó viết: "Tôi nhận thấy sự chăm chỉ của bạn nhưng thật tiếc là bạn không có khả năng viết lách. Tuy nhiên chữ viết của bạn ngày càng đẹp hơn, bạn có thể tìm một hướng đi mới".
Những lời của tổng biên tập đã khai sáng cho Trương Văn Cử. Anh đã từ bỏ việc viết lách để chuyển sang học thư pháp và đạt được thành tựu rực rỡ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Trương Văn Cử chia sẻ, khi không thể nhìn thấy hy vọng trên một con đường, có thể rẽ vào một góc phố, biết đâu sẽ thấy một khung cảnh khác. "Có những việc, thà từ bỏ một cách khôn ngoan còn hơn cố chấp một cách mù quáng", Trương nói.
3. Hiệu ứng cá tuế
Nhà động vật học người Đức Horst Stern từng thực hiện một thí nghiệm. Ông bắt một con cá tuế đầu đàn và cắt bỏ trung tâm thần kinh của nó, khiến con cá mất tự chủ và di chuyển loạn xạ. Tuy nhiên, khi đưa con cá này trở lại đàn, dù đã mất khả năng định hướng nhưng những con cá tuế khác vẫn đi theo nó như trước.
Hiệu ứng cá tuế về cơ bản phản ánh tâm lý bầy đàn, nhằm chỉ suy nghĩ hoặc hành vi của những người thường xuyên chịu ảnh hưởng từ người khác. Người ta chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.
Nhà viết kịch nổi tiếng người Ireland George Bernard Shaw từng nói: "Đừng đi theo vết chân của người khác, hãy đi theo con đường của riêng bạn và để lại dấu chân".
Theo ông, mù quáng đi theo vết chân của người khác thường rất dễ đi vào ngõ cụt. Chỉ bằng cách tỉnh táo và không chạy theo đám đông, bạn mới có thể bước ra vùng tối cuộc sống của chính mình.
(Theo sohu)